Các quan chức tham gia EAMF. Ảnh: Kyodonews |
Diễn đàn Hàng hải mở rộng (EAMF) lần thứ nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khai mạc ngày 5/10 tại thủ đô Manila của Philippines.
Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koji Tsuruoka cho rằng, các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông cần phải tuân thủ các công ước quốc tế bởi trật tự hàng hải là tiền đề vô cùng quan trọng để duy trì tăng trưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, khu vực vốn đang là điểm tựa của nền kinh tế toàn cầu.
“Các bên liên quan cần phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và kiềm chế mọi hành động đơn phương nhằm mục đích thay đổi hiện trạng” – ông Tsuruoka nói. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản là diễn giả chính tại EAMF lần thứ nhất diễn ra tại Khách sạn Manila từ ngày 5/10.
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến những căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 4 tàu hải giám của Trung Quốc ngày 5/10 đã tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong ngày thứ 5 liên tiếp.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, 7 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc tối 4/10 đã đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa trước khi tiến vào Thái Bình Dương. Đây là chuyến đi đầu tiên của tàu chiến Trung Quốc tại vùng biển này kể từ khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết thêm rằng họ đang xem xét mục đích chuyến đi của đội tàu trên |
Theo Thứ trưởng Tsuruoka, UNCLOS đã thiết lập một trật tự mới về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Do đó, tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền trên biển cần làm rõ các những tuyên bố của mình bằng các điều luật quốc tế có liên quan, đặc biệt là những quy định mới được đưa ra trong UNCLOS.
Ngoài ra, quan chức ngoại giao Nhật Bản này cũng đã kêu gọi các nước không thuộc khối ASEAN tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) – trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nga – duy trì cam kết hỗ trợ vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN trong các vấn đề hàng hải.
“Hướng tới lộ trình xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015, chúng ta bắt buộc phải tăng cường hợp tác trong các vấn đề hàng hải” – ông Tsuruoka nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cũng nhấn mạnh rằng, các nước không thuộc khối ASEAN cần phải tôn tuân thủ Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, gồm các quy định cấm xâm lược và thúc đẩy các giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp mà họ đã ký. “Hiệp ước này là định hướng đúng đắn để hướng tới sự phát triển hòa bình trong môi trường quốc tế, vốn đang thay đổi theo nhiều hướng khác nhau” – ông Tsuruoka nói thêm.
Trước đó, trong Tuyên bố chủ tịch được đưa ra tại lễ bế mạc Diễn đàn Hàng hải ASEAN (AMF) lần thứ 2 hôm 4/10, các quan chức và chuyên gia hàng hải đến từ các nước trong khu vực đã đặc biệt kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS và các văn bản ASEAN có liên quan khác như Tuyên bố Bangkok 1976, Thỏa thuận Bali 1976, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác trên biển Đông 2002, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC) và nguyên tắc 6 điểm của ASEAN mới được công bố gần đây.
Theo các quan chức ASEAN, việc thực thi các thỏa thuận này và đối thoại với các đối tác như Nhật Bản và Trung Quốc là cần thiết để đảm bảo các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp và ngăn chặn các vụ gây hấn về mặt quân sự trong khu vực.
.
Minh Ngọc (theo GMA, Kyodonews)
Nguồn: Theo http://phapluatvn.vn