Tham gia bào chữa cho các bị can/ bị cáo trong các vụ án hình sự là hoạt động nghề nghiệp mang tính cơ bản và truyền thống của nghề Luật sư, thậm chí hiện nay rất nhiều người vẫn còn tư duy cho rằng Luật sư là những “thầy cãi” trong các vụ án hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự quy định để tham gia bào chữa cho bị can/ bị cáo, Luật sư phải được Cơ quan tiến hành tố tụng (đang thụ lý giải quyết vụ án đó) cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (GCNNBC). Như vậy, có thể coi GCNNBC là tấm “thẻ xanh” để Luật sư có thể thực hiện các hoạt động nghề nghiệp đảm bảo quyền hiến định (quyền được bào chữa) cho các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự.
Luật luật sư và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định về thủ tục xin cấp GCNNBC của Luật sư rất đơn giản và nhanh chóng để có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Luật sư thực hiện các hoạt động nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc làm tưởng chừng như “dễ dàng” nhất trong hoạt động tham gia bào chữa này lại đang gây ra không ít phiền hà, mệt mỏi cho các Luật sư.
Theo quy định của Luật luật sư thì hồ sơ xin cấp GCNNBC bao gồm: Đơn mời Luật sư, Thẻ Luật sư và Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề hoặc Đoàn luật sư đối với Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Nhưng không ít các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Luật sư phải cung cấp nhiều hơn những loại giấy tờ theo quy định nêu trên, ví dụ: Chứng chỉ hành nghề Luật sư; Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề; Giấy đăng ký hoạt động Luật sư cá nhân; Quyết định phân công Luật sư; có cơ quan còn yêu cầu cung cấp Hợp đồng dịch vụ pháp lý và Phiếu thu tiền dịch vụ pháp lý của khách hàng, thậm chí có nơi còn yêu cầu Đơn mời Luật sư của khách hàng phải có xác nhận chữ ký của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú….
Bộ luật tố tụng hình sự quy định thời hạn cấp GCNNBC là 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Bên cạnh những cơ quan tạo điều kiện cấp Giấy chứng nhận ngay sau khi Luật sư đến làm thủ tục thì cũng có những cơ quan, người tiến hành tố tụng với nhiều lý do khác nhau kéo dài thời hạn cấp, gây khó khăn cho Luật sư khi tham gia bào chữa.
Ngoài ra, Luật luật sư còn quy định rất rõ ràng là GCNNBC có giá trị trong các giai đoạn tố tụng. Mặc dù như thế nhưng trên thực tế hiện nay mỗi khi kết thúc một giai đoạn tố tụng, hồ sơ vụ án chuyển sang cơ quan tiến hành tố tụng khác là Luật sư lại phải làm thủ tục xin cấp GCNNBC mới. Và đã có nhiều hồ sơ vụ án hình sự khi đến giai đoạn xét xử thì có đến 03 bộ hồ sơ xin cấp GCNNBC và 03 GCNNBC do 03 cơ quan tiến hành tố tụng cấp cho cùng một Luật sư bảo vệ cho một bị cáo.
Việc tham gia của Luật sư trong các vụ án hình sự là một việc hết sức cần thiết, đảm bảo quyền được bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động nghề nghiệp này của Luật sư đang bị hạn chế rất nhiều, ngay từ việc đầu tiên, đơn giản và chưa phải sử dụng đến kiến thức, kỹ năng hành nghề là xin cấp GCNNBC. Thiết nghĩ, để Luật sư có thể phát huy hết vai trò, sứ mệnh bảo vệ công lý, dân chủ, công bằng xã hội thì những hạn chế, những bất cập nêu trên cần phải được tháo gỡ càng sớm càng tốt./.
Luật sư Hà Thị Thanh
Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên