MỞ BÀI
Kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư là quyền lợi của khách hàng. Bằng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp Luật sư sẽ thực hiện những biện pháp tốt nhất có thể mà pháp luật cho phép để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của khách hàng mình. Với mỗi một sự việc khách hàng đến gặp Luật sư, Luật sư sẽ giải đáp những thắc mắc pháp lý và đưa ra những giải pháp tối ưu dựa trên quy định pháp luật cho những yêu cầu của khách hàng. Vì vậy khi có tranh chấp dân sự và khách hàng muốn khởi kiện thì vai trò của người luật sư là rất quan trọng.
Hơn nữa, rong xã hội ngày nay, lực lượng lao động ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng để đáp ứng các nhu cầu cần thiết trong xã hội và nhanh chóng thích ứng với quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế và hoạt động thương mại thế giới và để tạo ra nhiều của cải cho xã hội, quan hệ lao động là một trong những dạng quan hệ xã hội phức tạp và có tầm ảnh hường rất lớn đối với lực lượng sản xuất và cả nền kinh tế toàn xã hội. Một sự kiện lao động đơn lẻ cũng thế ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân hoặc một nhóm người lao động và người sử dụng lao động song điều này cũng có thể để tác động xấu đối với lực lượng lao động nói chung, từ đó ảnh hưởng tới nền sản xuất trong nước cũng như ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Để xác định được tầm quan trọng của các quan hệ lao động cũng như sự ảnh hưởng của nó, cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xét xử cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan khác cần hết sức chú trọng tới yêu cầu về mặt pháp lý cũng như hiệu quả xã hội đạt được trong việc giải quyết các vụ án lao động. Việc giải quyết tốt một vụ án lao động theo hướng có tình, có lý, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua công tác pháp luật thực tiễn luôn là mục tiêu của nhà nước ta.
Trong việc giải quyết các vụ án lao động, Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam đều thể hiện rõ quyền được có Luật sư của các đương sự. Người Luật sư được phép tham gia trong vụ án lao động có thể với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho các đương sự. Tuy tham gia với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho một trong các bên đương sự người lao động hoặc người sử dụng lao động trong vụ án lao động thì các bên đương sự sẽ khó tránh khỏi sự thiên lệch về quan điểm trong thực tế, sự tham gia của Luật sư cũng góp phần không nhỏ vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án lao động và làm sáng tỏ những vấn đề pháp lý cần giải quyết. Như vậy, việc người Luật sư bảo vệ cho một bên đương sự trong vụ án là một điều cần thiết khách quan và có thể nói rằng nhu cầu mời Luật sư tham gia vào các vụ án lao động ngày càng gia tăng.
Do vậy, kỹ năng để luật sư có thể hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất tôi chọn đề tài nghiên cứu “Kỹ năng hỗ trợ khách hàng khởi kiện tranh chấp lao động về bồi thường chi phí đào tạo”. Khi nghiên cứu Luật sư hiểu được bản chất pháp lý vấn đề đang tranh chấp, giúp khách hàng thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh thông qua việc thu thập chứng cứ và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện làm cở sở cho Tòa thụ lý giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mình. Đồng thời Luật sư cũng phải có kỹ năng khác để giải quyết những tranh chấp lao động về bồi thường chi phí đào tạo cho phù hợp với những điểm đặc thù của quan hệ pháp luật này.
PHẦN II. NỘI DUNG
I. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN
Khi luật sư tham gia bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ trong bất kỳ một vụ việc dân sự nào cũng phải tiến hành theo các giai đọan cơ bản như sau:
1. Tiếp xúc, trao đổi với thân chủ và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.
2. Nghiên cứu hồ sơ vụ án.
3. Thu thập, nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chứng cứ.
4. Hòa giải.
5. Chuẩn bị tham gia phiên tòa.
6. Tham gia phiên tòa.
Bởi thế một Luật sư khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mình trong các vụ án lao động với việc đòi bồi thường chi phí đào tạo, để hoàn thành tốt được công việc theo yêu cầu, đòi hỏi người Luật sư phải có các kỹ năng cơ bản để hoàn thành sứ mệnh của mình.
II: KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TRONG GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG
Trong việc giải quyết vụ án lao động, kỹ năng của luật sư dựa vào các tiêu chí khác nhau có thể được chia theo những dạng khác nhau:
Nếu phân loại theo nội dung các mối quan hệ trong giải quyết vụ án, có thể chia ra kỹ năng trong quan hệ với khách hàng, kỹ năng trong quan hệ với đương sự phía bên kia, kỹ năng trong quan hệ với những người tham gia khác trong vụ án, kỹ năng quan hệ với những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng.
