Tôi có thực hiện 1 hợp đồng đặt cọc 1 số tiền (HĐ ký trực tiếp giữa 2 người, không có công chứng, không có người làm chứng). Trong đó thỏa thuận trong 1 tháng bên mua sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại, bên bán sẽ làm thủ tục để bán mảnh đất.
Tuy nhiên đến thời hạn 1 tháng thì người bán không đưa ra được sổ đỏ (họ nói đang đi làm lại). Vì vậy việc mua bán không thực hiện được, và tôi cũng phải trả lại quá nửa số tiền chuẩn bị để mua nhà (tôi phải đi vay mượn rất nhiều để mua nhà, và hứa với người cho vay sau khi có hợp đồng công chứng sẽ đặt cọc ngân hàng, vay tiền để trả).
Đến gần 2 tháng sau ngày ký HĐ đặt cọc thì người bán mới đưa sổ đỏ ra, lúc đó thì tôi không còn khả năng thực hiện việc thanh toán nữa (do những khoản tiền vay đã trả lại hết, và những người đó không muốn cho vay nữa).
Khi tôi đòi lại số tiền đặt cọc thì người bán không trả. Vậy tôi có thể khởi kiện ra tòa để đòi lại số tiền đó không? và thủ tục cần thực hiện sẽ như thế nào?
Với thông tin bạn cung cấp Luật sư tư vấn cho bạn như sau:
Về nguyên tắc và theo thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng đặt cọc có thể khẳng định bên chuyển nhượng – bên bán đã vi phạm nội dung Hợp đồng đặt cọc về thời hạn dẫn tới việc bạn không thể tiếp tục thực hiện được giao dịch này.
Trường hợp bạn không thể tiếp tục thực hiện được giao dịch đó nữa bạn có quyền lấy lại số tiền đã đặt cọc, bên chuyển nhượng sẽ phải trả lại bạn số tiền đã đặt cọc thậm chí còn phải chịu phạt nếu trong Hợp đồng đặt cọc có điều khoản phạt vi phạm.
Để giải quyết vấn đề này nếu hai bên không tự thương lượng giải quyết thì có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng vụ án dân sự.
Tham khảo:
– Hợp đồng đặt cọc thì không cần làm chứng đã đương nhiên có hiệu lực;
– Bạn hoàn toàn có thể lấy lại tiền cọc vì bên bán đã vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng đặt cọc;
– Ngoài ra bạn có thể phạt một khoản tiền vì bên bán không thực hiện đúng nội dung hợp đồng đặt cọc nếu trong thỏa thuận đặt cọc có nêu việc phạt cọc;
– Việc của bạn hoàn toàn có căn cứ để khởi kiện tại Tòa có thẩm quyền.
Thủ tục | Thủ tục khởi kiện vụ án Dân sự |
---|---|
Lĩnh vực | Khởi kiện |
Đối tượng thực hiện | – Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. – Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. |
Cơ quan thực hiện | Tòa án các cấp |
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính | |
Lệ phí | Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự không có giá ngạch là 200.000 đồng |
Yêu cầu, điều kiện thực hiện | |
Cơ sở pháp lý | Luật 91/2015/QH13 |
Thời hạn giải quyết | – Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì được gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử thêm 2 tháng. – Thời hạn mở phiên tòa là 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng. |
THỦ TỤC KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ
I. NHỮNG TRANH CHẤP DÂN SỰ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN (Điều 25 Bộ Luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011)
1. Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
3. Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp các bên đều có mục đích lợi nhuận.
5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.
6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
7. Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
8. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
9. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
10. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
11. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
12. Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định.
II. QUYỀN, PHẠM VI KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ
1. Người khởi kiện phải có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự:
– Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
– Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.
– Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
– Đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
– Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Toà án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
– Đương sự là cơ quan, tổ chức do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng.
2. Quyền khởi kiện vụ án dân sự
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
3. Phạm vi khởi kiện
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể khởi kiện một hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
– Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền do Bộ luật này quy định có thể khởi kiện đối với một hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
III. THỜI HIỆU KHỞI KIỆN (Điều 159 Bộ Luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011)
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:
+ Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;
+ Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là 02 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
2. Một số thời hiệu khởi kiện cụ thể:
– Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự: 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (Điều 427 BLDS);
– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại: 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (Điều 607 BLDS);
– Thời hiệu khởi kiện về thừa kế (Điều 645 BLDS):
+ Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế;
+ Thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế;
IV. HỒ SƠ KHỞI KIỆN
Hồ sơ khởi kiện tại Tòa án bao gồm:
– Đơn khởi kiện (theo mẫu);
– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (ví dụ: hồ sơ nhà đất, hợp đồng vay nợ, giấy vay nợ, di chúc…);
– Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng), nếu người khởi kiện là cá nhân;
– Hồ sơ pháp lý khác của người khởi kiện, đương sự khác như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp, điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp (bản sao có chứng thực), nếu là pháp nhân;
– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao);
* Lưu ý: Các tài liệu nêu trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt nam theo quy định trước khi nộp và nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu.
V. TÒA ÁN NƠI NỘP ĐƠN KHỞI KIỆN
1. Thẩm quyền Tòa án theo cấp:
– Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp nêu tại Điều 25 BLTTDS, trừ trường hợp những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài.
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp dân sự nêu tại Điều 25 BLTTDS mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài.
Hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện mà Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.
2. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
– Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức;
– Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp dân sự;
– Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.
3. Thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn:
Nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp về dân sự trong các trường hợp sau đây:
– Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
– Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
– Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
– Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
– Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
– Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
– Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
* Chú ý: Điều 32a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (năm 2011) còn quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức như sau:
“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.
*2. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 Điều này, thì quyết định cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính”.
VI. ÁN PHÍ
1. Các loại án phí trong vụ án dân sự bao gồm:
a) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch;
b) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch;
c) Án phí dân sự phúc thẩm.
Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm
– Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án về tranh chấp dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
– Trường hợp vụ án có nhiều nguyên đơn mà mỗi nguyên đơn có yêu cầu độc lập thì mỗi nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người; nếu các nguyên đơn cùng chung một yêu cầu thì các nguyên đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
– Trường hợp vụ án có nhiều bị đơn mà mỗi bị đơn có yêu cầu phản tố độc lập thì mỗi bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người; nếu các bị đơn cùng chung một yêu cầu phản tố thì các bị đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
– Người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án dân sự không có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng mức án phí dân sự sơ thẩm; trong vụ án dân sự có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết.
3. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm
Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
4. Các trường hợp được miễn, giảm nộp tiền tạm ứng án phí, án phí sơ thẩm:
– Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí dân sự;
– Những trường hợp sau đây được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí:
+ Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ;
+ Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
– Trường hợp miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Toà án:
+ Người có khó khăn về kinh tế được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận, thì được Toà án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí, tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án.
– Mức tiền được miễn không được vượt quá 50% mức tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án mà người đó phải nộp.
5. Mức án phí dân sự sơ thẩm
a. Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự không có giá ngạch là 200.000 đồng
b. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch:
Giá trị tài sản có tranh chấp | Mức án phí |
a) Từ 4.000.000 đồng trở xuống | 200.000 đồng |
b) Từ trên 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
d) Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng |
đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng |
e) Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng. |
VII. THỜI HẠN GIẢI QUYẾT
– Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì được gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử thêm 2 tháng.
– Thời hạn mở phiên tòa là 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng.