Qua nhiều năm thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính cho thấy, luật đã được áp dụng vào đời sống, nhưng thiếu văn bản hướng dẫn thi hành, gây không ít khó khăn trong cho người tiến hành tố tụng.
Người làm chứng và nội quy phiên tòa:
Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều quy định: Người làm chứng khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, từ chối khai báo; hoặc người làm chứng, người giám định, người phiên dịch không thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi tham gia tố tụng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thực tiễn có nhiều vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính (gọi chung là dân sự, hành chính) người làm chứng nể nang hoặc vì lý do tế nhị nào đó đã khai báo không đúng sự thật, làm cho vụ án từ đơn giản trở thành phức tạp, gây khó khăn cho công tác xét xử.
Pháp luật về tố tụng dân sự và tố tụng hành chính cũng quy định đương sự, người khởi kiện, người bị kiện, người đại diện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều phải “tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa”. Và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định: Tòa án nhân dân có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, nhưng từ khi thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính cho đến nay, TANDTC chưa đề nghị Chính phủ ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xét xử của Tòa án, giúp cho ngành Tòa án thực hiện đầy đủ quyền năng pháp lý của mình. Thực tiễn một số phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính, có bị cáo, đương sự và người thân của họ không chấp hành nội quy phiên tòa, có hành vi quá khích, gây rối trật tự phiên tòa, xúc phạm danh dự của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, làm trở ngại cho công tác xét xử của Tòa án, nhưng Tòa án không có chế tài xử lý vi phạm hành chính người có hành vi gian dối, hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững trật tự kỷ cương của pháp luật tại phiên tòa. Hội đồng xét xử chỉ dựa vào lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa giải quyết, nhằm ổn định phiên tòa giúp Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc. Nếu hành vi gây rối trật tự phiên tòa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì lúc đó mới xem xét xử lý về hình sự.
Uỷ nhiệm trong xét xử:
Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính thì Viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án tòa án khi vắng mặt thì ủy nhiệm cho một Phó viện trưởng; Phó chánh án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thay cho mình trong tố tụng dân sự, hành chính. Tuy nhiên, việc ủy nhiệm chưa được hướng dẫn cụ thể rõ ràng, do đó việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn mỗi nơi thực hiện một kiểu khác nhau, nhiều trường hợp cấp phó ký các quyết định kháng nghị với danh nghĩa là “ký thay”, nhưng việc ký thay không có ủy nhiệm bằng văn bản, khi hỏi ra mới biết việc ký thay được thực hiện theo sự phân công nhiệm vụ trong nội bộ lãnh đạo của Viện kiểm sát, Tòa án. Có quan điểm cho rằng, việc ủy quyền hoặc ủy nhiệm của Viện trưởng; Chánh án được thực hiện bằng văn bản phân công trách nhiệm trong lãnh đạo cơ quan, theo đó các Phó viện trưởng; Phó chánh án phụ trách khối chịu trách nhiệm trước Viện trưởng; Chánh án và “ký thay” các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo phân cấp thẩm quyền. Riêng Phó viện trưởng Viện kiểm sát có quyền “ký thay” các quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp chưa có hiệu lực pháp luật (đơn cử phạm vi Viện kiểm sát cấp huyện). Quan điểm khác thì ngược lại, Viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án Tòa án phân công trách nhiệm cho các Phó Viện trưởng; Phó Chánh án phụ trách khối là công tác quản lý hành chính như các cơ quan, đơn vị khác. Đối với việc ủy nhiệm của Viện trưởng; Chánh án cho các Phó viện trưởng; Phó chánh án ký thay các văn bản tố tụng dân sự, hành chính đều phải được thực hiện bằng văn bản ủy nhiệm cụ thể để lưu vào hồ sơ vụ án mới đúng quy định của pháp luật về tố tụng.Từ thực tiễn tư pháp, quan điểm thứ 2 là phù hợp hơn. Bởi lẽ, hồ sơ vụ án có kháng nghị do Phó Viện trưởng hoặc Phó Chánh án ký thay và có ủy nhiệm bằng văn bản kèm theo, thì người nghiên cứu hồ sơ dễ nhận thấy tính đúng đắn của pháp luật, nếu ủy nhiệm theo sự phân công thường xuyên của Viện trưởng hoặc Chánh án cho cấp phó thì hồ sơ vụ án không thể hiện văn bản ủy nhiệm, khiến văn bản kháng nghị đó không bảo đảm giá trị pháp lý trong tố tụng dân sự, hành chính.
Xử lý tài sản khi không có người thừa kế:
Năm 2008 bà Hà Thị B đem tài sản của mình là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản khác gắn liền với đất 697,5m2 (tại Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) để nhận bảo lãnh cho ông Nguyễn Đình Việt vay 50.000.000 đồng của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Nam. Sau khi vay được tiền, ông Việt không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết theo hợp đồng tín dụng, do đó Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Nam khởi kiện và được TAND Quảng Nam thụ lý giải quyết vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm “Vi phạm hơp đồng tín dụng”. Trong thời gian chuẩn bị xét xử, TAND tỉnh đã nhiều lần triệu tập hợp lệ nhưng ông Việt luôn né tránh trách nhiệm và không có địa chỉ để liên hệ. Mặt khác, bà B là người có tài sản thế chấp nhận bảo lãnh tiền vay cho ông Việt đã chết, nhưng bà B không có người thừa kế di sản của mình để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tiền vay. TAND tỉnh đã xác minh họ tộc của bà B và UBND xã nơi bà B cư trú và tất cả đều xác nhận bà B không có người thừa kế, thế vị. TAND tỉnh Quảng Nam không biết giao di sản của bà B cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nào quản lý để thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Nam, do đó, phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án từ đầu năm 2010 đến nay, để chờ khi nào lý do tạm đình chỉ không còn thì sẽ tiếp tục giải quyết vụ án. Và không biết Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Nam phải chờ đến bao giờ vụ án mới được giải quyết để thu hồi vốn cho vay.
Thiết nghĩ, VKSNDTC và TANDTC cần sớm đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xét xử của ngành Tòa án nhân dân; đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện những vấn đề còn bỏ ngõ như đã nêu giúp cho các cơ quan và người tiến hành tố tụng ở địa phương thực hiện tốt Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011.
(công ty luật)
Thân Phước Thành
(daibieunhandan.vn)
Tag: công bố tiêu chuẩn chất lượng, cong ty luat, dịch vụ luật sư, dịch vụ thu hồi nợ khó đòi, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đầu tư, luat su, luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ, luật sư doanh nghiệp. dịch vụ tư vấn luật, luật sư Hà Nội, luật sư hải dương, luật sư hình sự, luat su sai gon, luật sư tranh tụng, soạn thảo hợp đồng, thành lập doanh nghiệp, thủ tục cấp giấy phép, thủ tục ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh tụng tại tòa án, tư vấn luật, tư vấn pháp luật thường xuyên, tư vấn soạn thảo hợp đồng, tư vấn thành lập doanh nghiệp nước ngoài, tư vấn đầu tư, văn phòng luật sư, vụ án ly hôn