I. Tóm tắt nội dung vụ án.
Công ty liên doanh Lever Việt Nam – 223 Đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân – Hà Nội có công văn gửi Phòng cảnh sát kinh tế công an thành phố Hà Nội, đề nghị xử lý hành vi buôn bán, tiêu thụ sản phẩm dầu gội đầu nhãn hiệu Clear giả mác của Công ty gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích, uy tín của Công ty cũng như lợi ích người tiêu dùng. Trên cơ sở điều tra, ngày 16/08/X, Phòng Cảnh sát kinh tế công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh khám xét phương tiện vận tải theo đúng thủ tục hành chính quy định. Kết quả khám xét như sau :
– Khám xét xe ô tô biển kiểm soát 29K-1676 chủ xe là anh Nguyễn Hưng Chinh trú tại tập thể Đại học Ngoại thương – Đống Đa – Hà Nội. Thu giữ 10 thùng dầu gội đầu loại gói nhỏ nhãn hiệu Clear 7ml, trên bao bì ghi sản xuất tại Lever – Haso Việt Nam ” 233 đường Nguyễn Trãi – Hà Nội. Và 10 thùng nhãn Sunsilk, trên bao bì ghi sản xuất tại “ Lever – viso 672 -673 cư xá Kiến Thiết – Quận 9 – Thành phố Hồ Chí Minh“. Xe đang vận chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội.
– Khám xét xe ô tô biển kiểm soát 29 K – 1206 chủ xe là Cao Thị Sơn trú tại 17 – phố Phạm Hồng Thái – Ba Đình – Hà Nội, thu giữ 42 thùng dầu gội đầu nhãn hiệu Clear, trên bao bì ghi, sản xuất tại Lever- Haso Việt Nam” 233 Nguyễn Trãi – Hà Nội. Theo lời khai của chị Sơn thì 38 thùng hàng của bà Vũ Thị Minh trú tại 58 phố Muối, thị xã Lạng Sơn, còn 4 thùng của bà Vũ Thị Hoà trú tại xóm Bến Bấc phường Tam Thanh, thị xã Lạng Sơn đem về Hà Nội tiêu thụ. Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với anh Lê Đức Hải – tại số 2 – tổ 8 – Phúc Tân – Hoàn Kiếm – Hà Nội thu giữ thêm 18 thùng dầu gội các loại mác : Clear, Pantine, Head &Shoulder, Rejoice, ghi trên bao bì bằng tiếng Anh và tiếng nước ngoài khác là sản phẩm của công ty Procter&Gamble. Trong lúc khám xét lực lượng công an đã phát hiện anh Ngô Tạo Lợi cháu ruột Lê Đức Hải đang tẩu tán 21 thùng dầu gội các loại từ nhà anh Hải mang đi cất giấu. Kết quả giám định tại công văn số 11364/PC21 ngày 22/08/X của Cơ quan giám định hình sự – Công an Hà Nội cho thấy số hàng thu giữ đều là dầu gội đầu giả.
Quá trình điều tra, Vũ Thị Minh khai đã nhiều lần buôn bán dầu gội đầu loại gói nhỏ, mua của nhiều người tại Lạng Sơn gồm chị Đặng Hoàng Anh, Vũ Thị Dung, Mã Thị Nhị đưa về Hà Nội tiêu thụ qua một số mối trong đó có Lê Đức Hải. Trị giá số dầu gội tính theo giá hàng thật là 164 832 000 đ. Tiền lãi thu được 6 940 000 đ, gia đình Minh đã nộp cho cơ quan điều tra. Và Minh cho biết nhiều lần do cơ quan quản lý thị trường tổ chức phát mại loại hàng này nên đã mua để bán kiếm lời, chứ không hề được thông báo là hàng giả.
Lê Đức Hải cũng buôn từ tháng 4/X, mua của chị Minh và bà Vũ Thị Dung. Theo lời khai của Hải thì do kém hiểu biết không biết tường tận nguồn gốc công ty sản xuất nên thấy lãi là buôn bán. Trị giá số dầu gội tính theo hàng thật là 345 936 000 đ . Tiền lãi thu được từ nguồn hàng bất chính là 2 115 000 đ đã được gia đình Hải nộp cho cơ quan điều tra.
