Các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại bao gồm 12 tội phạm cụ thể, được quy định tại các điều từ 188 đến 199 BLHS. Trong đó, có 6 tội phạm quy định “đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án…” là một trong những dấu hiệu định tội. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp thì còn nhiều bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Quy định của pháp luật
Tại Điều 188 BLHS quy định: người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này thì bị coi là phạm Tội buôn lậu. Tại điểm a khoản 1 Điều này quy định “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Với quy định này, thì có thể được hiểu:
Thứ nhất, người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi sau đây, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính thì bị coi là phạm tội buôn lậu: Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Sản xuất, buôn bán hàng cấm; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Đầu cơ; Trốn thuế.
Thứ hai, người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội phạm sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị coi là phạm tội buôn lậu: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Tội đầu cơ; Tội trốn thuế.
Vướng mắc, bất cập
– Về kỹ thuật lập pháp thì với quy định “đã bị kết án về một trong các tội này…” sẽ gây ra cách hiểu khác. Bởi lẽ, tại điểm a khoản 1 Điều 188 BLHS mới chỉ nêu rõ là đã bị xử phạt hành chính về “hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này” mà không nêu “đã bị kết án về tội phạm này hoặc một trong các tội quy định tại một trong các tội quy định tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này”. Cho nên, không hiểu “tội này” trong cụm từ “đã bị kết án về một trong các tội này…” tại điểm a khoản 1 Điều 188 BLHS là những tội phạm nào.
Cũng về kỹ thuật lập pháp, thì điều luật chỉ quy định “đã bị kết án về tội…, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Vậy trường hợp “đã bị xử phạt hành chính… mà còn vi phạm”có đòi hỏi dấu hiệu “chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính” hay không?!
– Kỹ thuật lập pháp nêu trên cũng được lập lại ở điểm a khoản 1 Điều 189, điểm s khoản 1 Điều 190, điểm e khoản 1 Điều 191, điểm a khoản 1 Điều 192, điểm a khoản 1 Điều 195 BLHS. Hệ quả của việc quy định như trên là tạo nên sự không rõ ràng về ngôn ngữ pháp lý và không bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật do đó tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau.
Kiến nghị, đề xuất
Để khắc phục những bất cập nêu trên, chúng tôi đề nghị tách các tình tiết định tội ở các Điều luật này thành hai điểm: Điểm thứ nhất, quy định tính tiết “đã bị xử phạt hành chính…, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính … mà còn vi phạm”; Điểm thứ hai, quy định tình tiết “đã bị kết án về tội…, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Cụ thể:
– Tách tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 188 BLHS thành hai điểm như sau:
“a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều luật này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
a1) Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
– Tách tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 189 BLHS thành hai điểm như sau:
“a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều luật này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
a1) Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
– Tách tình tiết quy định tại điểm s khoản 1 Điều 190 BLHS thành hai điểm như sau:
“s) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều luật này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
s1) Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
– Tách tình tiết quy định tại điểm e khoản 1 Điều 191 BLHS thành hai điểm như sau:
“e) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều luật này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
e1) Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
– Tách tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLHS thành hai điểm như sau:
“a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều luật này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại điều 188, 189, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
– Tách tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 195 BLHS thành hai điểm như sau:
“a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều luật này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Việc tách các điểm khoản của các điều luật nêu trên không những khắc phục được bất cập về ngôn ngữ pháp lý mà còn bảo đảm sự đồng bộ về kỹ thuật lập pháp với các điều luật khác có các tình tiết tương ứng là các tình tiết định tội (như điểm a, b khoản 1 Điều 172, 173 và 174… BLHS).