Luật phá sản năm 2004 và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.
1. Các giai đoạn tiến hành thủ tục phá sản doanh nhiệp:
Thủ tục phá sản được áp dụng đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản gồm các bước sau:
– Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản;
– Phục hồi hoạt động kinh doanh;
– Thanh lý tài sản, các khoản nợ;
– Tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.
2. Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Chủ nợ có bảo đảm một phần hay không được bảo đảm, người đại diện của người lao động hoặc đại diện công đoàn, cổ đông hoặc nhóm cổ đông của công ty cổ phần, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, chủ doanh nghiệp, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp trong một số trường hợp do pháp luật quy định có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp khi doanh nghiệp lâm vào trình trạng phá sản.
3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục phá sản:
Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đó, Toà án nhân dân cấp tỉnh xử lý các vụ việc liên quan đến các đối tượng còn lại.
Việc tiến hành thủ tục phá sản tại Toà án nhân dân cấp huyện do một Thẩm phán phụ trách, tại Toà án nhân dân cấp tỉnh do một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm có ba Thẩm phán phụ trách.
4. Thụ lý đơn và Thủ tục tòa án:
Trong thời hạn ba mươi (30) ngày sau khi thụ lý đơn, Tòa án sẽ xem xét đưa ra Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản sau khi xem xét tất cả các căn cứ chứng minh doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, căn cứ vào quy định cụ thể của Luật này, Thẩm phán quyết định áp dụng một trong hai thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc quyết định chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.
Trong thời hạn bảy (07) ngày kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ thông báo quyết định mở thủ tục phá sản đến doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp đó.
5. Tổ quản lý, thanh lý tài sản:
Tổ quản lý, thanh lý tài sản được lập để quản lý, giám sát việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước thẩm phán về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
6. Các hoạt động kinh doanh được cho phép trong quá trình phá sản:
Trong quá trình phá sản doanh nghiệp, mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được tiến hành bình thường nhưng phải chịu sự giám sát, kiểm tra của thẩm phán và tổ quản lý tài sản. Có một số hoạt động theo quy định của Luật Phá sản bị cấm và một số hoạt động khác chỉ được phép thực hiện sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán.
7. Hội nghị chủ nợ và phục hồi hoạt động kinh doanh:
Hội nghị chủ nợ được Thẩm phán triệu tập và chủ trì để thông qua các vấn đề về kiểm kê tài sản, phê duyệt phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, phương án thanh lý tài sản và các vấn đề khác liên quan.
Thẩm phán ra quyết định áp dụng phục hồi hoạt động kinh doanh khi được Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Thời hạn để doanh nghiệp thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là ba (03) năm.
Khi doanh nghiệp đã hoàn thành xong phương án phục hồi kinh doanh, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được coi không còn lâm vào tình trạng phá sản.
8. Thanh lý:
Trong những trường hợp sau, Thẩm phán ra quyết định thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản:
– Doanh nghiệp đã được áp dụng các biện pháp phục hồi kinh doanh nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu;
– Hội nghị chủ nợ không thành do chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không tham gia Hội nghị chủ nợ hoặc không có đủ số chủ nợ tham gia Hội nghị chủ nợ;
– Hội nghị chủ nợ ra nghị quyết thông qua giải pháp dự kiến phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp không xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc thực hiện không đúng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Sau khi đã thanh toán các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố, việc phân chia, thanh lý các tài sản còn lại của doanh nghiệp phá sản sẽ thực hiện theo quyết định của Thẩm phán theo thứ tự ưu tiên sau:
– Chi phí cho việc giải quyết phá sản doanh nghiệp;
– Lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội của người lao động của doanh nghiệp;
– Các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc luật định
9. Tuyên bố phá sản doanh nghiệp:
Sau khi phương án phân chia tài sản đã được thực hiện xong, Thẩm phán sẽ ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản.