Các thành phần đầu tư vào thị trường bất động sản

12

Để phục vụ cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng đến từng khía cạnh của công cuộc đầu tư của mình trên tất cả các hoạt động đầu tư. Đặc biệt trong tình hình nền kinh tế thời kỳ hội nhập phát triển cùng xu hướng phát triển mới của nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Nội dung của hoạt động đầu tư phát triển phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản sẽ nói nên tầm quan trọng cũng như tính tất yếu của hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản đối với Việt Nam trong sự nghiệp CNH – HĐH nền kinh tế.

1. Đầu tư xây dựng cơ bản (đầu tư vào cơ sở hạ tầng)

Đây là hoạt động đầu tư nhằm tạo ra tài sản cố định cho doanh nghiệp và luôn chiếm một khoản vốn lớn để thực hiện việc khảo sát, quy hoạch xây dựng, chuẩn bị đầu tư, thiết kế thi công xây lắp công trình, lắp đặt máy móc thiết bị và tiến hành các công tác xây dựng cơ bản khác theo tổng dự toán.

Đối với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản có các công trình xây dựng bao gồm nhiều hạng mục với các yêu cầu kỹ thuật khác nhau như: hệ thống kho bãi, các công trình phụ trợ, các công trình nhà tạm nơi thi công,… đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn.

2. Đầu tư máy móc thiết bị

Các loại máy móc thiết bị hiện đại, các loại dây truyền sản xuất phục vụ thi công cũng chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Các loại máy móc thiết bị có công xuất lớn được đồng bộ hóa sẽ đáp ứng được đòi hỏi về năng lực hoạt động của một đơn vị thi công cơ giới mạnh đồng thời cũng là một minh chứng cho sức mạnh và uy tín của doanh nghiệp khi tham gia thi công các dự án lớn cũng như các dự án xây dựng bất động sản của doanh nghiệp.

3. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực

Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực là một chiến lược phát triển theo chiều sâu và dài hạn nó đóng vai trò quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp trên thương trường. Cùng với các yếu tố đầu vào khác như: máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên nhiên vật liệu,… yếu tố nguồn nhân lực đã tạo lên “hình dáng” của một doanh nghiệp. Nguồn nhân lực hay được hiểu là con người cùng với các yếu tố thể lực, trí lực, kỹ năng lao động của mình, ở đây chìa khóa quyết định sự thành công chính là chất lượng của nguồn nhân lực. Có thể thấy việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là hết sức quan trọng phải được các doanh nghiệp thường xuyên chú trọng.

Các hoạt động đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn liền với các hoạt động:

+ Đào tạo và đào tạo lại với các cấp độ đào tạo: đào tạo nguồn nhân lực nói chung (đào tạo phổ cập) và đào tạo nhân tài (đào tạo chuyên sâu).

+ Trích lợi nhuận lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm: Quỹ này dùng để chi cho việc đào tạo lại công nhân do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ, đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ và bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động, trợ cấp cho người lao động làm việc thường xuyên nay bị mất việc làm trong doanh nghiệp.

+ Lập quỹ khen thưởng: Đây là biểu hiện của phương pháp kinh tế trong quản lý, có thể nói hoạt động này chính là một “nghệ thuật” trong việc sử dụng người lao động của bộ máy lãnh đạo của một doanh nghiệp. Việc lập quỹ khen thưởng dùng để khuyến khích cán bộ công nhân viên không ngừng nâng cao tay nghề, phát huy sự sáng tạo trong lao động, khuyến khích người lao động làm việc tự giác và hăng say đảm bảo chất lượng công việc ở mức cao nhất… từ đó gián tiếp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Lập quỹ phúc lợi hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn, giúp họ yên tâm sản xuất.

4. Đầu tư nghiên cứu thị trường

Đầu tư cho việc nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp là cơ sở xác định sự cần thiết của các công cuộc đầu tư, là căn cứ để xác định quy mô cấp độ đầu tư. Đồng thời, hoạt động nghiên cứu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp định hình được xu hướng của thị trường, đưa ra được những dự báo về nhu cầu sản phẩm của người tiêu dùng, xác định được những thế mạnh của mình và các đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Việc nghiên cứu thành công giúp doanh nghiệp có chiến lược sản xuất kinh doanh đúng hướng, tiêu thụ nhanh sản phẩm quay vòng vốn nhanh thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Những diễn biến thất thường và tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm qua là những thách thức lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Việc tiến hành đầu tư nghiên cứu thị trường một cách khoa học và có được những dự báo tin cậy sẽ là một trong những cách thức giúp doanh nghiệp phát triển chiếm lĩnh thị trường.

5. Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nghiên cứu và triển khai

Hoạt động đầu tư vào khoa học công nghệ trong doanh nghiệp gồm đầu tư nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới và đầu tư mua sắm công nghệ mới từ nước ngoài. Hoạt động này đòi hỏi một nguồn vốn lớn và độ rủi ro cao, vì vậy với khả năng hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam thì tỉ trọng đầu tư cho hoạt động này là khá nhỏ. Tuy nhiên ý nghĩa của việc thực hiện hoạt động này là vô cùng to lớn, là điều kiện để doanh nghiệp đổi mới và động lực cho nền kinh tế phát triển. Trong sản xuất kinh doanh, các bí quyết và phát minh về công nghệ luôn là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu giúp tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, gia tăng lợi nhuận cho đơn vị. Do đó các doanh nghiệp cần đầu tư vào những công nghệ phù hợp với những điều kiện sản xuất của doanh nghiệp, nhanh chóng nắm bắt thông tin về thị trường công nghệ và tiếp cận với những thông tin về các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải tiến sản phẩm từ đó nâng cao sức cạnh tranh.

Đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ là lĩnh vực đầu tư không thể thiếu được của các doanh nghiệp kinh doanh nói chung. Nghiên cứu khoa học và công nghệ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo sức mạnh và vị trí canh tranh của doanh nghiệp trên thị trường hiện tại cũng như tương lai.

Hoạt động nghiên cứu triển khai thường diễn ra trong phạm vi doanh nghiệp nhưng có tác động mở rộng tới toàn bộ nền kinh tế, làm gia tăng năng lực sản xuất của quốc gia. Khi nền kinh tế phát triển tới trình độ cao hơn thì doanh nghiệp lại có nhiều khả năng hơn trong việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học vào trong sản xuất.

Mục đích của các chương trình và dự án R&D không chỉ dừng lại ở dạng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu nhằm tăng chất lượng sản phẩm, tạo nên sản phẩm có đặc điểm nổi bật hơn mà còn tập trung nghiên cứu tìm kiếm, phát triển kỹ thuật và công nghệ mới nhất cho doanh nghiệp. Có thể nói R&D là phần không thể thiếu được trong các hoạt động của doanh nghiệp. Đầu tư vào R&D là một trong những yếu tố giúp các công ty giảm được các chi phí liên quan đến sản xuất kinh doanh.

Có thể nói đầu tư cho nghiên cứu triển khai đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Các chương trình và dự án R&D gắn chặt với chiến lược kinh doanh giúp các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn về kinh tế cũng như các ảnh hưởng khác.

6. Đầu tư vào tài sản lưu động

Mục đích đầu tư vào tài sản lưu động là giúp cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được diễn ra liên tục. Trong doanh nghiệp tài sản lưu động bao gồm dự trữ sản xuất (nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bán thành phẩm mua ngoài, phụ tùng thay thế, công cụ lao động nhỏ, hạt giống, thức ăn gia súc, vv.), chi phí sản xuất (sản phẩm chế dở, bán thành phẩm), dự trữ lưu thông (thành phẩm, hàng hoá, bao bì, vật liệu đóng gói, vv.). Sử dụng tài sản lưu động tiết kiệm, rút ngắn thời gian của một lần chu chuyển hoặc tăng số vòng chu chuyển của nó trong một năm là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh.

7. Đầu tư cho hoạt động marketing

Hoạt động marketing là một trong những hoạt động quan trọng của doanh nghiệp, phục vụ cho hoạt động bán hàng. Đầu tư cho hoạt động marketing bao gồm đầu tư cho họat động quảng cáo, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu…

Để xây dựng một thương hiệu mạnh cho công ty thì trước hết cần phải đầu tư vào nhãn hiệu hàng hóa. Nhãn hiệu sản phẩm là tên gọi, thuật ngữ, biểu tượng, hình vẽ, hoặc sự phối hợp giữa chúng, được dùng để xác nhận hàng hóa hay dịch vụ của doanh nghiệp và để phân biệt hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh… Nhãn hiệu cho biết xuất xứ của hàng hóa và phân biệt hàng hóa đó với sản phẩm của doanh nghiệp khác, được xem là một tiêu chí đánh giá khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Khách hàng yên tâm hơn và chọn mua những sản phẩm mà họ đã có thông tin từ trước. Sản phẩm có khả năng cạnh tranh có nhãn hiệu được nhiều người lựa chọn, có uy tín và ấn tượng tốt đối với đa số khách hàng.

Vì tầm quan trọng của nhãn hiệu trong việc tiêu thụ sản phẩm nên các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược xây dựng nhãn hiệu của mình. Việc tạo lập và duy trì một nhãn hiệu thương mại không đơn giản, kể cả khi đã có một nhãn hiệu thành công thì chủ doanh nghiệp cũng cần đầu tư liên tục nhằm duy trì nhãn hiệu của mình. Nội dung của hoạt động đầu tư này gồm: đầu tư nghiên cứu thị trường (về nhu cầu của khách hàng, đối thủ cạnh tranh, xu hướng phát triển của sản phẩm…); xây dựng chiến lược kinh doanh; thử nghiệm nhãn hiệu trên thị trường; hoạt động marketing và đánh giá kết quả. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải chi phí để giữ vững vị trí thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên khi sở hữu một nhãn hiệu tốt thì khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp là cao hơn và lợi nhuận nhiều hơn. Đây cũng là điều kiện cần để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.

Thương hiệu là một kí hiệu liên tưởng, tên hay nhãn hiệu hàng hóa độc nhất vô nhị, có thể nhận biết được, được dùng để phân biệt với các sản phẩm hay dịch vụ cạnh tranh. Thương hiệu là uy tín, là sự hiểu biết cũng như lòng trung thành của khách hàng. Một thương hiệu mạnh là kết quả của đầu tư hợp lý vào công nghệ sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, nhãn hàng, marketing… Quá trình xây dựng thương hiệu đòi hỏi doanh nghiệp phải tốn một chi phí lớn và thực hiện trong thời gian dài. Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, giá trị của thương hiệu ngày càng được coi trọng, đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy việc đầu tư cũng như quản lý loại tài sản này ngày càng được chú ý tới. Khi doanh nghiệp tạo cho mình thương hiệu mạnh, giá trị thị trường của công ty cũng tăng lên.

Do đặc thù của hàng hóa bất động sản nên việc đầu tư cho hoạt động marketing trong doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng sẽ mang những nét riêng khác với các loại hình kinh doanh khác.