I . CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc Hội;
- Luật Thương mại số 10/2005/L-CTN ngày 27/6/2005 của Quốc Hội;
II. VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TƯ VẤN
Thông tin khách hàng cung cấp:
“Tôi mới được vào làm kế toán một Viện nghiên cứu cơ bản (thuộc loại khoản 3, điều 4, Nghị định 115/2005/NĐ-CP) thay thế phụ trách kế toán cũ đã chuyển đi nơi khác.
Trong năm 2015, đơn vị tôi ký 1 hợp đồng dịch vụ nghiên cứu khoa học với bên A cũng là 1 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh. Hợp đồng này được giải ngân từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh của bên A năm 2015. Đơn vị tôi đã thanh lý hợp đồng, mua hóa đơn tại Cục Thuế để xuất trả cho bên A và nhận được 80% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, khi số kinh phí này được chuyển về tài khoản tiền gửi của Viện tại Kho bạc Nhà nước, tôi không giải ngân được do một số cán bộ trong đơn vị phát hiện hợp đồng dịch vụ nghiên cứu khoa học trên có nhiều sai sót. Tôi muốn làm thủ tục trả lại kinh phí này và hủy việc giao dịch nói trên với bên A. Kho bạc Nhà nước hướng dẫn đơn vị tôi chỉ cần làm công văn chuyển trả lại cho bên A (tài khoản tiền gửi) với nội dung tiền về chậm, khó khăn trong giải ngân. Tuy nhiên, theo kiến thức tôi tìm hiểu, việc trả lại này phải nộp trả ngân sách nhà nước chứ không trả cho bên A vì đơn vị tôi đã xuất hóa đơn, đã thanh lý hợp đồng và bên A cũng đã thực chi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Tôi xin hỏi Kho bạc Nhà nước hướng dẫn như vậy có đúng không và tôi có phải nộp trả kinh phí này vào ngân sách nhà nước hay không?
Tôi xin chân thành cảm ơn”
Do thông tin Quý khách hàng cung cấp là chưa rõ ràng, cho nên chúng tôi không đủ cơ sở tư vấn toàn diện và đầy đủ. Dựa vào thông tin khách hàng cung cấp chúng tôi tư vấn sơ bộ như sau:
Tại Điều 121 và Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định như sau:
“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”
“ Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”
Trước hết, Hợp đồng là một hình thức giao dịch dân sự, đó là sự thỏa thuận của các bên trong việc thực hiện hoặc không thực hiện một điều gì đó nhằm mục đích mang lại lợi ích cho các bên trong hợp đồng. Tuy pháp luật tôn trọng sự tự do thỏa thuận ý chí của các bên nhưng để Hợp đồng có hiệu lực pháp lý (được nhà nước thừa nhận) thì hợp đồng không được trái với những điều mà luật quy định bắt buộc các bên phải tôn trọng và làm theo.
Cụ thể:
Tại điều Điều 122 quy định về Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
- b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
- c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
- Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện quy định tại điều này thì vô hiệu.
Trong trường hợp của Khách hàng, vì đây là loại hợp đồng dịch vụ do các bên tự do ý chí thỏa thuận cho nên nó được pháp luật công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Nếu khách hàng muốn trả kinh phí và hủy giao dịch với bên A thì phải chứng minh được rằng Hợp đồng này bị vô hiệu. Thẩm quyền tuyên bố Hợp đồng vô hiệu thuộc về tòa án.
Hợp đồng có thể vô hiệu trong các trường hợp như:
– Hợp đồng vô hiệu do giả tạo
– Hợp đồng vô hiệu do có nội dung, mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật
– Hợp đồng vô hiệu có nội dung, mục đích trái với đạo đức xã hội
– Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn
– Hợp đồng vô hiệu do người giao kết không có năng lực hành vi (chưa đủ 18 tuổi, mất năng lực hành vi dân sự do bị bệnh) và không có năng lực pháp luật theo quy định (không có thẩm quyền ký hợp đồng)
– Hợp đồng vô hiệu do bị đe dọa
– Hợp đồng vô hiệu do vi phạm về mặt hình thức (Trong trường hợp này tòa án sẽ cho hai bên một khoảng thời gian để các bên thực hiện đúng quy định về mặt hình thức nếu hết thời hạn không thực hiện thì bị vô hiệu)
Theo quy định của Điều 137 Bộ luật dân sự 2005 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2.Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”