Dichvuluatsu.vn – Ngày 22/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học –Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 68. Nhân dịp này, Báo Đất Việt xin giới thiệu bài phỏng vấn ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng thường trực Bộ KH-CN về tình hình thực hiện Chương trình 68 trong thời gian qua.
-Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả và ý nghĩa kinh tế- xã hội của các dự án thuộc Chương trình 68 giai đoạn 2005- 2010?
Ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng thường trực Bộ KH – CN. (Ảnh: Mai Hà) |
Thứ trưởng Nguyễn Quân: Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 68) đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT), nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh.
Qua 5 năm triển khai, Chương trình 68 đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết như các doanh nghiệp chưa nhận thức và ý thức được đầy đủ tính chất khốc liệt tính chất cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt là sự cạnh tranh về nhãn hiệu hàng hóa, về kiểu dáng công nghiệp.
Các hệ thống luật pháp của Việt Nam (mặc dù đã được xây dựng tương đối đầy đủ) nhưng các cơ quan thực thi thì vẫn còn yếu kém. Cho đến nay, chúng ta chưa có tòa án chuyên ngành về SHTT, các thẩm phán ở các Tòa dân sự và hành chính không được đào tạo về SHTT.
Hệ thống các cơ quan giám định về SHTT còn quá ít. Cho nên khi xảy ra tranh chấp hoặc có vi phạm thì hầu hết các vụ vi phạm ấy chỉ được xử lý về mặt hành chính, rất khó xử lý thông qua các tòa án, kể cả tòa Dân sự hay tòa Hình sự.
-Được biết, ngoài lĩnh vực nông nghiệp, các ngành khác chưa được tham gia nhiều vào Chương trình; Một số nội dung quan trọng như: hỗ trợ áp dụng sáng chế, định giá tài sản trí tuệ… chưa triển khai được như mong muốn. Cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa thứ trưởng?
-Thứ trưởng Nguyễn Quân: Xuất phát từ tình hình thực tế Việt Nam là nước nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp ở trong GDP còn rất cao, lại là một đất nước có nhiều sản phẩm đặc sản nông nghiệp truyền thống nổi tiếng. Cho nên việc xây dựng các hồ sơ để đăng ký bảo hộ về chỉ dẫn địa lý đối với những sản phẩm nông nghiệp đã được thực hiện một cách tương đối thuận lợi.
Còn các sản phẩm công nghiệp, có thể nói là chúng ta mới bước vào nền kinh tế thị trường, công nghiệp chưa phát triển thì chúng ta chưa có những thương hiệu mạnh đối với những sản phẩm công nghiệp.
Vì thế mà việc đăng ký, xác lập quyền đối với những sản phẩm công nghiệp của chúng ta chưa được quan tâm nhiều, chủ yếu vẫn là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ và chủ yếu mới chỉ là nhãn hiệu hàng hóa. Còn đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp của chúng ta thì thực sự là còn rất ít.
Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chưa có một thị trường công nghệ phát triển. Các sáng chế, kể cả các sáng chế trong nước cũng như sáng chế của nước ngoài đã hết thời gian bảo hộ rất nhiều nhưng thông tin về sáng chế cũng chưa đến được với các doanh nghiệp.
Cà phê Buôn Mê Thuột và… |
Chúng ta rất thiếu các định chế trung gian hay nói khác đi là các tổ chức trung gian làm dịch vụ trong thị trường công nghệ như: tư vấn, giám định, kiểm nghiệm, định giá, môi giới…, cho nên giữa nguồn cung về công nghệ (tức kết quả nghiên cứu, bí quyết công nghệ, sáng chế…) với nguồn cầu của công nghệ (doanh nghiệp) vẫn chưa liên kết được với nhau.
Vì vậy mà có rất nhiều sáng chế hoặc giải pháp hữu ích của Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã hết thời hạn bảo hộ hoặc không đăng ký bảo hộ ở Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại không tiếp cận được và nhiều khi chúng ta lại đi nhập công nghệ, mua trang thiết bị của nước ngoài với giá rất cao.
– Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ việc tạo lập, phát triển TSTT của các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa mới ký Quyết định số 2204/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015. Để Chương trình thực sự đi vào cuộc sống, theo Thứ trưởng, chúng ta cần phải chuẩn bị những gì?
-Thứ trưởng Nguyễn Quân: Giai đoạn này chúng ta tập trung vào việc xây dựng hệ thống xác lập và bảo hộ quyền SHTT cho toàn xã hội, không chỉ là các doanh nghiệp như giai đoạn trước đây.
Chương trình 68 cần triển khai tương đối toàn diện và đồng bộ, không chỉ là nhãn hiệu hàng hóa hay chỉ dẫn địa lý, không chỉ là tuyên truyền nâng cao nhận thức, mà chúng ta sẽ triển khai thêm 1 số lĩnh vực khác, ví dụ như khai thác thông tin về sáng chế, hỗ trợ đưa sáng chế vào trong sản xuất của doanh nghiệp, xây dựng các thương hiệu mạnh, tăng cường các hệ thống thực thi quyền, đặc biệt là các hệ thống về định giá tài sản trí tuệ (TSTT).
Bởi vì các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… hay mọi TSTT khác nếu không định giá được thì chúng ta không thể thương mại hóa đưa vào sản xuất kinh doanh. Chỉ có định giá được TSTT đúng với giá trị thực của nó thì chúng ta mới có được nguồn lực và động lực thúc đẩy các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp hợp tác đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, vào cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện nay việc định giá TSTT khó trên cả 2 phương diện. Một là phương pháp luận, tức cơ sở lý luận và thực tiễn để có thể xác định được giá trị thực của một tài sản vô hình.
Thanh long Bình Thuận là hai trong số hàng chục loại đặc sản của cả nuớc đã được bảo hộ chỉ dẩn địa lý (Ảnh: Phương Hoàn) |
Hai là chúng ta rất thiếu một hệ thống tổ chức để hỗ trợ cho việc định giá (các sàn giao dịch, các sàn đấu giá công nghệ hoặc những tổ chức về định giá, các tổ chức làm dịch vụ về định giá và hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ). Cần xây dựng được phương pháp luận về định giá, học tập kinh nghiệm của các nước như là Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc là các nước châu Âu, thí điểm thành lập những cái sàn giao dịch công nghệ, sàn định giá công nghệ và một số dịch vụ về định giá công nghệ.Còn vấn đề thực thi quyền thì đương nhiên chúng ta phải làm tốt hơn giai đoạn trước bằng việc phải có một hệ thống hỗ trợ cho doanh nghiệp để có đủ năng lực đấu tranh với những hành vi vi phạm quyền của họ.
Mở rộng mạng lưới giám định về SHTT, đưa chương trình đào tạo về SHTT vào trong các trường Đại học, đặc biệt là các trường Đại học Luật, mở các khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho các đội ngũ thẩm phán của các Tòa dân sự, và hành chính và hình sự.
Đồng thời chúng ta tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến kiến thức SHTT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng… để nâng cao nhận thức chung của xã hội về vai trò của TSTT trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xin cảm ơn thứ trưởng!
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg cho giai đoạn 2005-2010 (gọi tắt là Chương trình 68).
Thông qua Chương trình 68, các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT (trong đó có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý) đã có 53 đặc sản nổi tiếng của 42 địa phương trong cả nước đã và đang được hỗ trợ xác lập quyền, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ dưới các dự án khác nhau như : xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý như bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, sâm Ngọc Linh, thanh long Bình Thuận, nón lá Huế…; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận: hoa Đà Lạt, đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Cát Hải… và quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể: chè Thái Nguyên, hồ tiêu Chư Sê, tỏi Lý Sơn…. |