Căn cứ pháp lý:
– Quyết định số 36/2006/QĐ-BCN, ngày 16/10/2006 của Bộ Công nghiệp (kèm theo Quy chế).
Trình tự thực hiện:
Bước 1: Tổ chức, công dân có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị thẩm định tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Công Thương. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, nếu hợp lệ thì giao phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.
Bước 2: Toàn bộ hồ sơ hợp lệ sẽ được chuyển về phòng Quản lý công nghiệp để thẩm định và trình Lãnh đạo Sở xem xét sau đó trình lãnh đạo UBND tỉnh ký. Kết quả sẽ được chuyển trả cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Bước 3: Trả kết quả cho tổ chức, công dân.
Các yêu cầu, điều kiện thực hiện:
– Trạm nạp, các thiết bị nạp, hệ thống ống dẫn, bồn chứa và thiết bị phụ phải tuân thủ đầy đủ các nội dung an toàn quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6153:1996, TCVN 6154:1996, TCVN 6155:1996, TCVN 6156:1996, TCVN 6304:1997, TCVN 6485:1999 và TCVN 6486:1999, trong đó phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy chế này.
– Các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động của trạm đã được kiểm định và đăng ký theo quy định tại Thông tư số 23/2003/TT-BLĐTBXH ngày 03 tháng 11 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định, hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
– Các máy, thiết bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp của trạm đã được kiểm định và đăng ký theo quy định tại Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Danh mục máy, thiết bị, hoá chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp và Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hoá chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp.
– Có đăng ký kinh doanh ngành nghề nạp LPG vào chai, đăng ký thương hiệu và nhãn hiệu theo quy định của pháp luật.
– Những người có liên quan đến việc quản lý, vận hành thiết bị trạm nạp, bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển Chai chứa LPG của trạm đã được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ và được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động và quy định tại mục 4.5 của TCVN 6485:1999.
– Được cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề, kinh doanh có điều kiện.
– Có đầy đủ quy trình nạp LPG vào chai, quy trình vận hành các máy, thiết bị trong trạm, quy trình xử lý sự cố và quy định về an toàn.
Quy trình nạp LPG vào chai phải gồm các bước chính được quy định tại mục 6 của TCVN 6485:1999.
Thành phần, số lượng bộ hồ sơ:
+ Thành phần hồ sơ:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai (theo mẫu)
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Bản vẽ mặt bằng (kích thước bản vẽ mặt bằng tối thiểu phải là khổ giấy A2) với các thông tin sau:
+ Các bồn chứa, dung tích của bồn chứa, vị trí lắp đặt;
+ Bố trí kho bãi, nhà xưởng;
+ Khoảng cách từ các bồn chứa, trạm nạp đến các đường ranh giới tài sản khác như các toà nhà, các cửa mở của toà nhà, các hầm ngầm, đường ngầm dưới đất, các lỗ thông hơi và đường dây dẫn điện ngầm dưới đất, dẫn điện trên không;
+ Bản vẽ mặt bằng phải thể hiện rõ ràng vị trí của các bồn chứa, trạm nạp hoặc các điểm phân phối khác (nếu có) trong khu vực có liên quan tới khu vực đang được trình;
+ Các làn đường của xe tải chạy;
+ Các thiết bị báo cháy và chữa cháy;
+ Hệ thống đường ống dẫn LPG;
+ Hệ thống điện;
+ Các điều khiển ngừng khẩn cấp;
+ Rào ngăn bồn chứa (nếu có).
Bản sao các giấy tờ sau:
+ Các phiếu kết quả kiểm định và các giấy chứng nhận đăng ký cho các máy, thiết bị có yếu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các máy, thiết bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp của trạm;
+ Các phiếu kết quả kiểm định các thiết bị, dụng cụ kiểm tra, đo lường trong trạm như: cân khối lượng, đo thể tích, áp kế và các thiết bị, dụng cụ khác;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy;
+ Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự;
– Quy trình nạp LPG, quy trình vận hành các máy, thiết bị, quy trình xử lý sự cố và quy định về an toàn;
– Danh sách, thông số kỹ thuật máy, thiết bị của trạm nạp;
– Danh sách, các giấy chứng nhận huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy, chữa cháy của người quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành trạm nạp LPG và các quyết định giao nhiệm vụ.
+ Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ
Cơ quan thực hiện:
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND tỉnh
– Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Sở Công thương