Trình tự thực hiện:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính – Sở Kế hoạch và Đầu tư. Khi nộp hồ sơ cá nhân, tổ chức phải xuất trình những giấy tờ sau: Giấy CMND hoặc hộ chiếu – nếu là cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp; Giấy CMND hoặc hộ chiếu và giấy uỷ quyền do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký, có xác nhận của chính quyền địa phương – nếu là người uỷ quyền – Cán bộ tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ và nội dung hồ sơ: + Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết Giấy biên nhận trao cho người nộp và hướng dẫn nộp lệ phí + Trường hợp thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hướng dẫn để bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ.
Bước 3: Quá trình thụ lý hồ sơ: – Nếu hồ sơ hợp lệ: Phòng đăng ký kinh doanh sẽ làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp – Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: Trong thời hạn 03 ngày (kể từ ngày nhận hồ sơ) cán bộ thụ lý sẽ thông báo (bằng công văn hoặc qua điện thoại) để doanh nghiệp bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ và nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Bước 4: Nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính – Sở Kế hoạch và Đầu tư. Người đến nhận kết quả phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền và xuất trình một trong các giấy tờ sau: Giấy biên nhận hồ sơ, giấy CMND hoặc hộ chiếu – Cán bộ giao trả kết quả kiểm tra Giấy biên nhận và trả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Thành phần hồ sơ, bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Theo mẫu Phụ lục I-4);
2. Danh sách cổ đông sáng lập khi đã thay đổi (Theo mẫu Phụ lục II-2);
3. Dự thảo Điều lệ công ty (Doanh nghiệp tự soạn theo quy định tại điều 22 Luật doanh nghiệp năm 2005; Dự thảo điều lệ công ty phải có đầy đủ chữ ký của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập);
4. Biên bản họp và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông Công ty về chia công ty (Doanh nghiệp tự soạn theo quy định tại Điều 150 Luật Doanh nghiệp);
5. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty;
6. Giấy tờ chứng thực đối với cổ đông là cá nhân:
+ Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với công dân Việt Nam.
+ Một trong số các giấy tờ còn hiệu lực đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau đây:
a) Hộ chiếu Việt Nam;
b) Hộ chiếu nước ngoài (hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài) và một trong các giấy tờ chứng minh người gốc Việt Nam ở nước ngoài.
+ Giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
+ Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam.
7. Giấy tờ chứng thực đối với cổ đông là pháp nhân:
+ Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định như trên của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng.
+ Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải có chứng thực của cơ quan nơi tổ chức đó đã đăng ký không quá ba tháng trước ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Số bộ hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.
Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Cơ sở pháp lý:
Luật Doanh nghiệp 2005;
Nghị định 102/2010/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
Thông tư số 14/2010/TT-BKH 04 tháng 6 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp