Công ty luật – Dân số nội đô Hà Nội cần được “thắt” hợp lý

8

Dẫu tán thành quy định về quản lý dân cư trong dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ), song trong phiên họp thứ 12, nhiều ủy viên UBTVQH một lần nữa lưu ý, “kiểm soát tốc độ gia tăng dân số bằng biện pháp hành chính” phải được thực hiện đồng thời với các biện pháp kinh tế – xã hội mới thực sự có hiệu quả.
Dân số làm Thủ đô “nhếch nhác”

Cũng chính từ những tranh cãi xung quanh Nghị quyết 23/2011/NQ-HĐND (ngày 23/12/2011) của HĐND TP.Đà Nẵng về nhiệm vụ năm 2012. liên quan đến việc hạn chế nhập cư, mà câu chuyện “quản lý dân cư nội đô” của dự thảo LTĐ càng trở nên nóng bỏng.

Nhưng sự phân tích của chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ rõ, việc Đà Nẵng qui định “hạn chế nhập cư” là vi phạm Luật Ban hành VBQPPL, không giống với qui định về điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành vào dự thảo LTĐ là tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát dân cư tạm thời, giải quyết những hậu quả của “sức ép dân số” đối với hạ tầng kỹ thuật và xã hội của nội đô Hà Nội.

Tính đến nay, dân số của Hà Nội gần 6,9 triệu người, với tốc độ tăng bình quân 192.000 người/năm, trong đó tăng cơ học khoảng 63%, chủ yếu là di cư. Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý lớn nhất trong quản lý dân cư ở Thủ đô là dân cư tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, nhất là khu vực đô thị “lõi”, với 4 quận nội thành cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Dân số đông khiến hạ tầng cơ sở bị quá tải, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên của Hà Nội bị “bóp nghẹt” và bộ mặt của Thủ đô nhếch nhác, không xứng đáng là đại diện cho cả nước.

Nhưng vấn đề “khó” trong quản lý dân cư của dự thảo LTĐ là phải dung hòa được giữa việc đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân được qui định trong Hiến pháp và phù hợp với qui định của Luật Cư trú và yêu cầu quản lý của chính quyền.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Công an), sắp tới, Luật Cư trú cũng sẽ được sửa đổi theo hướng tương ứng với điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành qui định trong dự thảo LTĐ. Như vậy, những điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong dự thảo LTĐ đã có cơ sở để có tính khả thi.

Đồng bộ hóa các biện pháp kiểm soát dân cư

Điều kiện nhập cư (đăng ký thường trú) vào nội thành Hà Nội tại dự thảo lần này đã không đề cập đến điều kiện “việc làm hợp pháp” hay “thu nhập ổn định”.

Công dân được đăng ký thường trú tại nội thành ngoài những trường hợp theo khoan 2,3,4 Điều 20 Luật Cư trú, phải “có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 03 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” (Khoản 4 Điều 19 dự thảo LTĐ).

Đa số các chuyên gia và nhà khoa học đều cho rằng, “siết” nhập cư có nhiều cái được hơn mất” trong quản lý dân cư của Thủ đô. Và quan trọng là Hà Nội là TP đặc thù (Thủ đô với nhiều vị trí, vai trò, chức năng) thì các biện pháp quản lý cũng không thể bình bình như các địa phương khác.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của chính quyền TP là phải quản lý tốt dân cư, đảm bảo các điều kiện sống đạt chất lượng cho người dân. Rõ ràng, cho nhập cư ồ ạt là không đảm bảo công bằng cho mọi người dân. “Nếu chỉ “nhăm nhăm” bảo đảm quyền cư trú của người này nhưng bỏ qua các quyền sống khác của người khác là không nên” như ý kiến của ông Nguyễn Bá Sơn (Giám đốc Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng).

Và trong giai đoạn hiện nay, Hà Nội cần những điều kiện để ngăn nạn di dân ồ ạt vào đô thị “lõi” như dự thảo LTĐ với mục tiêu, kiểm soát tốt hơn việc nhập cư, giảm bớt mật động dân số ở nội đô, tạo cơ hội cho người dân trên địa bàn Thủ đô có thể tiếp cận các dịch vụ công một cách công bẳng, bảo đảm môi trường sống có chất lượng tốt hơn về mọi mặt và để Thủ đô Hà Nội phát triển ổn định, bền vững, xứng đáng với vai trò, vị trí là đô thị trung tâm, đầu não của cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Mục đích cuối cùng là để chất lượng cuộc sống của người dân tốt lên”

Hà Nội phải quản lý nhập cư bởi hạ tầng xã hội và kỹ thuật, trật tự an toàn xã hội luôn bức xúc vì cư dân tập trung quá đông vào nội thành do sự thu hút dân cư của quá trình đô thị hóa dẫn đến tình trạng mất cân đối, đặt ra nhiều vấn đề nan giải.

TP đã nỗ lực xây nhiều khu đô thị mới, đã thực hiện dự án giãn dân phố cổ… và không chấp nhận sự tăng dân cư quá mức ở các quận nội thành thêm nữa.

Vì thế, quy định điều kiện đăng ký cư trú chặt chẽ như Dự thảo LTĐ sẽ giúp quản lý dân cư một cách khoa học, chứ không phải giải pháp cơ học với mục đích cuối cùng chỉ để chất lượng cuộc sống của người dân tốt lên. Đây là một trong nhiều giải pháp buộc phải làm chứ không phải giải pháp duy nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Còn có những biện pháp khác để giãn dân khỏi tập trung ở khu vực nội đô”

“Dự thảo LTĐ có biện pháp khác so với qui định hiện hành về quản lý dân cư trong nội đô để đảm bảo sự cân đối giữa phát triển dân số với hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, Dự thảo còn có những biện pháp khác để phát triển kinh tế – xã hội và hạ tầng ở vùng Thủ đô và ngoại thành Hà Nội để giãn dân khỏi tập trung ở khu vực nội đô”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Hỗ trợ tài chính khuyến khích người dân nội thành ra ngoại thành”

“Ngoài các điều kiện đăng ký vào nội thành, Dự thảo LTĐ giao HĐND TP.Hà Nội “quyết định điều kiện, biện pháp hỗ trợ về tài chính đối với các trường hợp tự nguyện di chuyển nơi ở từ nội thành ra ngoại thành và giao lại nhà, đất cho Nhà nước để thực hiện dự án theo quy hoạch”.

Việc bổ sung quy định nguyên tắc hỗ trợ tài chính đối với trường hợp tự nguyện di chuyển nơi ở từ nội thành ra ngoại thành là một trong những giải pháp vừa để khuyến khích người dân ở nội thành tự nguyện di dời, vừa giúp chính quyền TP giải quyết được nhiều vấn đề liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, giãn dân ở khu vực nội thành”.

Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Phan Trung Lý: “Bổ sung các điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành là giải pháp cần thiết”

“Thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm…

Việc bổ sung các điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội đối với một số đối tượng chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư, nhưng cũng là một trong nhưng giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành.

Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế – xã hội, quy hoạch như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra khỏi nội thành, hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận… thì mới có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề”.

Huy Anh

Nguồn: Theo http://phapluatvn.vn