Nếu phân loại theo loại hành vi cụ thể, có thể chia ra thành kỹ năng trong việc nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng soạn thảo đơn khởi kiện, kỹ năng trong việc đưa ra chứng cứ, kỹ năng xét hỏi, kỹ năng tranh luận, kỹ năng thực hiện kháng cáo…
Nếu phân loại theo chủ thể được bảo vệ, có thể chia thành kỹ năng của luật sư trong việc bảo vệ người lao động và kỹ năng của luật sư trong việc bảo vệ người sử dụng lao động.
Nếu phân loại theo vai trò của luật sư trong vụ án có thể chia ra kỹ năng của luật sư khi là người đại diện của đương sự và kỹ năng của luật sư khi là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tuy nhiên, trong thực tế, các kỹ năng trên được thực hiện và thể hiện đan xen trong những giai đoạn nhất định của việc giải quyết vụ án, nó liên quan mật thiết với quá trình giải quyết vụ án theo những trình tự luật định nên có thể xem xét kỹ năng của luật sư theo từng giai đoạn tố tụng cụ thể. Đây cũng là cách phân loại phổ biến đối với các kỹ năng của luật sư trong các vụ án nói chung. Theo đó, kỹ năng của luật sư có thể xem xét theo từng giai đoạn tố tụng cụ thể như sau:
– Kỹ năng của luật sư trong quá trình khởi kiện vụ án lao động
– Kỹ năng của luật sư trong giai đoạn chuẩn bị xét xử
– Kỹ năng của luật sư tại phiên tòa xét xử sơ thẩm
– Kỹ năng của luật sư tại phiên tòa xét xử phúc thẩm
– Kỹ năng của luật sư trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm
– Kỹ năng của luật sư trong giai đoạn thi hành án vụ án lao động;
III. CÁC KỸ NĂNG CỦA LUẬT SỰ TRONG VIỆC HỖ TRỢ KHỞI KIỆN TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VỀ BỒI THƯỜNG CHI PHÍ ĐÀO TẠO.
Theo khoản 3 điều 41 Bộ luật lao động có quy định: “Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường chi phí đào tạo (nếu có) theo quy định của Chính phủ”
Điều 13 NĐ 44/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành Bộ luật lao động về hợp đồng lao động (sau đây gọi là NĐ 44/2003): “Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 02/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động và Luật giáo dục về dạy nghề, trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện đúng và đủ các quy định tại điều 37 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung”.
Như vậy, tranh chấp lao động về đòi bồi thường chi phí đào tạo xảy ra giữa người sử dụng lao động với người lao động khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động và không thực hiện cam kết lao động sau khi được đào tạo. Nguyên đơn trong các vụ án lao động tranh chấp về đòi bồi thường chi phí đào tạo luôn là người sử dụng lao động, còn bị đơn là người lao động. Có hai trường hợp khởi kiện tranh chấp lao động:
– Trường hợp 1: Người lao động không thực hiện cam kết làm việc sau khi được đào tạo, người sử dụng lao động đòi phí đào tạo, người lao động không chịu bồi thường, người sử dụng lao động khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết.
– Trường hợp 2: Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động kiện ra Toà, người sử dụng lao động mới yêu cầu phản tố đòi bồi thường chi phí đào tạo.
