“Điều 32. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.
Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; gửi văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức khiếu nại và có biện pháp khắc phục.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ luật này quy định.
Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác.”
Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 32 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (viết tắt BL TTHS) và được xây dựng riêng Chương XXXIII, từ Điều 469 đến Điều 483, trong Phần thứ bảy – thủ tục đặc biệt – để quy định các vấn đề liên quan đến các quyền này. Trong đó, Điều 469 BL TTHS quy định về người có quyền khiếu nại như sau:
“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này”.
Tại Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC ngày 05/01/2018 (Mục II.2) và Thông báo rút kinh nghiệm số 877/VKSTC-V12 ngày 08/3/2018 của Vụ 12 – Viện KSND tối cao đã nêu rõ: “… Thực hiện khoản 2 Điều 469, khiếu nại cáo trạng, quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì không áp dụng quy định về giải quyết khiếu nại theo Chương XXXIII mà xử lý, giải quyết theo quy định tại các Chương tương ứng. Vì vậy, khi nhận được khiếu nại đối với các quyết định này, Đơn vị 12 chuyển đến đơn vị nghiệp vụ của cấp mình hoặc Viện kiểm sát đã ban hành quyết định đó để xem xét theo hồ sơ vụ án và ban hành công văn trả lời trong trường hợp cần thiết”.
Với cấu trúc câu và cách liệt kê cụ thể các loại việc tại khoản 2 Điều 469 BL TTHS thì không có điều luật nào của các Chương tương ứng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố và vô hình chung đã làm mất đi quyền khiếu nại cùa các chủ thể trong tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, nếu điều luật thay dấu phẩy (,) bằng dấu chấm phẩy (;) trong cấu trúc câu tại khoản 2: “Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án; cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; quyết định của…” thì sẽ được hiểu chỉ có cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn chứ không phải cáo trạng được ban hành theo thủ tục chung. Điều nay cũng phù hợp với quy định tại các chương tương ứng của BL TTHS, cụ thể: Chương XXI quy định về Xét xử sơ thẩm; Chương XXII về Xét xử phúc thẩm; Chương XXIV về Một số thủ tục thi hành án tử hình, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích; Chương XXV về Thủ tục giám đốc thẩm; Chương XXVI về Thủ tục tái thẩm và Chương XXXI về Thủ tục rút gọn. Như vậy, quy định về việc giải quyết khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố (nếu có) thì chỉ có thể nằm trong Chương XXXI – về Thủ tục rút gọn nhưng hiện nay không có điều luật nào quy định về vấn đề này. Ngoài ra, Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi thỏa mãn các điều kiện cụ thể quy định tại Điều 456 BL TTHS, với thời hạn giải quyết vụ án rất ngắn: 20 ngày trong giai đoạn điều tra, 05 ngày trong giai đoạn truy tố và 17 ngày trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, đồng thời, nó có thể bị hủy bỏ ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng để giải quyết vụ án theo thủ tục chung, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 458 BL TTHS. Mặt khác, Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng đặc biệt nên không thể điều chỉnh việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu nại cáo trạng được ban hành theo thủ tục chung.
Trên đây là một số ý kiến của cá nhân về quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến vấn đề giải quyết khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố để cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quy định tại khoản 2 Điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và bổ sung những quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố nhằm đảm bảo nguyên tắc cơ bản, nhất quán về quyền khiếu nại cùa các chủ thể trong tố tụng hình sự.