Viện kiểm sát truy tố về hành vi phạm tội của Lê Đức Hải và Vũ Thị Minh tội “Buôn bán hàng giả” theo Điểm c khoản 2 điều 156 BLHS .
- II. Kế hoạch xét hỏi.
1. Hỏi bị cáo Lê Đức Hải.
Mục đích:
+ Để làm rõ thời gian bắt đầu buôn bán, cũng như nhận thức của anh Hải về nguồn gốc sản xuất của dầu gội mà anh buôn bán là như thế nào .
+ Để làm rõ mối quan hệ làm ăn, cũng như để đánh giá quy mô kinh doanh, lợi nhuận mà anh Hải thu được từ việc kinh doanh bất hợp pháp
v Anh bắt đầu buôn bán dầu gội đầu này từ khi nào?
v Anh mua dầu gội của ai? ở đâu? Khi mua anh có biết được xuất xứ của chúng không?
v Anh có biết đây là hàng giả không? Khi mua anh có kiểm tra nhãn mác, chữ viết trên bao bì không? nhà anh có dùng loại dầu này không?
v Anh có biết Công ty LEVERVN và Công ty P&G là công ty nào ?
v Anh quen biết với bà Minh từ khi nào? bắt đầu quan hệ mua bán từ khi nào?
v Bà Minh có bao giờ nói cho anh đây là hàng giả không?
v Theo cảm nhận của anh thì đây có phải là hàng giả không? tại sao anh lại nhận thức như vậy?
v Số lượng lấy hàng từ khi mua hàng dầu gội đến ngày bị phát hiện bắt giữ là bao nhiêu ?
v Số tiền lãi từ việc kinh doanh dầu gội đến nay được bao nhiêu?
v Theo anh việc làm của anh có vi phạm pháp luật không? mức độ vi phạm như thế nào?
v Anh có ý kiến gì trước việc Viện kiểm sát truy tố anh về tội danh trên?
2. Hỏi bị cáo Vũ Thị Minh.
Mục đích:
+ Để làm rõ suy nghĩ của chị cho rằng dầu gội không ảnh hưởng đến người tiêu dùng vì được bán phát mại và cả gia đình chị cũng dùng dầu gội này.
+ Để thấy rằng bị cáo không cố ý buôn bán hàng giả, mà chỉ vô ý buôn bán hàng giả, do thiếu hiểu biết, và không phải là cố ý vì lợi nhuận thu được từ việc làm ăn này không phải là số lượng lớn.
v Chị bắt đầu buôn bán mặt hàng này từ bao giờ? chị mua hàng của ai? ở đâu?
v Khi mua hàng chị có để ý nhãn mác, chữ viết ghi trên bao bì không?
v Người bán hàng có giải thích cho chị về xuất xứ hàng hoá không?
v Khi cơ quan quản lý thị trường bán phát mại các loại hàng hóa này thì có thông báo hay khuyến cáo cho người tiêu dùng về chất lượng của hàng hoá không
v Chị có biết đó là hàng giả không? Có dấu hiệu gì để biết đó là hàng giả không?
v Nếu biết là hàng giả chị có mua để bán kiếm lời không?
v Nhà chị vẫn sử dụng loại dầu gội này phải không?
v Chị có suy nghĩ gì về mặt hàng này?có nhiều người buôn bán loại dầu này như chị không?
v Khi chị bị tạm giữ những lần trước cơ quan có thẩm quyền có nhắc nhở, tuyên truyền cho chị đây là hàng giả không?
v Số lượng dầu gội chị buôn bán từ trước tới nay là bao nhiêu ? Tổng trị giá và lợi nhuận chị thu được là bao nhiêu ?
v So với các mặt hàng khác thì chị bán dầu gội này có lãi hơn không?
v Suy nghĩ của chị trước tội danh mà Viện kiểm sát truy tố chị?
v Chị có nguyện vọng gì muốn trình bày trước quý toà không?
