Công nhân được huy động vớt xác lợn trên sông Hoàng Phố
Chết cóng giữa mùa xuân?
Trong vài tuần qua, số lợn chết được vớt lên từ sông Hoàng Phố đoạn chảy qua thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã lên tới gần 15.000 con. Trung bình trong những ngày gần đây, mỗi ngày vớt được xấp xỉ 100 xác lợn. Thành phố Gia Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang lân cận, số xác lợn được vớt hơn 5.500 con. Gia Hưng nằm ở thượng nguồn sông Hoàng Phố chảy qua thành phố Thượng Hải, là địa phương chuyên chăn nuôi lợn và có thể đây là nguồn gốc của vụ bê bối này.
“Nơi tôi làm việc đối diện với sông Hoàng Phố. Liên tiếp mấy tuần nay, chúng tôi thấy rất nhiều xác lợn trôi trên đoạn sông này” – anh Vương Tiên Quân ở Thượng Hải nói. Cơ quan phụ trách nông nghiệp Trung Quốc cho biết, những ký hiệu đánh dấu trên tai lợn cho thấy chúng có nguồn gốc từ các trang trại ở Gia Hưng và Bình Hồ ở tỉnh Chiết Giang, phía thượng lưu của Thượng Hải và từ tỉnh Giang Tô. Theo nhật báo Jiaxing ở Chiết Giang, ít nhất 5 quận và 2 huyện ở tỉnh này nhà chức trách phải huy động nhân viên vớt xác lợn chết trôi trên sông Hoàng Phố.
Trước tình hình này, không những sợ dịch bệnh bùng phát mà người dân còn hết sức lo ngại về tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Hoàng Phố nơi người dân Thượng Hải sử dụng thường xuyên. “Nhà chức trách nói rằng nguồn nước không bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi không thể tin được điều này. Nhiều thông tin không đáng tin cậy, giờ đây chúng tôi cũng không dám ăn thịt lợn nữa” – bà Ngô, người dân Thượng Hải nói.
Cơ quan phụ trách nông nghiệp tỉnh Chiết Giang cho biết cuộc điều tra về nguồn gốc số lợn chết đang được tiến hành. Họ cho rằng, hầu hết số lợn chết trôi trên sông Hoàng Phố là “chết cóng”. Tuy nhiên, điều này lập tức bị người dân phản đối. “Ai có thể tin được là lợn bị chết cóng. Sao chúng không chết cóng vào mùa đông thời tiết khắc nghiệt mà lại chết vào mùa xuân?” – một cư dân cộng đồng mạng phản đối. “Họ nói như đùa. Một con lợn nặng tới 80kg mà lại chết cóng được sao?”.
Hết lợn đến vịt trôi sông
Trung Quốc là nước tiêu thụ và sản xuất các sản phẩm thịt lợn lớn nhất trên thế giới, với hơn 4 tỷ con lợn được nuôi trên cả nước vào năm ngoái. Trong khu vực xung quanh thành phố Gia Hưng, nơi nghi ngờ nguồn gốc lợn chết vứt xuống sông Hoàng Phố của Thượng Hải, có khoảng 130.000 hộ gia đình chăn nuôi hơn 7 triệu con lợn.
Trong khi hàng chục nghìn xác lợn chết trôi sông chưa được làm rõ, thì dư luận lại tiếp tục lo lắng sau khi hơn một nghìn xác vịt chết được phát hiện trên sông Nam Hà ở tỉnh Tứ Xuyên, miền trung Trung Quốc. Chính quyền địa phương thông báo đã tiến hành thu vớt và tiêu hủy toàn bộ số vịt này theo đúng quy định an toàn, đảm bảo không gây nguy hại đến sức khỏe người dân. Các cơ quan chức năng địa phương cũng cho biết đang xúc tiến điều tra nguyên nhân làm vịt chết hàng loạt như vậy. Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc vẫn hết sức bức xúc và yêu cầu chính quyền làm rõ nguồn gốc và nguyên nhân vịt chết.
Việc gia súc, gia cầm chết bị vứt trên sông không phải bây giờ mới xảy ra và việc xử lý chúng đã gây ra nhiều bàn cãi, tuy nhiên, lần này số lượng đã lên tới mức báo động. Người dân cho rằng, nhà chức trách cần phải tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân nào khiến số lượng lên tới hàng chục nghìn con lợn chết trong một thời gian ngắn như vậy.
“Công nghệ đầu độc”
Trong khi nguyên nhân lợn, vịt chết hàng loạt vẫn chưa được nhà chức trách công bố làm rõ, cộng đồng mạng Trung Quốc lại bàn tán xôn xao về “công nghệ” tăng trọng cho lợn của nông dân nước này. Nhiều người cho rằng, chính cách tăng trọng bằng hóa chất độc hại đã khiến lợn chết hàng loạt và bị vứt xuống sông Hoàng Phố.
Việc thúc cho lợn tăng trưởng nhanh không còn là chuyện mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, để lợn nhanh lớn, tăng lợi nhuận, nhiều người chăn nuôi ở nước này đã dùng thuốc kháng sinh để tăng trọng cho đàn lợn. Một nhóm nghiên cứu hợp tác Mỹ – Trung Quốc đã tiến hành điều tra tại ba trại lợn lớn ở Bắc Kinh, thành phố Phủ Điền tỉnh Phúc Kiến và ngoại ô thành phố Gia Hưng. Họ phát hiện các nông trại này đã trộn một lượng lớn thuốc kháng sinh vào thức ăn gia súc, tạo ra vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Chính vi khuẩn này đã khiến cho cho lợn dễ bị nhiễm dịch bệnh. Tổng cộng có 149 gene kháng thuốc kháng sinh được phát hiện trong phân lợn, phân bón và mẫu đất nông nghiệp ở khu vực gần đó.
Ngoài ra, người chăn nuôi còn trộn cả hỗn hợp bao gồm chất thải công nghiệp độc hại chứa đồng và kẽm cùng với những kim loại nặng độc hại với liều lượng cao vào thức ăn gia súc để làm lợn tăng trọng nhanh trong thời gian ngắn. Họ còn trộn thạch tín với thức ăn gia súc, để thịt lợn trông có vẻ ngon hơn, bán được giá hơn. Tuy nhiên, khi lợn hấp thụ những chất độc hại này, nếu không được bán kịp thời chúng sẽ chết ngay. Theo cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC), thạch tín được xác định là chất gây ung thư cho con người.
Một câu hỏi được đặt ra là, những con lợn bị nhiễm thuốc kháng sinh và hóa chất độc hại tại sao vẫn qua được các cửa ải kiểm dịch? Câu trả lời đơn giản, chỉ cần vài nhân dân tệ cho mỗi con lợn là sẽ có ngay giấy kiểm dịch chứng nhận an toàn.
an ninh thủ đô