Trong trường hợp không có điều kiện về Việt Nam, vẫn có thể gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn qua đường bưu điện và có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.
Theo điểm c, khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp hai người không cư trú cùng một địa chỉ thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của nguyên đơn.
Với các quy định nói trên, bạn phải gửi đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn đến Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố nơi bị đơn đang cư trú để được xem xét và giải quyết.
Các tài liệu gửi đến tòa án gồm có: Đơn xin ly hôn (trong đó phải trình bày đầy đủ các vấn đề như mâu thuẫn trong thời gian chung sống và mâu thuẫn đó là không thể giải quyết được; địa chỉ chính xác của người ở nước ngoài và người ở trong nước…); giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; bản sao hợp lệ hộ chiếu của người xin ly hôn. Nếu kèm theo việc yêu cầu ly hôn còn có yêu cầu giải quyết về con cái, về tài sản ở Việt Nam thì cần kèm theo Giấy khai sinh của con; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản…
Về trường hợp người gửi đơn không có điều kiện về Việt Nam: Theo quy định tại Điều 166 Bộ luật tố tụng dân sự về việc gửi đơn khởi kiện thì người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án qua bưu điện.
Khoản 1, Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định về một số trường hợp Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án khi đương sự vắng mặt. Trong trường hợp nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa và có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án. Như vậy, trong trường hợp không có điều kiện về nước, vẫn có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn qua đường Bưu điện và có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.
Luật sư công ty luật tư vấn