Vậy kỹ năng của Luật sư trong việc hỗ trợ khách hàng khởi kiện tranh chấp lao động về đòi bồi thường chi phí đào tạo gồm tổng thể các kỹ năng sau:
1. KỸ NĂNG TIẾP XÚC KHÁCH HÀNG VÀ KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN CỦA KHÁCH HÀNG:
1. Trao đổi với khách hàng về nội dung tranh chấp:
Kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp Luật sư là quyền lợi của khách hàng và đạo đức nghề nghiệp của người Luật sư trong suốt quá trình hành nghề để mang lại sự công bằng cho con người và công lý cho xã hội. Vì vậy việc đầu tiên là Luật sư phải xác định được quan hệ tranh chấp lao động ở đây là tranh chấp là gì? Trước tiên Luật sư cần phải hiểu cụ thể yêu cầu của khách hàng, tìm hiểu những bức xúc và nguyện vọng của họ. Trên cơ sở yêu cầu cụ thể của khách hàng, căn cứ theo quy định của pháp luật nội dung mà Luật sư xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp và từ đó mới đưa ra được lời khuyên thích hợp cho khách hàng. Đối với tranh chấp lao động đòi bồi thường chi phí đào tạo thì khi tiếp xúc với khách hàng về nội dung tranh chấp Luật sư cần làm rõ được những vấn đề cơ bản sau:
– Thứ nhất: Làm rõ xem giữa các bên có quan hệ lao động không. Cụ thể, Luật sư cần làm rõ xem giữa các bên có ký hợp động lao động không? Hợp đồng bằng miệng hay bằng văn bản; thời hạn của hợp đồng, tiền lương, công việc, địa điểm làm việc… Việc làm rõ này giúp Luật sư có thể xác định chính xác xem quan hệ giữa các bên là quan hệ lao động hay quan hệ dân sự, hành chính. Từ đó có thể xác định được chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
– Thứ hai: Luật sư phải xem có cam kết lao động sau khi được đào tạo không? Điều này rất quan trọng vì nó là căn cứ để xác định có trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động khi người lao động không làm việc cho họ không. Có hai trường hợp xảy ra: Trường hợp 1: Người lao động và Người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động trước rồi ký hợp đồng đào tạo; Trường hợp 2 là chưa có hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động mà mới có cam kết làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo.
– Thứ ba: Luật sư phải làm rõ nội dung tranh chấp giữa các bên đó là tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, tranh chấp về kỷ luật sa thải hay tranh chấp về bồi thường chi phí đào tạo… Khi làm rõ được nội dung tranh chấp Luật sư cần biết được thời điểm xảy ra sự kiện pháp lý dẫn đến tranh chấp và thủ tục các bên đã tiến hành giải quyết tranh chấp như thế nào.
– Thứ tư: Luật sư cần làm rõ khách hàng muốn bồi thường chi phí đào tạo bao gồm những khoản gì, mức bồi thường là bao nhiêu…
Từ việc tiếp xúc, trao đổi với khách hàng để nắm rõ được những nội dung trên, Luật sư có thể phân tích được cho khách hàng có nên khởi kiện hay không? Lợi ích từ việc khởi kiện hay không khởi kiện như thế nào? Khả năng thắng kiện như thế nào? Và phân tích được những vấn đề thuận lợi và khó khăn trong việc kiện theo con đường tố tụng tại Tòa.
2. Kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng:
Sau khi nắm vững được nội dung vụ việc, nếu khách hàng quyết định khởi kiện thì Luật sư cần kiểm tra những vấn đề sau :
– Điều kiện khởi kiện của khách hàng: Khách hàng có quyền khởi kiện không?
– Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo yêu cầu của khách hàng;
– Điều kiện về thời hiệu khởi kiện;
2.1. Chủ thể khởi kiện:
Theo quy định tại Điều 161 BLTTDS: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy Luật sư có thể hướng dẫn cho khách hàng tự mình khởi kiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện. Vì người sử dụng luôn là nguyên đơn khởi kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại, nên nếu người sử dụng lao động là cá nhân khởi kiện thì phải đủ từ 18 tuổi trở lên; nếu người sử dụng lao động là pháp nhân thì người khởi kiện có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền.
2.2 Điều kiện hòa giải cơ sở:
Về nguyên tắc, đối với tranh chấp lao động thì Tòa án chỉ thụ lý khi tranh chấp đó đã được Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động hòa giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định (trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu). Luật sư cần tìm hiểu xem khách hàng của mình đã tiến hành hòa giải chưa, nếu chưa thì cần hướng dẫn khách hàng cần thiết tiến hành thủ tục hòa giải cơ sở. Hòa giải thành sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho khách hàng.
2.3 Thẩm quyền của Tòa án:
Việc xác định đúng Tòa án có thẩm quyền là cở sở để gửi đơn khởi kiện đến Tòa giải quyết, tiết kiệm được thời gian cho đương sự.
Căn cứ vào khoản 1 điều 31 và điều 33 BLTTDS thì tranh chấp lao động động đòi bồi thường chi phí đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện nếu không có yếu tố nước ngoài và Tòa án giải quyết là tòa án nơi cư trú, làm việc của bị đơn. Trong trường hợp này, Luật sư có thể tư vấn cho nguyên đơn là người sử dụng lao động nên khởi kiện ở Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn làm việc.
