Công ty luật: “Mẹ kiện con“ là “dựng kịch” để lấy “đất vàng” ở Quảng Ninh?

12

Bỏ công sức và cả chục tỷ đồng để thực hiện dự án với hy vọng sẽ được trả thù lao bằng vài lô đất trong dự án, anh Việt đang có nguy cơ “mất trắng”.

Tuy đứng về hai phía đối lập nhau, nhưng lời khai của các đương sự trong vụ án “đòi đất trong dự án khu dân cư”, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) dường như lại chung một “mục đích”. Diễn biến và kết quả phiên tòa sơ thẩm ngày 13/3 vừa qua khiến cho người ta phải nhìn nhận lại  bản chất của vụ “mẹ kiện con” trong vụ án này…
Tuy nằm giữa trung tâm TP Hạ Long nhưng vài năm trước, 107,8 m2 đất của bà Thiểm vẫn là đất đồi dốc cheo leo, khó sử dụng và giá trị thấp. Do có sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hạ Long, từ năm 2009-2010, ông Nguyễn Tuấn Việt được phép đại diện cho 5 hộ dân (trong đó có hộ bà Thiểm) lập và triển khai dự án “khu dân cư phía Đông đường lên Nhà thờ, phường Bạch Đằng”.
Đến nay, sau khi dự án sắp hoàn thành thì bà Thiểm đột nhiên khởi kiện con gái Vũ Thị Thúy Vân để đòi lại tài sản và 107,8m2 đất cũ của mình. Khi đất dự án đã có giá trị gấp vài chục lần đất cũ, bà Thiểm đã khởi kiện tiếp anh Nguyễn Tuấn Việt để đòi 9 lô đất (rộng gần 400m2) trong tổng số 18 lô đất tại dự án và đề nghị hủy bỏ ủy quyền của mình cho anh Việt “làm dự án” trước đây.
Bỏ công sức và cả chục tỷ đồng để thực hiện dự án với hy vọng sẽ được trả thù lao bằng vài lô đất trong dự án, anh Việt đang có nguy cơ “mất trắng”. Trao đổi với phóng viên, anh Việt cho hay, “việc hai mẹ con bà Thiểm kiện nhau để đòi đất là giả tạo, là cái cớ để lôi tôi vào làm “đồng bị đơn” trong vụ án này”.
Nghi vấn của anh Việt là có cơ sở vì trong vụ án này, dường như lời khai của hai mẹ con bà Thiềm đều đứng về một phía mặc dù họ được coi là “có quyền lợi đối lập với nhau”.
Thậm chí, trong lần Tòa án tiến hành hòa giải vào ngày 9/2/12 (lúc này, anh Việt được Tòa coi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan), bị đơn đã “đồng ý với ý kiến của bà Thiểm… Xác định đất của bà Thiểm, trả cho bà Thiểm”.

Tuy nguyên đơn và bị đơn đã hòa giải với nhau về yêu cầu đòi đất như trên nhưng Tòa án đã không coi đây là “hòa giải thành” và cố giải quyết tiếp vụ án bằng việc “lôi” anh Việt ra làm “đồng bị đơn”.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh- người đại diện của ông Việt lúc đó cho rằng “giao dịch giữa bà Thiểm với anh Việt không liên quan tới chị Vân. Nếu bà cho rằng anh Việt đang sử dụng đất của mình và hợp đồng ủy quyền với anh Việt vô hiệu thì bà Thiểm phải khởi kiện vụ án khác chứ Tòa không thể gộp với vụ án đòi đất với chị Vân trước đó.