3. Hỏi bà Vũ Thị Dung.
Mục đích: Để kiểm tra sự mâu thuẫn trong lời khai và để đánh giá nhận thức của bà Dung.
v Nguồn gốc của số dầu gội mà chị bán cho anh Hải từ đâu mà có?
v Tại sao khi buôn bán không có giấy tờ về nguồn gốc hàng hoá mà chị vẫn cứ buôn bán ?
v Chị có ý thức được hậu quả của hành vi của mình là như thế nào không?
v Các cơ quan phát mại có thông báo hay khuyến cáo gì về chất lượng của các mặt hàng trên không?
v Chị đã bán dầu gội cho anh Hải và chị Minh vào thời gian nào, số lượng là bao nhiêu ?
v Trị giá và lợi nhuận thu được là bao nhiêu?
- 4. Hỏi Nguyễn Hùng Chinh:
v Anh có quen biết anh Hải không?
v Anh chở hàng cho anh Hải bao nhiêu lần rồi?
v Anh có nhớ số lượng là bao nhiêu không?
v Anh có quen biết bà Minh không?
v Anh đã chở hàng cho bà Minh bao nhiêu lần?
v Anh có nhớ số lượng là bao nhiêu không?
v Khi chở hàng cho anh Hải, cho bà Minh anh có biết đấy là hàng giả không?
v Nếu biết là hàng giả anh có nhận chở không?
III. Bản luận cứ bào chữa cho bị cáo Vũ Thị Minh.
Kính thưa Hội đồng xét xử !
Thưa Vị đại diện Viện Kiểm sát
Thưa Quý vị có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay
Tôi là luật sư Lê Minh Thành – văn phòng Luật lớp G thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, được sự uỷ quyền của chị Minh và gia đình chị Minh, sự đồng ý của Toà án nhân dân thành phố Hà nội, tôi tham dự phiên toà hôm nay với tư cách là Luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Thị Minh, bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà nội truy tố về tội ‘Buôn bán hàng giả” với tình tiết quy định tại tiết e khoản 2 điều 156 BLHS .
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, tham gia quá trình điều tra, đánh giá chứng cứ, và qua việc xét hỏi những người làm chứng trong phiên tòa hôm nay, tôi xin trình bày lập luận bào chữa cho thân chủ của mình như sau:
Trước hết cần phải làm rõ nguyên nhân phạm tội của bị cáo
Bị cáo Vũ Thị Minh đã buôn bán dầu gội đầu nhãn hiệu Clear, Pantine, Sunsilk trong một thời gian cho đến khi bị Công an bắt quả tang với một số lượng hàng mà qua giám định là hàng giả. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, và chứng cứ thu thập của Cơ quan Điều tra thì hành vi của bị cáo thể hiện sự vi phạm pháp luật. Tuy vậy, một điều rất đáng lưu tâm và cần làm rõ để đánh giá đúng người, đúng tội, khách quan và công bằng là nguyên nhân nào dẫn đến hành vi đó của bị cáo.
Có thể thấy, qua lời khai của bị cáo Minh và những người liên quan khác trong vụ án, thì việc phạm tội của bị cáo không hoàn toàn do ý muốn chủ quan. Hai loại dầu gội hiệu Clear và Sunsilk của Lever VN là hàng liên doanh, nên trên bao bì có ghi bằng tiếng Việt, mà các loại dầu gội đầu mà bà Minh buôn bán cũng có bao bì ghi bằng tiếng Việt. Hơn nữa, bà Oanh khai tại các bút lục 62,64,65 thì việc ghi trên bao bì nhãn mác là hàng sản xuất tại Việt Nam, “ Công an hoặc phòng thuế có bắt được, thì họ đánh thuế, hoặc tịch thu như các loại hàng hóa khác”. Bà Oanh cũng đã từng mua hàng mà các cơ quan này bán phát mại. Bà cho rằng nếu là hàng giả thì họ đã không bán phát mại, và chúng tôi cũng chẳng dám buôn vì chẳng lãi được bao nhiêu.
