Không ít người có thắc mắc hoặc nhầm lẫn về các quy định liên quan đến quyền thừa kế nhà, đất có yếu tố nước ngoài. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc này thông qua ví dụ cụ thể về việc Việt Kiều có được hưởng thừa kế nhà, đất tại Việt Nam hay không.
Trước khi mất, người bố để lại di chúc cho 2 con trai là anh Trung và anh Long một mảnh đất. Trong đó, người con cả là anh Trung đang sinh sống ở Việt Nam còn anh Long lại định cư ở nước ngoài. Vậy trong trường hợp này, anh Long có được nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam theo di chúc của bố hay không?
Theo Điểm đ Khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013, cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Ngược lại, nếu không thuộc đối tượng được quy định thì chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai 2013 quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam
2. Có nhà, đất hợp pháp thông qua các hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu anh Long đáp ứng được những điều kiện theo quy định nêu trên thì sẽ được hưởng quyền thừa kế mảnh đất ở Việt Nam theo di chúc của người bố.
Linh Phương (TH)