2.4 Về thời hiệu khởi kiện:
Theo khoản 4 điều 167 BLLĐ thì thời hiệu khởi kiện của tranh chấp lao động là sáu tháng kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm. Mặc dù pháp luật không quy định ngày nào là ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm nhưng luật sư cần trao đổi với khách hàng để biết chính xác ngày xảy ra sự kiện pháp lý dẫn đến tranh chấp và ngày khách hàng mình biết được sự kiện đó. Từ đó luật sư kiểm tra xem thời hiệu khởi kiện còn không? Nếu đã hết thời hiệu khởi kiện thì Luật sư nên khuyên khách hàng không nên khởi kiện ra Tòa án.
2.5 Điều kiện sự việc chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền:
Luật sư cần kiểm tra xem tranh chấp của đương sự mình đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền chưa? Nếu đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì Luật sư nên cho khách hàng biết họ không có quyền khởi kiện về tranh chấp này nữa.
II. KỸ NĂNG CHUẨN BỊ HỒ SƠ KHỞI KIỆN:
Hồ sơ khởi kiện là hồ sơ mà nguyên đơn nộp cho Tòa án khi khởi kiện vụ án. Việc lập hồ sơ khởi kiện nhằm tập hợp một cách có hệ thống tài liệu chứng cứ và những vấn đề liên quan đến vụ án mà nguyên đơn đang yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết.
Sau khi trao đổi tiếp xúc và kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng, nếu khách hàng quyết định khởi kiện, luật sư cần giúp họ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện bao gồm những công việc sau đây:
– Đơn khởi kiện;
– Các tài liệu làm cơ sở cho yêu cầu của nguyên đơn;
– Các tài liệu về tư cách chủ thể của nguyên đơn (CMTND, HKGĐ…)
– Hợp đồng lao động
– Nội quy lao động của doanh nghiệp đã được đăng ký với Sở LĐTB và XH
– Thỏa ước lao động tập thể đã được đăng ký với Sở LĐTB và XH.
– Các tài liệu chứng cứ khác.
Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện của Luật sư cho khách hàng nói chung và kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện trong tranh chấp lao đồng đòi bồi thường chi phí đào tạo nói riêng bao gồm: Kỹ năng soạn thảo đơn khởi kiện; Kỹ năng thu thập chứng cứ, tài liệu cho khách hàng; Kỹ năng hướng dẫn khách hàng nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án.
- 1. Kỹ năng soạn đơn khởi kiện cho khách hàng:
Đơn khởi kiện là hình thức biểu đạt yêu cầu của khởi kiện đến Tòa án nhằm giải quyết tranh chấp đang xảy ra. Đơn khởi kiện là tài liệu cần thiết đầu tiên trong hồ sơ khởi kiện. Cũng giống như đơn khởi kiện trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, về nguyên tắc đơn khởi kiện trong các vụ án lao động cũng phải có đầy đủ nội dung được quy định tại điều 164 BLTTDS, khoản 2 gồm những nội dung chính sau:
– Ngày tháng năm viết đơn;
– Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án;
– Họ tên, địa chỉ của nguyên đơn;
– Họ tên, địa chỉ của bị đơn;
– Họ tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ lien quan (nếu có);
– Nội dung sự việc (tóm tắt nội dung tranh chấp, giá trị tranh chấp nếu có);
– Các thông tin khác mà xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;
– Các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của nguyên đơn;
– Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; nếu là cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu ở phần cuối đơn.
Khi giúp khách hàng soạn thảo đơn khởi kiên Luật sư cần lưu ý:
ü Trong đơn khởi kiên, phần diễn biến vụ việc và yêu cầu của nguyên đơn Luật sư phải đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên phần diễn biến sự việc tránh kể lể dài dòng mà chỉ nêu các sự kiện có tính chất là mốc thời gian, nhưng không được quá sơ sài khiến người đọc không nắm bắt được diễn biến của tranh chấp. Phần yêu cầu của nguyên đơn phải trình bày rõ ràng, ngắn gọn đồng thời mang tính đề xuất Tòa án giải quyết.
ü Địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn , người có quyền lợi liên quan phải là địa chỉ liên lạc được với họ. Trường hợp không có địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi liên quan thì phải nói rõ trong đơn.
ü Hình thức đơn khởi kiện có thể viết tay hoặc đánh máy.
