Qua nhiều lần dự thảo, Quốc hội khóa 12 đã thông qua Luật số 65/2011/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tồ tụng dân sự. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012.
So với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự có một số điểm mới quan trọng mà các Luật sư cần đặc biệt lưu ý trong quá trình hoạt động nghề nghiệp:
Thứ nhất:Về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Điều 159 về thời hiệu khởi kiện đã được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 159. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:
a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;
b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu.”
Như vậy, theo quy định này thì kể từ ngày 01/01/2012, trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với những tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý; chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Các tranh chấp không thuộc các trường hợp nêu trên thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là 02 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung này thì thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Đây là điểm mới vô cùng quan trọng, bởi vì theo quy định cũ của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì trong trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm, thì có rất nhiều trường hợp do những điều kiện khách quan mà người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm không biết, không thể biết để thực hiện việc khởi kiện trong thời hạn 02 năm nên đã bị hết thời hiệu khởi kiện và không được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai:Mở rộng phạm vi các tranh chấp, yêu cầu dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Theo quy định tại Điều 25 đã được sửa đổi, bổ sung thì các tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được mở rộng thêm đối với 03 loại tranh chấp mới là:
– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự
Tương tự, tại Điều 26 được sửa đổi, bổ sung thêm 02 loại việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
– Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
– Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Thứ ba: Đảm bảo quyền tranh luận đã được ghi nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng dân sự.
Điều 23a, Luật sửa đổi, bổ sung quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Toà án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.
Đây là một quy định mới rất có ý nghĩa trong hoạt động hành nghề Luật sư khi tham gia tranh tụng trong các vụ án dân sự. Đảm bảo quyền tranh luận trong tố tụng dân sự được ghi nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Luật sư trong các vụ án dân sự.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung có một số quy định mới khác đáng lưu ý như: Đương sự trong các vụ việc dân sự có thêm quyền được trực tiếp đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án khi được phép của Tòa án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng (quy định trước đây chỉ cho phép đương sự đề xuất với Toà án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với nhân chứng). Quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm; bên cạnh đó còn quy định thêm thủ tục mới là “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”.
Hy vọng với những quy định mới này, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự được đưa vào thi hành góp phần giải quyết những khó khăn, trở ngại, nâng cao vai trò của các Luật sư khi tham gia tranh tụng trong các vụ án dân sự.
Luật sư Hà Thị Thanh
Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên
Công ty luật