Từ 11/1/2012, các doanh nghiệp có trên 51% vốn nước ngoài sẽ được kinh doanh dịch vụ chuyển phát tại Việt Nam.
Đó là nội dung chính tại Nghị định 128/2007/NĐ-CP về dịch vụ chuyển phát vừa được Chính phủ ban hành ngày 2/8.
Nghị định cũng quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư của Sở Bưu chính Viễn thông, nay là Sở Thông tin – Truyền thông (PV) đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư trong phạm vi nội tỉnh, hoặc của Bộ Thông tin – Truyền thông đối với các trường hợp khác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát phải áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trong dịch vụ chuyển phát. Thông tin riêng liên quan đến việc sử dụng dịch vụ chuyển phát được bảo đảm bí mật. Việc khám xét, thu giữ thông tin dưới dạng văn bản, kiện, gói hàng hóa chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng nêu rõ danh mục cấm gửi trong dịch vụ chuyển phát, bao gồm: ấn phẩm, vật phẩm, hàng hóa mà Việt Nam cấm lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc nước nhận cấm nhập khẩu; vật, chất gây nổ, cháy, nguy hiểm, làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường; tiền Việt Nam, giấy tờ có giá với giá trị bằng tiền Việt Nam; ngoại hối, giấy tờ có giá với giá trị bằng tiền nước ngoài.
Đồng thời doanh nghiệp phải có nghĩa vụ bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ chuyển phát; công bố rõ các phương án giải quyết, biện pháp xử lý đối với trường hợp không phát được; đồng thời, bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng cung ứng, sử dụng dịch vụ và quy định của pháp luật.
Người sử dụng dịch vụ chuyển phát có quyền yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ và giải quyết khiếu nại về dịch vụ. Trong tối đa 3 tháng, doanh nghiệp phải giải quyết khiếu nại về dịch vụ chuyển phát../
Theo Vneconomy