Nhận định về sự việc và lối ứng xử này, Chuẩn Đô đốc – Thiếu tướng Lê Kế Lâm nhấn mạnh đây là hành vi đầy khiêu khích của TQ, chà đạp lên luật pháp quốc tế.
. Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, việc tàu có trang bị vũ trang TQ bắn cháy cabin tàu cá của ngư dân VN cho thấy điều gì?
+ Chuẩn Đô đốc – Thiếu tướng Lê Kế Lâm: Việc tàu TQ dùng súng bắn vào cabin tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ngày 20-3 vừa rồi là chưa từng có tiền lệ trên thế giới khi các nước đang hòa hữu với nhau. Hành động ấy có thể xem là một trường hợp sai sót của cấp dưới khi thực thi nhiệm vụ nếu không có phát ngôn của ông Hồng Lỗi cho rằng đây là hành động “cần thiết và chính đáng”. Một hành động vô nhân đạo, sai luật pháp quốc tế hoàn toàn mà ông Hồng Lỗi công nhận việc làm đó là đúng thì không thể chấp nhận được. Những lý lẽ kiểu ngụy biển đổi trắng thay đen của TQ cũng không thể chấp nhận.
Đây cũng là bước đi nhằm thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu” lấn chiếm từng bước một trên biển Đông của TQ. Từ việc họ thành lập cái gọi là “TP Tam Sa”, tuần tra biển, tổ chức luyện tập hải quân, khảo sát ngư trường trong vùng biển này để tiến tới việc chứng tỏ họ làm chủ 80% diện tích biển Đông như cái “đường lưỡi bò” họ đưa ra. Họ đang từng bước thể hiện quyền lực, sức mạnh của họ trên biển.
Tàu cá của ông Bùi Văn Phải bị tàu Trung Quốc bắn cháy nhưng may mắn bốn bình gas trên tàu không phát nổ. Ảnh: TRÍ TÍN
Hành vi vô nhân đạo
. Theo luật pháp và thông lệ quốc tế, việc một tàu có vũ trang tấn công một tàu ngư dân không trang bị vũ khí nào và cũng không có hành động khiêu khích, chống trả nào có lý lẽ gì để biện minh không?
+ Đây là hành động không thể chấp nhận; là vô nhân đạo và chà đạp lên công pháp quốc tế. Chỉ có trong chiến tranh, khi hai bên đối địch với nhau mới có hành động nổ súng, nhưng ngay cả khi ấy cũng còn nguyên tắc cấm nổ súng vào dân thường.
Một tàu cá ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa vốn là ngư trường truyền thống của bà con, đến mùa đánh bắt thì họ đi thôi, hết sức bình thường. Anh không những không được tấn công vũ trang mà trong điều kiện khó khác như gặp bão, tai nạn họ xin phép anh lưu trú và cứu giúp anh cũng phải cho vào để cứu mạng.
. Có ý kiến cho rằng việc tàu TQ nhắm bắn vào cabin tàu cá Quảng Ngãi (nơi có người lái) là một hành động cố tình truy sát dân thường chứ không phải truy đuổi. Ý kiến Thiếu tướng thế nào?
+ Tất nhiên nói cố tình là đúng thôi. Vì khi sử dụng vũ khí, bất kỳ thế nào anh cũng phải ngắm bắn, điều khiển. Anh nhắm bắn vào đâu, điều khiển vào đâu thì đạn đến đó. Anh nhắm vào cabin có người lái là hành động uy hiếp, có tính khiêu khích răn đe, thể hiện sức mạnh của anh đối với người ở thế yếu. Không thể nói do anh bắn lạc đạn này nọ được. Còn muốn truy bắt tàu, thuyền, thậm chí là cả máy bay thì có nhiều biện pháp khác. Cho nên chuyện bắn thể hiện ý đồ sâu xa hơn, nặng về sự đe dọa và muốn nhắn tín hiệu đằng sau đó nữa.
Thông điệp đằng sau vụ nổ súng
. Tín hiệu ấy là gì, thưa Thiếu tướng?
+ Nếu chỉ đơn thuần tàu TQ bắn vào tàu Quảng Ngãi, mà ông Hồng Lỗi không đứng ra bảo vệ thì dù đây việc nghiêm trọng nhưng chỉ là đơn lẻ, không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng sau khi ta lên án, gửi công hàm phản đối thì thay vì xử lý nội bộ, ông này lại đứng ra tuyên bố như vậy. Rõ ràng việc đứng ra bảo vệ việc làm sai trái này là hành động rất ngang ngược, với giọng điệu nước lớn, bá quyền muốn áp đặt quyền đối với các nước khác.Điều này cũng có thể hiểu là chính phủ TQ bật đèn xanh cho cấp dưới làm việc sai trái. Tuy nhiên, tôi rất hy vọng rằng đây là hành động sai lầm cá biệt của một con tàu, của người chỉ huy chứ không phải chủ trương của giới lãnh đạo TQ.
Người ta nói “một đốm lửa có thể đốt cháy cả cánh rừng”. Sự sai trái này của tàu TQ là hành động khiêu khích và vô trách nhiệm. Nếu không dừng lại và cứ cậy sức mạnh của một nước lớn để ức hiếp các nước yếu hơn thì sự việc sẽ diễn biến ở một chiều hướng khác. Tình hình thế giới của thế kỷ 21 khác hẳn tình hình thế kỷ 20, một nước lớn giàu đến đâu cũng không thể áp dụng một đường lối, cách thức ứng xử của mình cho một nước khác. Lịch sử đã chứng minh rất rõ một chân lý là khi toàn bộ một dân tộc đứng lên bảo vệ độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ thì không một lực lượng nào cản nổi.
Hỗ trợ mạnh cho ngư dân
. Trước những diễn biến xấu trên biển Đông như vậy, chúng ta cần có những hành động cụ thể gì?
+ Chúng ta cần phải quan sát TQ nói có đi đôi với làm không, hay nói là tuyên truyền cho một ý đồ này, còn làm là giải quyết một việc gì đó chỉ mang lại quyền lợi cho họ mà bất chấp lý lẽ. Ta phải quan sát kỹ để có những ứng xử tương thích.
Với ta, phải làm cho mọi người hiểu được chúng ta hành động, chúng ta đấu tranh là có chính nghĩa với mục đích gìn giữ hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển. Tuy vậy phải luôn cảnh giác và luôn sẵn sàng các lực lượng để đấu tranh cả về ngoại giao, kinh tế, tuyên truyền, văn hóa và biện pháp cuối cùng là vũ trang. Ta cũng cảnh giác không mắc mưu khiêu khích của họ để rơi vào bẫy họ đặt ra. Ta cần tiếp tục kiên trì đấu tranh trước TQ. Tôi tin nhân dân ta đủ sức cùng Nhà nước vượt qua những rắc rối trên biển Đông cũng như gìn giữ chủ quyền quốc gia nói chung.
Qua đây tôi đề đạt tới các cấp, bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân đủ cơ sở để bảo vệ, đấu tranh có lý có tình. Chẳng hạn như có thể trang bị máy ảnh, máy quay phim ghi lại những bằng chứng thế này để phơi bày sự thật trước quốc tế về lối ứng xử vô nhân đạo của TQ để họ thấy phải xấu hổ và không lật lọng được. Đồng thời, những lực lượng có trách nhiệm của ta trên biển (cảnh sát biển, hải quân, không quân, biên phòng) cần có biện pháp hỗ trợ để ngư dân yên tâm làm ăn và sẵn sàng bám biển giữ chủ quyền.
. Xin cảm ơn Thiếu tướng.
theo pháp luật TPHCM