Thỏa thuận trong hợp đồng lao động
Hỏi: Tôi có ký kết hợp đồng với một công ty giao nhận hàng hóa với điều khoản như sau: “Trong khoảng thời gian thực hiện hợp đồng và 24 tháng kể từ sau khi chấm dứt hợp đồng, tôi không được phép tiết lộ thông tin khách hàng hay bí mật kinh doanh của công ty cho một tổ chức khác và không được phép tham gia một tổ chức có hoạt động kinh doanh tương tự”. Vậy điều khoản này có hợp lý không? Tôi làm được nửa tháng nhưng cảm thấy không phù hợp với công ty nên xin nghỉ và được phê duyệt. Nếu tôi muốn làm dịch vụ kinh doanh tương tự có được hay không?
Trả lời có tính chất tham khảo
“Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động” (Điều 15 Bộ luật Lao động 2012). Như vậy, các điều khoản trong hợp đồng lao động được xây dựng dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Liên quan đến điều khoản bạn đề cập ở trên thì khoản 2 Điều 23 Bộ luật Lao động 2012 có quy định: “2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm”. Do đó, điều khoản thỏa thuận bạn không được tiết lộ bí mật kinh doanh như bạn đã nêu trên là phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều khoản liên quan đến việc sau 24 tháng kể từ sau khi chấm dứt hợp đồng, bạn không được phép tham gia một tổ chức có hoạt động kinh doanh tương tự là không hợp lý. Bởi lẽ, hợp đồng lao động điều chỉnh các vấn đề trong quan hệ lao động. Khi hợp đồng lao động chấm dứt hiệu lực thì không còn giá trị thực hiện giữa các bên, đồng thời không còn quan hệ lao động giữa bạn và người sử dụng lao động. Vì thế, trong hợp đồng lao động không thể có điều khoản điều chính mối quan hệ không phải quan hệ lao động được.
Bạn đã làm tại Công ty được nửa tháng nhưng sau đó do không phù hợp nên bạn đã xin nghỉ và được phê duyệt. Như vậy là cả bạn và người sử dụng lao động đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động thỏa mãn quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2012. Như đã phân tích ở trên, khi hợp đồng lao động không còn hiệu lực thì quan hệ lao động giữa bạn và người sử dụng lao đồng cũng chấm dứt. Do đó, bạn hoàn toàn có thể làm việc tại một doanh nghiệp khác theo ý muốn của bạn.
Cơ sở pháp lý