Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá – thông tin là hành vi cố ý hoặc vô ý của tổ chức, cá nhân vi phạm quy tắc quản lý nhà nước trong các lĩnh vực văn hoá – thông tin mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này thì phải bị xử phạt hành chính.
2. Vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hoá – thông tin quy định trong Nghị định này bao gồm: Những hành vi vi phạm quy tắc quản lý nhà nước trong các hoạt động thông tin báo chí; hoạt động xuất bản; điện ảnh; các loại hình nghệ thuật biểu diễn; hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng; mỹ thuật, triển lãm văn hoá, nghệ thuật, nhiếp ảnh; quyền tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật và quyền liên quan; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu; di sản văn hoá; thư viện; công trình văn hoá, nghệ thuật; xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm văn hoá; công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài.
3. Vi phạm hành chính trong các hoạt động thông tin báo chí, xuất bản, điện ảnh, xuất khẩu văn hoá phẩm có nội dung tiết lộ bí mật nhà nước thì áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hoá – thông tin đều bị xử phạt theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hoá – thông tin trên lãnh thổ Việt Nam bị xử phạt như đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hoá – thông tin bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 3. Thời hiệu xử phạt
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hoạt động thông tin báo chí; điện ảnh; các loại hình nghệ thuật biểu diễn; hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng; mỹ thuật, triển lãm văn hoá, nghệ thuật, nhiếp ảnh; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu; di sản văn hoá, thư viện là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hoạt động xuất bản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm văn hoá, bản quyền tác giả là hai năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
3. Trường hợp quá thời hiệu quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này thì không xử phạt nhưng có thể áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, c và d khoản 3 Điều 12 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
4. Cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì bị xử phạt hành chính nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 03 tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
5. Trong thời hạn được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, nếu tổ chức, cá nhân có vi phạm hành chính mới hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Điều 4. Nguyên tắc xử phạt
1. Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để theo đúng pháp luật. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng pháp luật.
2. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần; một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.
3. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
4. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá – thông tin phải xử phạt đúng thẩm quyền; đối với những vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt, những vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, người thụ lý phải lập biên bản, chuyển giao biên bản, các tài liệu có liên quan khác và tang vật, phương tiện vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc cơ quan xử lý hình sự có thẩm quyền giải quyết.
5. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong tình trạng đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Điều 5. Áp dụng các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá – thông tin, người có thẩm quyền xử phạt chỉ được áp dụng những hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi đó theo quy định của pháp luật.
2. Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được áp dụng theo quy định tại các Điều 8 và 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
3. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính nhằm xử lý triệt để vi phạm, loại trừ nguyên nhân, điều kiện tái phạm và khắc phục mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG
VĂN HOÁ – THÔNG TIN, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT
Mục 1
HÀNH VI VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN BÁO CHÍ,
HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT
Điều 6. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin báo chí
Hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin báo chí bao gồm các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), hoạt động truyền hình trả tiền, hoạt động xuất bản đặc san, bản tin, tài liệu, tờ rơi, phát hành thông cáo báo chí, đăng phát bản tin trên màn hình điện tử, hoạt động cung cấp thông tin, thiết lập trang tin điện tử trên Internet và các hoạt động liên quan đến việc thu chương trình truyền hình trực tiếp từ vệ tinh (TVRO).
Điều 7. Vi phạm các quy định về giấy phép hoạt động thông tin báo chí
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sửa chữa, tẩy xóa giấy phép;
b) Thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép;
c) Thay đổi trụ sở cơ quan báo chí mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi mà không có giấy phép.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Phát hành thông cáo báo chí, đăng phát bản tin trên màn hình điện tử, thiết lập trang tin điện tử trên Internet, lắp đặt TVRO mà không có giấy phép theo quy định;
b) Xuất bản đặc san, số phụ, số chuyên đề, mở thêm kênh, tăng trang, thêm chương trình mà không có giấy phép;
c) Cung cấp dịch vụ thông tin Internet mà không có giấy phép.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xuất bản báo in, báo điện tử, phát sóng phát thanh, truyền hình mà không có giấy phép hoạt động báo chí theo quy định.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 90 ngày đến 180 ngày đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này.