Tôi từng có đơn khiếu nại  và cho rằng việc việc Tòa gộp vụ án như trên là đã thiếu khách quan và sai tố tụng. Nếu tách riêng 2 vụ kiện thì đơn của bà Thiểm sẽ không đủ điều kiện để thụ lý vì không có thủ tục hòa giải và thiếu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện”.
Rõ ràng, vụ kiện này trước hết phải được xác định là vụ án “tranh chấp đất đai” và bị đơn là chị Vân và anh Việt. Thế nhưng, TAND TP Hạ Long đã thản nhiên thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung của bà Thiểm đối với anh Việt mà không yêu cầu đương sự phải qua thủ tục hòa giải ở UBND phường theo quy định.
Như muốn “lấp” đi sai sót trên, Thẩm phán Tạ Quy Ước nhiều lần phát biểu trong phiên xử sơ thẩm rằng, “yêu cầu khởi kiện của bà Thiểm là hủy hợp đồng ủy quyền và giải quyết hậu qủa hợp đồng vô hiệu, anh Việt và chị Vân liên đới trả lại đất” .
Nội dung “Đơn khởi kiện bổ sung”, “Thông báo thay đổi tư cách tham gia tố tụng của anh Việt” cũng như lời khai của bà Thiểm tại phiên tòa đều cho thấy “bà Thiểm yêu cầu anh Việt có trách nhiệm liên đới cùng chị Vân có nghĩa vụ trả lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và quyền thực hiện dự án…”.

cafef.vn

Nội dung khởi kiện của bà Thiểm đối với anh Việt là “đòi đất” đã rõ. Tại sao thẩm phán Ước lại cố “lái” yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. “Lái” việc khởi kiện của bà Thiểm với anh Việt sang “tranh chấp hợp đồng ủy quyền” như trên càng làm cho người ta thấy rõ sự vô lý khi Tòa đã gộp chung vụ án này với vụ kiện đòi đất giữa hai mẹ con bà Thiểm.

Và ở phần tuyên án, người ta đã thấy rõ hơn về việc “gộp” án vô lý này vì HĐXX đã không đề cập bất kỳ nội dung nào liên quan đến yêu cầu bà Thiểm kiện chị Vân (mà chỉ có nội dung liên quan giữa bà Thiểm và anh Việt). Chị Vân, bị đơn đầu tiên của vụ án đã “mất hút” và dường như bị HĐXX lãng quên trong phần tuyên án. Phải chăng, bị đơn này đã hoàn thành vai trò “khởi động” trong việc “lôi” anh Việt vào vụ kiện này?.

“Tất cả tôi nhờ Tòa”

Tại phần xét hỏi của phiên tòa, được sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa, người đại diện cho ông Nguyễn Tuấn Việt đã đặt một loạt câu hỏi đối với bà Thiểm để làm rõ nội dung và căn cứ khởi kiện. Tuy nhiên, thẩm phán Tạ Duy Ước nhiều lần tuyên bố “bà có thể trả lời hoặc từ chối trả lời câu hỏi của phía bị đơn”.

Được sự “gợi ý” trên, bà Thiểm đã liên tục từ chối trả lời câu hỏi của phía bị đơn bằng điệp khúc, “tôi không biết, tất cả cứ hỏi Tòa. Tất cả tôi nhờ Tòa”.

Khá bức xúc sau phiên Tòa, chị Hà Chung Ngân, người  đại diện cho anh Việt cho hay, tôi chỉ  hỏi nguyên đơn những vấn đề chưa được HĐXX làm rõ.Nhưng không hiểu sao, thẩm phán Ước lại để cho nguyên đơn từ chối trả lời về những vấn đề này.
Phải chăng, HĐXX đã hiểu rõ toàn bộ tình tiết của vụ án và không cần nghe thêm?. Tôi đã ghi chép quan điểm của tôi để tranh luận về từng vấn đề với nguyên đơn ra giấy và trình bày trước Tòa thì ông Thẩm phán đã “cắt” và tuyên bố “ở đây không được đọc diễn văn, yêu cầu bị đơn tranh luận vào từng vấn đề”. Không hiểu quy định nào của Bộ Luật TTDS không cho đương sự nhìn vào giấy để tranh luận trước Tòa?