Hàng thế chấp nhiều lại khó thanh lý, không ít chuyên viên ngân hàng từ bộ phận thu hồi nợ, tín dụng… trở thành những “bảo vệ” bất đắc dĩ ngày đêm canh kho hàng.
Từ khi vào nghề cách đây 5 năm, chưa bao giờ anh Huy thấy vất vả như một năm trở lại đây. Anh là quản lý phòng thu hồi nợ một nhà băng tại Hà Nội. Có những hôm 9h tối nhận tin một kho hàng thế chấp bị tẩu tán, anh phải cùng nhân viên trong phòng nhanh chóng lên đường.
“Không ít lần chúng tôi phải túc trực gần như cả đêm để chỉ đạo việc vận chuyển, thu giữ các lô hàng thế chấp”, anh cho hay.
Nhiều nhân viên ngân hàng có thể trở thành bảo vệ bất đắc dĩ. Ảnh minh họa |
Có hàng để thu giữ vẫn còn may. Nhiều trường hợp một lô hàng được thế chấp tại nhiều nhà băng, đến khi xảy ra sự cố ai cũng tranh đến thu giữ. “Nếu lượng hàng đủ cho tất cả dư nợ thì không sao, nhưng nhiều trường hợp xảy ra tình trạng giành giật lẫn nhau”, anh Huy cho hay.
Chuyên viên phòng thu hồi nợ một nhà băng khác cũng kể, không ít lần phải ăn nằm ở kho để trông hàng. “Các kho đều có bảo vệ nhưng nhiều trường hợp khách thông đồng với họ để thoát hàng ra mà nhà băng không biết. Đến khi phát hiện, chúng tôi buộc phải cắt cử người trông kho để chờ công an đến kiểm tra”, chuyên viên này kể.
Theo anh, một trong những đặc điểm của tài sản thế chấp hàng hóa là có tính thanh khoản cao hơn so với một số tài sản thế chấp khác nhưng rủi ro cũng nhiều. Không ít trường hợp khách mượn hàng của doanh nghiệp khác về cho đủ số lượng, hoặc luân chuyển giữa các kho, thậm chí tinh vi hơn là giả mạo hàng hóa. Do đó, ngay khi thẩm định đã rất dễ bị mắc bẫy.
Đến khi xử lý thì một số loại tài sản lại rất dễ bị tẩu tán. Vì thế, để đòi được nợ, nhân viên ngân hàng phải giở đủ ngón nghề. “Có lần, để thu giữ được tài sản thế chấp đã bị khách hàng giấu đi, một số nhân viên trong phòng phải bám sát, theo dõi họ, thấy là chộp ngay lại”, anh này kể.
Bên cạnh những vất vả có thể đong đếm, nhân viên thu hồi nợ nhiều ngân hàng cho biết, còn phải chịu áp lực lớn từ phía cấp trên. “Các chỉ tiêu doanh số, nếu không đạt thì bị ép nghỉ thẳng tay hoặc cắt giảm lương”, anh cho hay.
Nợ xấu hiện nay được ví như “cục máu đông” không những làm tắc nghẽn dòng vốn ra nền kinh tế mà còn khiến các ngân hàng phải đau đầu tìm cách xử lý. Riêng địa bàn TP HCM, nợ xấu khoảng 5,98% tổng dư nợ, cao hơn so với toàn quốc. Mức nợ nhóm 5 (có nguy cơ mất vốn) lên tới 62% tổng nợ xấu là đáng báo động vì nó sẽ làm tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Đa phần nợ xấu đến từ khối khách hàng doanh nghiệp vay có tài sản thế chấp. Doanh nghiệp vay tiền xây nhà kinh doanh thường thế chấp bằng chính dự án, vay mua hàng hóa thì thế chấp bằng hàng hóa. Đến khi không trả được nợ, ngân hàng phải tiếp quan số hàng hóa đó tìm cách xử lý thành tiền.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, với việc nợ xấu gia tăng chóng mặt trong thời gian qua, chuyện các nhà băng cấp tập lo chống đỡ bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc cắt cử nhân viên đến “bảo vệ” hàng hóa thế chấp là điều dễ hiểu.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP HCM chia sẻ, hiện nay máy móc, thiết bị, hàng hóa, bất động sản của một số doanh nghiệp thế chấp cho nhà băng nhưng mất khả năng trả nợ khá lớn. Số tài sản này đều được ngân hàng rao bán nhằm thu hồi nợ. Nhưng theo ông, thời buổi khó khăn, tài sản giảm giá trị, người mua ít, thủ tục phức tạp… nên việc thanh lý tài sản chẳng dễ dàng. Chưa kể, nhiều hàng hóa, thiết bị giá trị trong kho và trụ sở công ty còn có nguy cơ bị các chủ nợ bên ngoài và “dân giang hồ” vào cướp. “Ngân hàng phải cử cán bộ thu hồi nợ xuống tiếp quản, niêm phong tài sản và canh giữ hàng ngày”, ông nói.
Một lãnh đạo ngân hàng khác còn cho biết, doanh nghiệp để nợ quá hạn lâu sẽ bị “nhảy nhóm”, các chuyên viên tín dụng nếu để xảy ra nợ xấu cũng bị “nhảy bộ phận” bất cứ lúc nào. Theo đó, nếu nợ xấu nhiều, nhân viên phòng tín dụng sẽ bị thuyên chuyển sang phòng thu hồi nợ, hoặc xuống “bảo vệ” kho hàng thuế chấp.
Chuyên gia Tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nhìn nhận, năm nay đang là giai đoạn cao trào các nhà băng phải xử lý, dọn dẹp những khoản nợ xấu nên bộ phận thu hồi nợ không tránh khỏi áp lực nặng nề. Do đó, ông Lực dự đoán, ở những bộ phận khác, các nhà băng có thể sẽ cắt giảm tối đa nhân sự nhưng riêng thu hồi nợ, quân số tại nhiều nơi tăng mạnh. “Không ít lãnh đạo, quản lý ở những phòng, ban tại chi nhánh cũng bị điều chuyển lên làm thu hồi nợ để xử lý, chịu trách nhiệm về những khoản nợ xấu do mình gây ra”, chuyên gia này cho hay.
Cũng theo ông Lực, trong năm tới, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn gặp không ít khó khăn do tình hình kinh tế trì trệ, doanh nghiệp chưa thể phục hồi sản xuất để trang trải cho các khoản nợ.
Về vấn đề điều chuyển cấn bộ ngân hàng sang làm “bảo vệ” bất đắc dĩ, xét về khía cạnh pháp lý, Luật sư Trần Văn Đôn, Công ty TNHH Đông Phương Luật cho rằng, đơn vị sử dụng lao động có thể tạm thời điều chuyển người lao động làm công việc trái nghề nhiều lần, nhưng tổng cộng số ngày điều chuyển của các lần không quá 60 ngày cộng dồn trong một năm. Trường hợp tạm điều chuyển vượt quá 60 ngày thì phải được sự chấp thuận của người lao động.
Ông Đôn cũng nhấn mạnh, việc điều chuyển người lao động làm công việc khác tạm thời là quyền của người sử dụng lao động nhưng quyền điều chuyển này bị pháp luật giới hạn ở một số điểm. Thứ nhât, không phải bất cứ lúc nào muốn là doanh nghiệp có thể điều chuyển người lao động làm việc khác trái nghề. Việc điều chuyển chỉ được tiến hành trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn đột xuất. Ngoài ra, phải đảm bảo tốt chế độ lương thưởng.
theo vnexpress