Theo đơn tố cáo, năm 1996, ông Phượng được cấp giấy đỏ hơn 3.000 m2đất vườn và đất lúa ở Gò Công Tây đứng tên ông. Năm 2008, vợ ông bị tòa tuyên phải trả nợ cho 19 người tổng cộng hơn 500 triệu đồng. Cuối năm 2009, Chi cục THA dân sự huyện Gò Công Tây ra quyết định buộc vợ ông phải THA. Sau đó, chấp hành viên kê biên cả nhà, đất để THA, chỉ chừa lại 360 m2 cho gia đình ông dựng nhà tạm ở.
Theo khoản 1 Điều 74 Luật THA dân sự, đối với trường hợp của ông Phượng thì chấp hành viên phải xác định phần sở hữu của vợ (chồng) theo Luật Hôn nhân và Gia đình và thông báo cho họ biết. Nếu vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu tòa phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xác định phần sở hữu. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì chấp hành viên mới xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ (chồng) của người phải THA giá trị tài sản thuộc sở hữu của họ.
Tuy nhiên, chấp hành viên đã không tiến hành các thủ tục này. Thậm chí ông Phượng trình bày trước đó ông đã khởi kiện yêu cầu TAND huyện phân chia tài sản, tòa chưa giải quyết thì chấp hành viên đã làm trước. Chưa hết, trong quá trình thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, chấp hành viên cũng không thông báo cho ông Phượng để có ý kiến và có quyền ưu tiên mua lại tài sản theo quy định tại Điều 12 Nghị định 164/2004 của Chính phủ và khoản 3 Điều 74 Luật THA dân sự.
Tháng 5-2012, Chi cục THA huyện đã mời vợ chồng ông Phượng lên để phân chia số tiền bán đấu giá được (người mua trúng tài sản là một trong 19 chủ nợ của vợ ông Phượng với giá là 461 triệu đồng). Theo đó, vợ ông Phượng được chia 298 triệu đồng để THA trả nợ, phần của ông Phượng được 163 triệu đồng. Cho rằng việc phân chia này là không có căn cứ và trái luật, ông Phượng không nhận và hiện Chi cục THA huyện vẫn giữ số tiền này.
THANH TÙNG
Nguồn: theo http://phapluattp.vn