Sau khi viết xong đơn Luật sư cần trao đổi với đương sự và xem lại lần cuối trước khi gửi Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
- 2. Kỹ năng thu thập chứng cứ tài liệu cho hồ sơ khởi kiện:
Kèm theo đơn khởi kiện thì nguyên đơn phải gửi kèm theo những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Việc nộp những tài liệu chứng cứ là điều quan trọng đòi hỏi sự khéo léo, những tài liệu chứng cứ quan trọng nên để đến phiên tòa mới xuất trình. Với tranh chấp lao động về bồi thường chi phí đào tạo thường phải có những tài liệu:
ü Các tài liệu chứng minh giữa hai bên tranh chấp có quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động; phụ lục hợp đồng lao động hay hợp đồng đào tạo trong đó có cam kết sau khi được đào tạo người lao động sẽ làm việc cho người sử dụng lao động.
ü Các tài liệu chứng minh sự kiện tranh chấp giữa các bên như Bản cam kết về thời gian làm việc bắt buộc cho doanh nghiệp sau khi học; những tài liệu chứng minh người lao động đã có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
ü Biên bản hòa giải cơ sở không thành…
- 3. Kỹ năng hướng dẫn khách hàng nộp hồ sơ khởi kiện:
Nộp đơn kiện, hồ sơ khởi kiện: Theo quy định tại Điều 166 BLTTDS Luật sư có thể hướng dẫn khách hàng nộp đơn khởi kiện bằng hai phương thức:
ü Nộp trực tiếp tại Tòa án và nhận biên lai xác nhận việc nộp đơn, ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án;
ü Gửi đến Tòa án qua bưu điện và lấy xác nhận của bưu điện về việc gửi đơn. Ngày khởi kiện được tính từ ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
Sau khi nộp đơn khởi kiện, khi có thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án dân sự, Luật sư hướng dẫn khách hàng đi nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đang thụ lý;
Nhận hai biên lai thu tạm ứng án phí từ cơ quan thi hành án, nộp một biên lai cho Tòa án để Tòa án thụ lý vụ án.
Kết thúc giai đoạn hỗ trợ khách hàng khởi kiện tranh chấp lao động về bồi thường chi phí đào tạo ra Tòa án.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu sâu các qui định pháp luật và thực tế các vụ án lao động để ứng dụng vào thực tiễn các kỹ năng của Luật sư trong việc giải quyết vụ án lao động nói chung là một điều cần thiết đối với những người hành nghề luật sư và đặc biệt cần thiết đối với những luật sư chuyên về giải quyết các vụ án lao động.
Những kỹ năng của Luật sư trong các vụ án lao động không nằm ngoài những kỹ năng chung của luật sư trong các vụ án có tính chất dân sự khác song cần được thực hiện phù hợp với những đặc thù của các vụ án lao động cần giải quyết. Có thể gọi việc thực hiện áp dụng các kỹ năng chung này cho phù hợp với đặc thù của loại vụ án lao động cũng là một trong những kỹ năng của luật sư. Suy ở một phạm vi rộng hơn, việc cụ thể hóa các kỹ năng của luật sư trong việc giải quyết những tranh chấp dân sự nói chung vào việc giải quyết những tình huống cụ thể đặc thù của từng loại quan hệ là một kỹ năng thực sự cần thiết của các luật sư. Việc đó chỉ có thể có được khi người luật sư nắm vững được các yếu tố đặc thù quy định những điểm đặc trưng đối với mỗi loại vụ việc.
Kỹ năng của luật sư trong việc hỗ trợ khách hàng khởi kiện vụ việc dân sự nói chung và trong tranh chấp lao động đòi bồi thường thiệt hại nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Việc nắm vững các kỹ năng ứng dụng cụ thể vào các vụ án lao động của Luật sư sẽ giúp cho người luật sư giải quyết vụ án một cách hợp lý, hợp tình. Đó là sự tổng hợp nhiều kỹ năng của Luật sư: Kỹ năng trao đổi tiếp xúc với khách hàng để nắm bắt được nội dung tranh chấp; Kỹ năng tư vấn cho khách hàng về việc nên kiện hay không kiện và phân tích về hậu quả pháp lý của việc khởi kiện như thế nào; Kỹ năng nghiên cứu các văn bản pháp lý làm căn cứ cho yêu cầu khởi kiện của khách hàng; Kỹ năng soạn thảo đơn khởi kiện; Kỹ năng thu thập các chứng cứ. Người luật sư phải kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng này để hỗ trợ khách hàng khởi kiện được nhanh chóng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng.
Sưu tầm