Hỏi thăm một môi giới tại một công ty chứng khoán lớn, tháng vừa rồi thu nhập được bao nhiêu, anh bảo: “bình quân chắc mỗi người được hơn 3 chục triệu, nhưng cũng có thể hơn”.
Mới có một tháng trước đây, dân chứng khoán đều đang thấp thỏm bàn luận xem công ty mình năm nay thưởng Tết như thế nào, có được 1 tháng lương không hay lại giống các công ty khác cắt giảm chi phí do kinh tế khó khăn. Ấy thế mà chỉ 1 tháng thôi, VN-Index tăng “ầm ầm” gần 88 điểm (từ 399,7 điểm vào ngày 24/12 lên 487,6 điểm), mức tăng 22% trong 1 tháng, HNX-Index tăng hơn 9 điểm (mức tăng 17,2%) trong hơn 1 tháng khiến nhiều nhà đầu tư cũng như nhân viên ngành chứng khoán “quên” luôn chuyện thưởng Tết!!!
Môi giới hồ hởi
Dân môi giới có lẽ là đối tượng sung sướng nhất khi thị trường tăng vào đúng dịp Tết. Tháng 11 giao dịch èo uột, tưởng bị cắt giảm nhân sự đến nơi, thanh khoản thị trường thì lèo tèo chẳng kiếm nổi đồng phí nào. Khách hàng gần như ngưng toàn bộ giao dịch. Thị trường tăng trở lại, khách gọi í ới, một đống tài khoản gần như “nằm im” trong năm qua tự nhiên khởi động hết lượt. Lâu lắm rồi dân môi giới mới bận rộn như lúc này.
Hỏi thăm một môi giới tại một công ty chứng khoán lớn, tháng vừa rồi thu nhập được bao nhiêu, anh bảo: “bình quân chắc mỗi người được hơn 3 chục triệu, nhưng cũng có thể hơn”.
Thử làm một phép tính, giá trị giao dịch sàn HoSE trong tháng 1 vừa qua (tính đến 30/1/2013) đạt 24.595,77 tỷ đồng; sàn Hà Nội đạt 13.200 tỷ đồng; tổng giá trị giao dịch 2 sàn trong tháng qua đạt 37.795,77 tỷ đồng. Cả chiều mua vào chiều bán đều bị tính phí, bình quân 0,2%/giá trị giao dịch (có môi giới, còn không có môi giới là 0,15%), như vậy phí môi giới cả thị trường trong riêng tháng 1 là 151 tỷ đồng.
Nếu lấy ví dụ tại công ty chứng khoán có thị phần top 3 môi giới hai sàn, chiếm tỷ lệ thị phần cả thị trường là 10% thì công ty chứng khoán đó ăn phí môi giới trong tháng 1 đạt 15 tỷ.
Thông thưởng tỷ lệ ăn chia giữa môi giới và công ty chứng khoán là 30% và công ty đó có 100 môi giới, thì mỗi môi giới bình quân tháng 1/2013 thu được 45 triệu đồng riêng tiền phí giao dịch, chưa kể lương cố định hàng tháng.
Đó là tính bình quân, còn tất nhiên, có người được cả trăm triệu khi khách VIP mua đi bán lại T+3 hàng trăm nghìn cổ phiếu, khách càng lướt sóng, càng “nhảy nhót” nhiều thì môi giới càng sướng. Chưa kể khách đầu tư nhiều, lãi lớn, khách lại mời mọc môi giới đi ăn uống bàn chuyện thị trường.
Cục diện thay đổi 180 độ. Từ đang ở tình cảnh bị “hắt hủi”, môi giới chứng khoán hiện tại đang được khách hàng săn đón, gọi điện hỏi han nhiệt tình xem mua con nào bán con nào, và họ – những con người bận rộn – cũng chẳng quan tâm xem sếp mình sắp tới sẽ thưởng Tết bao nhiêu, vì thị trường đã tự thưởng cho dân môi giới rồi.
Khi được hỏi về việc các khách hàng sử dụng margin đợt này ra sao, môi giới trên cho biết sau một thời gian dài “chinh chiến” và trải qua nhiều “đau thương”, nhà đầu tư chứng khoán thời điểm này đã “cáo” hơn rất nhiều. Việc sử dụng margin cũng được cân nhắc cẩn trọng. Tất nhiên lượng vay margin đã tăng đáng kể trong thời điểm thị trường tăng nóng vừa qua, cao hơn rất nhiều so với tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên khách hàng không vay quá lâu, khi thị trường điều chỉnh trong phiên, đa phần bán ra và giảm tỷ lệ margin xuống ở mức hợp lý.
Tăng 22%/tháng – đầu tư gì cho lại?
Chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay, với mức tăng vượt trội hơn so với các nhà đầu tư khác.
Thống kê trên sàn HoSE cho thấy trong tháng 1 vừa qua có 74 mã giảm giá, 19 mã đứng giá còn lại 221 mã tăng giá trong đó có khá nhiều mã tăng hơn 80% như SBS, ITA (nếu so với đáy tháng 11, SBS đã tăng gấp 3 và ITA tăng gần gấp đôi); DDM, KBC, LGC (tăng hơn 70%), GTT, DAG, HTL (tăng trên 50%), PVF, BVH, HSG, CLG (tăng trên 40%)…Trên sàn Hà Nội, TKU tăng 160% trong tháng, VBC tăng 68%, SRA, VBH, NSN, TBX, SHN, KMT (tăng trên 50%)…
Tiết lộ với chúng tôi, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường cho biết, trong tháng vừa qua VN-Index tăng 22%, anh lãi được 70% gấp 3 lần mức độ tăng của Index khi ôm trọn cổ phiếu nóng đi từ đáy lên đỉnh và do sử dụng margin, một mức thu lời không tưởng.
Tuy nhiên khi trao đổi với một giám đốc quỹ đầu tư, tất nhiên là mừng vì thị trường tăng, nhưng ông cho rằng vấn đề của TTCK Việt Nam hiện tại là làm sao phát triển bền vững và tăng trưởng trong dài hạn chứ không nên bàn về việc sắp tới thị trường tăng bao nhiêu, đạt bao nhiêu điểm. Ông cho rằng sẽ còn rất nhiều điều mà TTCK Việt Nam phải làm, như phát triển thị trường phái sinh, thu hút vốn ngoại, nâng cao tính minh bạch của các thành viên tham gia thị trường, nâng cao kiến thức của nhà đầu tư…
(Cafef.vn)