Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch vừa phát đi thông cáo bác bỏ thông tin của tổ chức phi chính phủ Global Witness về việc chiếm đất Lào, Campuchia của các ông trùm cao su Việt Nam.
Trên website của mình, Global Witness vừa công bố báo cáo mang tên “Các Ông Trùm Cao Su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Campuchia và Lào”, trong đó cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) “có liên quan đến việc chặt đốn khu rừng nguyên vẹn trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền của họ, trái với các quy định của pháp luật”. Global Witness là một tổ chức phi Chính phủ hoạt động vì môi trường.
Trong báo cáo ra ngày hôm qua (13/5), tổ chức này cho rằng HAGL và VRG đã lập các công ty trên giấy để có quyền thuê những mảnh đất lớn, nhiều hơn số đất cho phép theo luật tại hai nước này thông qua các mối quan hệ thân cậy.
Chủ tịch HAGL cho rằng Global Witness chỉ muốn tìm cơ hội quảng bá tên tuổi nên mới đưa ra cáo buộc tập đoàn. Ảnh: Vũ Lê |
Global Witness đặt nghi vấn về khả năng Hoàng Anh Gia Lai và các công ty liên kết được bố trí tổng cộng 81.919 hécta đất đai. Trong số này, 47.370 hécta đất ở Campuchia, mà theo giới hạn pháp lý ở đó, thì mỗi công ty chỉ được 10.000 hécta. Tổng công ty Cao Su Việt Nam và các công ty liên kết, theo Global Witness, được bố trí tổng cộng 200.237 hécta đất, trong đó có 161.344 hécta ở Campuchia.
Báo cáo của Global Witness cũng chỉ trích một số nhà đầu tư quốc tế đang rót vốn vào hai doanh nghiệp này mà không rà soát các cam kết của chính họ về xã hội và môi trường.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 14/5, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức bức xúc cho rằng các cáo buộc trên là vô căn cứ. “Có thể Global Witness muốn tìm cơ hội quảng bá tên tuổi và xin tài trợ nên mới nhắm vào HAGL, rất nhiều nước khác cũng đầu tư vào khu vực này nhưng họ lại chỉ chọn chúng tôi do kết quả chúng tôi làm tốt nhất”, ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, từ trước đến nay, HAGL chưa từng gặp phải trường hợp nào như vậy. “Bất lợi lớn nhất là gây hiểu nhầm cho các cổ đông lớn, chúng tôi sẵn sàng hợp tác nhưng bên phía Global Witness lại không đưa ra được bằng chứng cụ thể”, Chủ tịch HALG bức xúc nói thêm.
Theo một đại diện tại HALG, ngay khi nhận các cáo buộc trên, tập đoàn đã lập tức mời phía Global Witness đến thăm toàn bộ các dự án và trao đổi trực tiếp nhằm làm rõ sự việc. “Họ cũng hứa sẽ đến làm việc vào tháng 5 và gửi cho chúng tôi 49 câu hỏi liên quan đến cáo buộc, đích thân Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã trả lời từng câu, nhưng cuối cùng đến hẹn họ lại không tới và đưa mọi thông tin lên các tờ báo lớn trên thế giới”, đại diện này cho biết.
Danh sách 49 câu hỏi không được HAGL công bố với lý do “chỉ lưu hành trong nội bộ”. Dù vậy, theo đại diện HAGL: “Việc Global Witness tố cáo tập đoàn dùng tiền mua chuộc Chính phủ để lấy đất một cách bất hợp pháp là sự coi thường và sỉ nhục đối với quan chức 2 nước”.
Trước đó, họ gửi thông tin cho cả HAGL và Tập đoàn Cao su Việt Nam. Tuy nhiên Tập đoàn Cao su Việt Nam không trả lời bất kỳ điều gì, đại diện HAGL nói thêm.
Trong công văn gửi Bộ Ngoại giao và báo chí, HAGL cũng khẳng định các công ty con thuộc tập đoàn đang đầu tư vào lĩnh vực trồng cao su và mía đường tại Lào, Campuchia hoàn toàn tuân thủ luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng. Theo đó, HAGL không tham gia khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực nhượng quyền của HAGL. Chính phủ Lào, Campuchia có toàn quyền kiểm soát, sở hữu và quyết định đối với khối lượng gỗ này.
Trong những năm qua, HAGL đã xây hơn 2.000 ngôi nhà cho người nghèo cùng hàng trăm km đường xá, hệ thống dây điện, hàng loạt cầu nối liền các làng bản, bệnh viện và rất nhiều trường học. Đồng thời tập đoàn còn quyên góp cho những chương trình xóa đói giảm nghèo tại 2 nước.
Theo website của Global Witness, tổ chức thành lập năm 1993 và hiện có hơn 60 nhân viên tại hai văn phòng ở London (Anh) và Washington (Mỹ). Mục tiêu của họ là điều tra và ngăn chặn các vụ mâu thuẫn, tham nhũng liên quan đến tài nguyên, bảo vệ môi trường và lạm dụng nhân quyền.
HAGL là tập đoàn tư nhân Việt Nam, thành lập từ năm 1993 và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, khoáng sản, cao su, gỗ đá, thủy điện và cả bóng đá. Trên sàn chứng khoán, HAGL cũng là mã blue-chip được giới đầu tư quan tâm. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, năm 2012, HAGL thu lợi nhuận trước thuế gần 525 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2011.
theo vnexpress.net