Cần suy nghĩ về việc có nên quy định một khung chặt cho các đô thị, hay các điều kiện ấy chỉ nên áp dụng cho hai địa phương có áp lực dân cư lớn là Hà Nội, TP.HCM mà thôi?
Chuyện hạn chế cấp hộ khẩu thường trú vào các đô thị lớn giờ không chỉ là một nội dung của dự thảo Luật Thủ đô, vừa được Thường vụ QH thảo luận cuối tuần trước, mà còn là nội dung cơ bản của việc sửa đổi Luật Cư trú mà Bộ Công an đang chủ trì. Xử lý vấn đề này thế nào để hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân và khả năng đáp ứng của điều kiện hạ tầng cũng như năng lực quản lý tại các đô thị? Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), xung quanh vấn đề này.
. Phóng viên: Là người đấu tranh với nghị quyết hạn chế thường trú của HĐND TP Đà Nẵng, ông nghĩ thế nào về việc siết đăng ký thường trú thể hiện trong dự thảo Luật Thủ đô?
+ TS Lê Hồng Sơn: Tôi cơ bản đồng tình với dự thảo này. Thậm chí, quá trình tham gia ý kiến, tôi còn đề xuất thêm cơ chế để HĐND TP Hà Nội có thể cho tạm dừng có thời hạn việc cấp hộ khẩu thường trú tại địa bàn cụ thể, với lý do nơi đó đã quá chật chội, đông đúc, quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tất nhiên, thủ tục phải ngặt nghèo. HĐND phải xin ý kiến trung ương, có thể là Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ QH. Phải giải trình công khai, thuyết phục người dân, cấp trên chấp thuận mới được ra quyết định tạm dừng. Và tạm dừng chỉ trong thời hạn nhất định để địa phương giải quyết vấn đề chật chội, đông đúc, quá tải ở nơi đó. Hà Nội có vẻ hưởng ứng với đề xuất này nhưng lên trên thì ngại ngần nên không đưa vào dự thảo.
Ví dụ, quận Đống Đa, Hoàn Kiếm hoặc một phường, tổ dân cư nào đó quá chật chội, lại đang trong dự án dãn dân để đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về đời sống đô thị thì có thể áp dụng hình thức tạm dừng này. Nhưng phải công bố thời hạn, vừa là cam kết để chính quyền giải quyết vấn đề quá tải, vừa đảm bảo quyền cư trú hợp pháp cho người đủ điều kiện thường trú ở khu vực đó.
. Thưa ông, vấn đề hạn chế xét thường trú giờ không chỉ được đặt ra trong dự án Luật Thủ đô. Mới đây, Bộ Công an đã đưa ra lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Cư trú, tập trung vào điều kiện đăng ký thường trú, gần giống như dự thảo Luật Thủ đô. Áp dụng một khung chung theo hướng siết chặt như vậy cho cả năm TP trực thuộc trung ương thì có nên chăng?
+ Đúng là cần suy nghĩ. Có nên quy định một khung chặt cho các đô thị, hay các điều kiện ấy chỉ nên áp dụng cho hai địa phương có áp lực dân cư lớn là Hà Nội, TP.HCM? Tôi thấy ngoài hai TP lớn này thì các TP trực thuộc trung ương còn lại mật độ dân cư không đến nỗi nào. Ngay như Đà Nẵng, HĐND ra nghị quyết siết nhập cư (hiện đã tạm dừng thực hiện – PV) có lẽ vì lo xa thôi, chứ đây là TP đang mở rộng, đang phát triển, có chật chội gì đâu. Cho nên với các đô thị này thì việc siết điều kiện thường trú chỉ nên ở phạm vi hẹp, ở quận, phường nào đó thực sự quá tải dân số.
. Thông tin người dân nhận được dường như chỉ nổi lên các biện pháp kỹ thuật hạn chế nhập cư vào các TP lớn, còn thì ít thấy quy định về trách nhiệm của chính quyền cải thiện điều kiện hạ tầng, có giải pháp khác về kinh tế-xã hội để kéo dãn mật độ dân cư…?
+ Thực ra khi thảo luận về vấn đề quyền tự do cư trú của người dân, rất nhiều ý kiến nhấn mạnh khía cạnh này. Đó là các TP phải có trách nhiệm quy hoạch hợp lý, chủ động dãn dân khu vực đông đúc, quá tải hạ tầng hoặc không đảm bảo an toàn, có các chính sách về kinh tế-xã hội khác để thu hút một cách tự nhiên người dân ra khỏi nội đô chật chội… Đây mới là giải pháp cơ bản giải quyết vấn đề quá tải dân cư ở các đô thị.
Tuy nhiên, trong phạm vi Luật Cư trú thì chỉ có thể quy định các vấn đề liên quan trực tiếp tới cư trú thôi. Còn các giải pháp kia, rất quan trọng nhưng phải giải quyết bằng các luật chuyên ngành khác.
. Xin cảm ơn ông.
Siết, mở, rồi lại siết
– Trước khi có Luật Cư trú 2006, người nhập cư muốn có hộ khẩu Hà Nội, TP.HCM… phải đảm bảo các điều kiện hết sức ngặt nghèo. Trong đó khó nhất là phải có nhà ở của mình (có chủ quyền hoặc giấy tờ hợp lệ được địa phương xác nhận) và phải tạm trú ở TP đó từ ba năm trở lên. – Luật Cư trú (có hiệu lực từ 1-1-2007) nới lỏng rất nhiều về điều kiện nhập hộ khẩu vào TP.HCM, Hà Nội. Theo đó, công dân có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên là đủ điều kiện nhập hộ khẩu. Chỗ ở hợp pháp bao gồm cả trường hợp thuê, mượn, ở nhờ. – Đến Nghị định 56/2010, điều kiện nhập hộ khẩu Hà Nội, TP.HCM đã được quy định chi tiết và chặt chẽ hơn. Theo đó, đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ thì phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5 m2 sàn/người. Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. – Dự thảo Luật Thủ đô (trình QH kỳ họp tới) quy định để được đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội thì phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ ba năm trở lên và nơi đăng ký thường trú phải là nơi đăng ký tạm trú. – Dự thảo sửa đổi Luật Cư trú (dự kiến trình QH vào kỳ họp giữa năm 2013) quy định tăng điều kiện về tạm trú liên tục tại các TP trực thuộc trung ương từ một năm lên ba năm. Đồng thời, bổ sung thêm điều kiện: “Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5 m2/người và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”. |
NGHĨA NHÂN
Nguồn: theo http://phapluattp.vn