(Công ty luật) Hai lần phải nhận án tử nhưng bỗng chốc được thả tự do; 9 thành viên trong một gia đình được tha bổng sau hơn 12 năm… là những vụ án ly kỳ khiến các cơ quan tố tụng mất rất nhiều công sức.
Theo nhiều luật sư, một trong những vụ án mà phán quyết của các cấp xét xử khiến phía bị cáo lẫn bị hại đều phải thấp thỏm, bất ngờ bởi quan điểm trái chiều là “kỳ án vườn mít” Lê Bá Mai (29 tuổi, ngụ Bình Phước). Mai từng hai lần bị tuyên án tử hình về các tội giết người và hiếp dâm trẻ em.
Theo buộc tội của cơ quan công tố, năm 2004, trong lúc rải phân cho cây tại trang trại tại xã An Khương, huyện Hớn Quản (Bình Phước) Mai đã thực hiện hành vi hãm hiếp bé gái 11 tuổi. Sau đó còn giết chết nạn nhân vùi xác ở gần một gốc mít.
Năm 2005, vụ án được TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm đã chấp nhận cáo buộc của VKS cùng cấp, tuyên phạt Mai mức án tử hình với hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Cùng quan điểm, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM sau đó đã giữ nguyên phán quyết.
Sau khi nhận bản án tử hình lần 2, gia đình bị cáo liên tục làm đơn kêu oan gửi VKSND Tối cao. Trong số hàng trăm ngàn hồ sơ nhận được, lãnh đạo cơ quan này đã chỉ đạo Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử Hình sự (Vụ 3) rút hồ sơ vụ này để nghiên cứu và phát hiện vụ án còn nhiều điểm bất hợp lý.
Những thiếu sót được Vụ 3 cho là cơ bản thể hiện trong hồ sơ mà các cơ quan tiến hành tố tụng trước đó đã bỏ qua như: lời khai của các nhân chứng mâu thuẫn; nhiều vật chứng quan trọng không thu được; biên bản tạm giữ hiện vật không khớp với phiếu nhập kho vật chứng… VKSND Tối cao còn thành lập đoàn cán bộ xuống địa phương xác minh. Sau đó, Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại.
Đến tháng 5/2011, tại phiên sơ thẩm lần 2, Mai được TAND tỉnh Bình Phước tuyên trả tự do vì cho rằng không đủ chứng cứ buộc tội. Song, niềm vui chưa được bao lâu thì anh lại phải đối diện với việc sẽ phải tiếp tục hầu tòa bất cứ lúc nào bởi quyết định kia đã bị VKS tỉnh kháng nghị theo hướng buộc tội với Mai. Phía gia đình nạn nhân cũng không đồng ý với phán quyết Mai trắng án.
Theo dự kiến, phiên phúc xử sẽ diễn ra vào tháng 8/2011, tuy nhiên do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp chưa được làm rõ nên tòa tiếp tục hoãn lại. Cho đến nay, sau hai lần bị tuyên án tử hình, một lần được tuyên vô tội, “kỳ án” về Lê Bá Mai vẫn chưa thể kết thúc. Hung thủ thực sự của vụ án này vẫn là một “ẩn số”.
“Kỳ án vườn điều” được xem là vụ oan sai lớn nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam bởi có đến 9 người trong một gia đình rơi vào vòng lao lý.
Năm 1998, bị cho là thủ phạm trong một vụ giết người cướp tài sản, Huỳnh Văn Nén còn khai có liên quan đến một vụ án khác đã xảy ra trước đó 5 năm. Nạn nhân là Dương Thị Mỹ được phát hiện tại một vườn điều (thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) mà cơ quan công an nhiều năm điều tra vẫn chưa tìm ra manh mối.
Theo lời khai của Nén, cái chết của bà Mỹ là do người chị vợ tên Nhung cùng một số người trong gia đình gây ra. Anh này cũng khai ra con dao phay gây án và nơi cất giấu hung khí. Từ đó 9 người trong gia đình vợ của Nén bị buộc tội giết bà Mỹ vì nghi ngờ nạn nhân quan hệ bất chính với chồng Nhung.
Vụ án sau đó được đưa ra xét xử nhiều lần nhưng đều bị tòa phúc thẩm hủy án vì nhiều tình tiết chưa rõ ràng, những chứng cứ thu được đều mâu thuẫn với lời khai của bị can. Đặc biệt, cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Trong khi đó các bị cáo một mực kêu oan và cho rằng những lời nhận tội trước đó là do bị mớm cung. Riêng Nén lại phản cung, cho rằng thời điểm xảy ra vụ án đang làm thuê cho một gia đình tại Đồng Nai.
Việc điều tra xét xử vụ án kéo dài 12 năm nhưng vẫn không tìm ra được hung thủ. Cuối cùng, theo yêu cầu của TAND Tối cao tại TP HCM, Bộ Công an đã phải vào cuộc thành lập ban chỉ đạo điều tra lại vụ án từ đầu. Tuy nhiên, do công tác điều tra diễn ra trong thời gian quá lâu, các tài liệu chứng cứ không đủ cơ sở định tội với các bị can.
Từ đó, cơ quan chức năng đã cho rằng các bị cáo vô tội và phải bồi thường oan sai với tổng số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.
“Kỳ án vườn điều vẫn được nhắc đến trong các cuộc tọa đàm của ngành tư pháp và xem như là một bài học đắt giá cho các cơ quan tiến hành tố tụng”, một thẩm phán cho biết.
Theo Vnexpress.net