Tổ chức thi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm như thế nào? Chứng chỉ bảo hiểm về bảo hiểm trong nước và nước ngoài cấp được quy định như thế nào? Chứng chỉ môi giới bảo hiểm gồm gì?
Mong nhận được sự hỗ trợ!
Tổ chức thi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 69/2022/TT-BTC (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định về tổ chức thi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm như sau:
1. Thủ tục đăng ký dự thi, phê duyệt kết quả thi, phúc khảo bài thi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm; thủ tục cấp, thu hồi, cấp đổi, chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được thực hiện thông qua Hệ thống Quản lý thi chứng chỉ của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Hệ thống Quản lý thi chứng chỉ).
2. Các kỳ thi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được thực hiện theo hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính hoặc trên giấy. Trường hợp thi trên máy tính, máy tính phải được kết nối với Hệ thống Quản lý thi chứng chỉ.
3. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm xây dựng hệ thống câu hỏi thi và ra đề thi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm theo nội dung đào tạo của mỗi loại chứng chỉ quy định tại Thông tư này.
Chứng chỉ bảo hiểm về bảo hiểm trong nước và nước ngoài cấp được quy định như thế nào?
Theo Điều 4 Thông tư 69/2022/TT-BTC (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định về chứng chỉ bảo hiểm như sau:
Chứng chỉ bảo hiểm quy định tại điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 81 Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 16 tháng 6 năm 2022 là một trong các loại chứng chỉ sau:
1. Đối với chứng chỉ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp:
a) Chứng chỉ bảo hiểm nhân thọ;
b) Chứng chỉ bảo hiểm phi nhân thọ;
c) Chứng chỉ bảo hiểm sức khỏe.
2. Đối với chứng chỉ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm nước ngoài cấp:
a) Chứng chỉ nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại hình bảo hiểm nhân thọ;
b) Chứng chỉ nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ;
c) Chứng chỉ nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại hình bảo hiểm sức khỏe.
3. Chứng chỉ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước hoặc nước ngoài cấp trước ngày 01 tháng 01 năm 2023 được tiếp tục sử dụng như sau:
a) Chứng chỉ bảo hiểm nhân thọ cơ bản, chứng chỉ nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại hình bảo hiểm nhân thọ: có giá trị tương đương chứng chỉ bảo hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Chứng chỉ bảo hiểm phi nhân thọ cơ bản, chứng chỉ nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ: có giá trị tương đương chứng chỉ bảo hiểm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Chứng chỉ bảo hiểm sức khỏe cơ bản, chứng chỉ nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại hình bảo hiểm sức khỏe: có giá trị tương đương chứng chỉ bảo hiểm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Chứng chỉ môi giới bảo hiểm gồm gì?
Tại Điều 5 Thông tư 69/2022/TT-BTC (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định về chứng chỉ môi giới bảo hiểm như sau:
Chứng chỉ môi giới bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 16 tháng 6 năm 2022 là một trong các chứng chỉ sau:
1. Chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp;
2. Chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm nước ngoài cấp.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 138 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định về nhân sự, vốn, tài chính, chế độ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:
2. Người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc có chứng chỉ bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm hoặc chứng chỉ môi giới bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trân trọng!