Cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam là tên gọi chung của các tổ chức, cơ sở giáo dục (như văn phòng đại diện, trường học quốc tế, trường đại học, trường văn hóa nghệ thuật) được Nhà nước Việt Nam cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài (gọi chung là Bên nước ngoài) thành lập hoặc tham gia thành lập và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam
Người nước ngoài muốn thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt nam có thể lựa chọn hai hình thức đầu tư:
1. Đầu tư theo Luật Đầu tư, theo đó, họ có thể mở thành trường đào tạo thuộc công ty liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài về đào tạo. Ngoài ra, có thể mở theo hình thức hợp đồng hợp tác với các cơ sở đào tạo ở trong nước mà không cần thành lập công ty mới.
2. Người nước ngoài có thể thành lập cơ sở giáo dục đào tạo phi lợi nhuận theo Nghị định 18/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001. Cơ sở có thể được lập theo hình thức văn phòng đại diện, cơ sở liên kết hoặc cơ sở hoạt động độc lập. Theo hình thức này, Bộ Giáo dục đào tạo sẽ cấp phép hoạt động và quản lý.
I- Cơ sở pháp lý
1. Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005.
2. Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005
3. Nghị định số 75/2006/NĐ-CP của chính phủ ngày 02 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục
4. Nghị định số 165/2004/NĐ-CPngày 16 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật giáo dục về quản lý hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục
5. Nghị định của chính phủ số 18/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 quy định về lập và hoạt động của các cơ sở văn hóa, giáo dục nước ngoài tại việt nam
6. Nghị định số 06/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06 tháng 3 năm 2000 về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học
7. Thông tư số 14/2005/TTLT-BGDĐT&BKHĐT ngày 14 tháng 4 năm 2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 06/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ
8. Thông tư số 15/2003/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Nghị định số 18/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ quy định về lập và hoạt động của các cơ sở văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
II- Quy trình
Điều kiện đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định như sau:
1- Điều kiện chung (Theo cam kết tại Biểu cam kết cụ thể của WTO)
Kể từ ngày gia nhập WTO, đối với dịch vụ giáo dục bậc cao, giáo dục cho người lớn, các dịch vụ giáo dục khác ngoại trừ dịch vụ giáo dục phổ thông cơ sở (chưa cam kết) các nhà đầu tư được phép thành lập liên doanh, cho phép phía nước ngoài sở hữu đa số vốn trong doanh nghiệp liên doanh.
Kể từ ngày 1/1/2009 sẽ cho phép thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài. Chương trình đào tạo phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam phê chuẩn.
Giáo viên nước ngoài làm việc tại các cơ sở đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài phải có kinh nghiệm tối thiểu 5 năm kinh nghiệm giảng dạy và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam công nhận về chuyên môn.
Theo nội dung cam kết, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ giáo dục trong các lĩnh vực sau:
– Kỹ thuật;
– Khoa học tự nhiên và công nghệ
– Quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh
– Kinh tế học
– Kế toán
– Luật quốc tế
– Đào tạo ngôn ngữ
Với tuyệt đại đa số các ngành khoa học xã hội, Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài.
2. Thủ tục
Bước 1: Làm thủ tục cấp giấy phép đầu tư. Vì đây là lĩnh vực đầu tư có điều kiện nên phải qua thẩm định, ngoài hồ sơ cần thiết theo Luật đầu tư, phải kèm theo
– Bản mẫu chứng chỉ, văn bằng sẽ được sử dụng để cấp cho người học.
– Danh mục thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập.
– Chương trình, giáo trình, tài liệu giáo khoa sẽ được sử dụng.
– Danh sách cán bộ, giáo viên, giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng (nếu có).
– Hợp đồng thuê nhà, giấy xác nhận sẽ cấp đất (hoặc cho thuê đất) của cấp có thẩm quyền của Việt Nam.
– Sơ đồ quy hoạch mặt bằng của cơ sở
Bước 2: Trong vòng 9 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư, nhà đầu tư phải tiến hành thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định:
– Các cơ sở giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục đào tạo ngắn hạn tiến hành thủ tục đăng ký hoạt động tại Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương nơi cơ sở đặt trụ sở.
– Các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học tiến hành thủ tục đăng ký hoạt động tại Bộ Giáo dục và Đào tạo
Hồ sơ kèm theo giấy đăng ký hoạt động
a) Danh sách Hội đồng quản trị, giám đốc (hiệu trưởng), trưởng các phòng, ban và kế toán trưởng. ( Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải có giấy phép lao động )
b) Danh sách cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng), trình độ chuyên môn của giáo viên, giảng viên.
c) Cấp học, bậc học, trình độ sẽ đào tạo.
d) Ngành đào tạo.
e) Quy mô (học sinh, sinh viên, học viên).
g) Đối tượng tuyển sinh.
h) Quy chế và thời gian tuyển sinh.
i) Các quy định về học phí và các loại phí liên quan.
k) Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.
l) Báo cáo tình hình cơ sở vật chất hiện có
m) Đăng ký chương trình giảng dạy của cơ sở với cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về giáo dục và đào tạo, cụ thể: Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là cơ sở giáo dục phổ thông, đào tạo trình độ trung học chuyên nghiệp, đào tạo ngắn hạn đăng ký chương trình giảng dạy tại Sở Giáo dục và Đào tạo nơi cơ sở đặt trụ sở hoạt động.
Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học đăng ký chương trình đào tạo tại Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Bước 3: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký hoạt động hợp lệ của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về giáo dục và đào tạo sẽ phải tiến hành kiểm tra, lập biên bản thẩm định theo mẫu và trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi có biên bản thẩm định phải có văn bản xác nhận đủ hoặc chưa đủ điều kiện hoạt động đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
– Khi đã có văn bản xác nhận đủ điều kiện hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phép tiến hành hoạt động theo kế hoạch.
– Sau 20 ngày làm việc kể từ khi có biên bản thẩm định nếu cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo không có văn bản xác nhận điều kiện hoạt động theo quy định thì cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đương nhiên được tiến hành hoạt động theo kế hoạch.
Trong trường hợp kiểm tra phát hiện thấy cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chưa đủ điều kiện để hoạt động, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo phải thể hiện rõ các phần còn thiếu cần bổ sung vào biên bản thẩm định và yêu cầu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài bổ sung các điều kiện cần thiết trong thời gian cụ thể. Sau 15 ngày làm việc kể từ khi cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoàn tất việc bổ sung theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo và có báo cáo bằng văn bản, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo phải tổ chức thẩm định lại.