Khách hàng hỏi luật sư tư vấn: Trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp của chúng tôi chưa đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của công ty. Chúng tôi sẽ gặp bất lợi gì khi doanh nghiệp khác sử dụng trùng nhãn hiệu? (Một DN ở quận Bình Tân, TP.HCM)
Ban tư vấn luật sở hữu trí tuệ – Công ty luật Việt Phú trả lời:
Về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, luật sư trả lời như sau:
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm thì việc bảo hộ quyền SHTT đối với hàng hóa là việc làm rất quan trọng và là vấn đề hàng đầu đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt nhất, từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam về SHTT thì việc đăng ký bảo hộ đối với tên thương hiệu, nhãn hiệu không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, việc đăng ký tên thương hiệu, nhãn hiệu lại là một vấn đề rất quan trọng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang bỏ tiền vào kinh doanh và phát triển thương hiệu mà không đăng ký tên thương hiệu, nhãn hiệu để được pháp luật bảo hộ. Từ đó, doanh nghiệp dễ gặp nhiều bất lợi, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Phải thay đổi lại tên công ty
Theo quy định tại điều 19 Nghị định 78/2015 về đăng ký doanh nghiệp, có quy định về vấn đề xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để doanh nghiệp có thể sử dụng để chống lại hành vi vi phạm nhãn hiệu. Như vậy, trong trường hợp nhãn hiệu của công ty bạn không được đăng ký, nếu có tranh chấp xảy ra thì doanh nghiệp của bạn hoàn toàn gặp bất lợi, thậm chí phải đổi tên công ty nếu không muốn bị kiện về hành vi xâm phạm nhãn hiệu, thương hiệu.
Thứ hai: Bị đối thủ cạnh tranh đăng ký trước
Nếu doanh nghiệp không để ý đăng ký nhãn hiệu khi thành lập công ty, thì rất có thể một doanh nghiệp khác đã đăng ký trước, nên gây bất lợi cho chính công ty mình, dẫn đến việc phải đổi tên công ty, thay đổi tên nhãn hiệu công ty. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều công ty mới được thành lập cùng kinh doanh trên một mặt hàng hay một lĩnh vực, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các thương hiệu ngày càng nhiều, kéo theo đó thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng tăng lên rất nhanh. Nếu như công ty của bạn không sớm thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì rất có thể gặp phải trường hợp bị công ty đối thủ đã tranh thủ đăng ký trước nhằm mục đích bôi xấu hình ảnh công ty của bạn, hay đăng ký trước nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ ba: Không quảng bá truyền thông được
Hiện nay, đối với những đơn vị truyền thông quảng cáo chuyên nghiệp đã yêu cầu khách hàng có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu để không xâm phạm quyền nhãn hiệu của doanh nghiệp khác khi quảng cáo. Như vậy, nếu doanh nghiệp của bạn không đăng ký nhãn hiệu, điều đó cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của bạn đã phần nào hạn chế sự ảnh hưởng tới khách hàng qua các kênh phương tiện truyền thông.
Thứ tư: Bị kiện vì xâm phạm nhãn hiệu đã có
Như đề cập ở các nội dung nêu trên, doanh nghiệp kinh doanh nhưng không tiến hành đăng ký nhãn hiệu và sử dụng nhãn hiệu đã được một doanh nghiệp khác đã đăng ký sử dụng trước. Vậy có thể doanh nghiệp đang xâm phạm nhãn hiệu của doanh nghiệp khác và doanh nghiệp có thể bị kiện vì xâm phạm nhãn hiệu. Pháp luật chỉ bảo hộ đối với những nhãn hiệu đã được đăng ký, nếu có tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp của bạn sẽ đối diện với nguy cơ “mất trắng” nhãn hiệu đã dày công xây dựng nghiệp nên.
Trên đây chỉ là một số ít trong những bất lợi mà doanh nghiệp có khả năng phải đối mặt nếu không tiến hành đăng ký thương hiệu kịp thời.
Vì vậy, để ngăn chặn các hành vi làm nhái, vi phạm SHTT từ các đối thủ cạnh tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, giúp bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp, tăng vị thế cạnh tranh, thì các doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý hơn nhiều trong việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sáng chế, bằng SHTT… và thực hiện thủ tục đăng ký SHTT tại Cục SHTT để được bảo hộ về SHTT.
Điều luật tham khảo:
Điều 19 Nghị định 78/2015 về đăng ký doanh nghiệp
Điều 19. Xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
1. Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
2. Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.
3. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh các tài liệu cần thiết theo quy định tại Khoản 4 Điều này.
4. Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp xâm phạm đổi tên doanh nghiệp khi nhận được thông báo của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp về việc quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm. Kèm theo thông báo của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phải có:
a) Bản sao hợp lệ văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
b) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp.
5. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 4 Điều này, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không thay đổi tên theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
6. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết Điều này.