Xét về hoàn cảnh phạm tội, bị cáo Vũ Thị Minh – một người không có nghề nghiệp, trình độ văn hóa lớp 7, cả gia đình chỉ trông chờ vào việc buôn bán của chị. Mặt khác chị sống ở vùng sâu, vùng xa nên nhận thức về mọi mặt rất hạn chế.
Việc tổ chức bán phát mại các loại dầu gội đầu Clear, Sunsilk( thu được của những người buôn bán) của các cơ quan Công an và quản lý thị trường trên địa bàn mà không thông báo hàng này là hàng như thế nào (hàng giả hay hàng trốn thuế), không khuyến cáo về chất lượng và mục đích sử dụng theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 140/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 25 tháng 4 năm 1991, quy định về kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả đã là một vi phạm; đồng thời vô tình đã thông báo cho những người buôn bán mặt hàng này đây không phải là hàng giả. Chính vì lý do này mà bị cáo không thể nhận thức được hàng mình mua bán là hàng bị cấm lưu hành trên thị trường. Bị cáo chỉ nghĩ đơn giản rằng với giá phát mại của cơ quan quản lý thị trường, bị cáo có thể mua về, bán lại để kiếm thêm thu nhập lo toan cho gia đình. Do nhận thức hạn chế nên số dầu gội đầu mang nhãn hiệu và chữ nước ngoài như Pantene, Head & shoulder, Rejoice thì một người có trình độ văn hóa như thân chủ tôi càng không biết đây là hàng giả. Thực chất theo nhận thức của thân chủ tôi thì đây là hàng trốn thuế chứ không phải là hàng giả.
Bị cáo không nhận thức rõ được hậu quả của hành vi thông qua lời khai: cả gia đình tôi vẫn dùng thứ loại dầu gội này. Do vậy bị cáo cũng không thể nghĩ được rằng việc làm của mình đã ảnh hưởng thế nào đến nhà sản xuất, đến người tiêu dùng và đến xã hội.
Kính thưa Hội đồng xét xử.
Do hoàn cảnh khách quan, thân chủ của tôi hoàn toàn không nhận thức được đầy đủ về hành vi phạm tội của mình.
Với trình độ văn hóa lớp 7, không có nghề nghiệp, lại sống ở vùng sâu, vùng xa nên nhận thức về mọi mặt đời sống xã hội còn rất hạn chế, thiếu các thông tin nên việc xác định hàng thật, hàng giả không phải là vấn đề đơn giản. Ngay tại Thủ đô, những người sống giữa đô thị văn minh, thông tin được cập nhật hàng ngày, nhưng cũng hiếm người phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Do vậy, thân chủ tôi đã vô tình buôn bán hàng giả mà không hề hay biết. Hơn nữa, sau khi bị bắt, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động giúp đỡ cơ quan Điều tra nhanh chóng làm rõ sự thật của vụ án. Thân chủ tôi cũng đã chủ động nộp cho cơ quan Điều tra số tiền thu lợi bất chính nhằm khắc phục hậu quả.
Vì vậy, tôi đề nghị Hội đồng xét xử với quyền năng pháp lý của mình trên cơ sở xem xét các tình tiết của vụ án một cách công minh, chính xác, toàn diện, nhân đạo, xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật, căn cứ vào những tình tiết khách quan đã được xem xét tại phiên tòa hôm nay, áp dụng các khoản a,b,g,h,k,p,q Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999 làm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ tôi, quyết định hình phạt ở mức thấp nhất theo Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Cuối cùng, thay mặt thân chủ Vũ Thị Minh, tôi xin chân thành cám ơn Hội đồng xét xử. Tôi hoàn toàn tin tưởng Hội đồng xét xử sẽ công minh, có phán quyết thấu tình đạt lý, bảo đảm lợi ích hợp pháp cho thân chủ tôi.
Thay mặt cho thân chủ và gia đình tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư
Sưu tầm