Lời nói đầu
Thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Cơ quan điều tra nói riêng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của đất nước.
Nhìn chung, phần lớn cán bộ làm công tác điều tra giữ vững được phẩm chất chính trị, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí hết lòng tận tuỵ với công việc, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, có không ít đồng chí đã hy sinh cả tính mạng của chính mình.
Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà hiện nay chất lượng điều tra trong một số vụ án, ở nơi này nơi khác chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân. Trong Công tác điều tra nhiều trường hợp còn bỏ sót tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm quyền tự do dân chủ của nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Cơ quan điều tra.
Để khắc phục những khiếm khuyết trên, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ hoạt động của Cơ quan điều tra trong tình hình hiện nay, thực hiện tốt mục tiêu chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc tăng cường hoạt động giám sát của nhân dân đối với Cơ quan điều tra là một trong những yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết, khách quan mà công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra cho mỗi chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu chuyên đề: “ Giám sát của nhân dân đối với Cơ quan điều tra, thực trạng và giải pháp ” là việc làm rất cần thiết. Chuyên đề này không những có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học, góp phần giải đáp phần nào những băn khoăn vướng mắc về phương pháp luận trong lĩnh vực giám sát của nhân dân đối với Cơ quan điều tra, mà còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về vấn đề này. Ngoài ra, trong phạm vi của chuyên đề, tác giả còn đề xuất một số giải pháp mang tính khả thi, nhằm từng bước hoàn thiện những hạn chế của pháp luật, cũng như cơ chế thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Hoạt động giám sát của nhân dân đối với Cơ quan điều tra – thực trạng và giải pháp
Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn, Vụ Pháp chế – Bộ Công an
1. Vài nét về Cơ quan điều tra Ngày 28/6/1988, Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội khoá VIII nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua. Với những quy định mang tính nguyên tắc của Bộ luật này, ngày 4/4/1989 Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Theo Pháp lệnh, Cơ quan điều tra được tổ chức trong lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng An ninh nhân dân, Quân đội nhân dân và trong hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân, với mô hình tổ chức Cấp Cục ở Trung ương; cấp Phòng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Tổng cục, Bộ Tư lệnh, quân khu thuộc Quân đội nhân dân); Cấp huyện (Sư đoàn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh) Đội Cảnh sát điều tra (Ban điều tra thuộc Quân đội). Đứng đầu Cơ quan điều tra các cấp là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và những nhân viên trong Cơ quan điều tra được phong Điều tra viên (Cao cấp, Trung cấp, Sơ cấp).
Việc thành lập các Cơ quan điều tra nhằm mục đích tiến hành điều tra các vụ án hình sự theo thủ tục tố tụng hình sự. Khi tiến hành điều tra, các cơ quan này có quyền sử dụng tất cả các biện pháp điều tra mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định và Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra và Điều tra viên của các Cơ quan điều tra hoạt động với tư cách là người tiến hành tố tụng.
Bên cạnh hệ thống Cơ quan điều tra chuyên trách nói trên, pháp luật tố tụng hình sự nước ta còn thừa nhận quyền điều tra hình sự hạn chế của một số cơ quan khác. Đó là các Cục (Phòng) Cảnh sát trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế và các tội xâm phạm trật tự an toàn xã hội; Ban Giám thị trại tạm giam và trạị giam.v.v.. Những cơ quan và cá nhân này trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn nhất định, có quyền thực hiện một số hành vi điều tra hình sự như: khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giữ người có dấu hiệu phạm tội, khám xét.v.v..
Có thể nói, trong hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng, Cơ quan điều tra có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với một vụ án hình sự. Bởi trước hết, đó là cơ quan tiến hành tố tụng đầu tiên có trách nhiệm tiếp cận thông tin về vụ án, do đó, nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quyết định tính đúng đắn, khách quan về toàn bộ những vấn đề liên quan đến nguyên nhân, động cơ, mục đích, tình tiết, bản chất, nội dung.v.v..có liên quan đến “tính chứng minh” cũng như việc xác định tội danh của vụ án. Mặt khác, ở góc độ phản diện, nó có thể là cơ quan “nhào nặn”, ” định hướng” hoặc làm sai lệch hồ sơ, tình tiết của vụ án qua các hoạt động mang “tính nghiệp vụ ” trong quá trình điều tra. Bởi lẽ, do yêu cầu về nghiệp vụ, Cơ quan này trong phạm vi, chừng mực nào đó được luật pháp cho phép tiến hành một số hoạt động bí mật không dễ gì kiểm tra, giám sát.
Do đó, để hạn chế, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng “quyền”, “bí mật điều tra” để thực hiện các hành vi trái pháp luật, nhằm phục vụ mục đích cá nhân, xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân thì việc giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Cơ quan điều tra là hết sức cần thiết.
Thực tế qua hơn 13 năm thi hành pháp luật tố tụng hình sự đã cho thấy, việc tổ chức Cơ quan điều tra trên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo tổng kết các vụ án do các Cơ quan điều tra thực hiện hàng năm, thì đến quá 2/3 các vụ án đó do Cơ quan điều tra của lực lượng Công an nhân dân tiến hành và hơn 90% trong số đó do Cơ quan điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân thụ lý. Điều đáng tiếc là có không ít các vụ án đã vi phạm thủ tục tố tụng, vi phạm quy trình điều tra.v.v…gây hậu quả tai hại, mà một trong những nguyên nhân quan trọng đó là lơ là sự giám sát của nhân dân trong quá trình điều tra.
Bởi vậy, trong phạm vi hạn hẹp của chuyên đề này, chúng tôi chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản về hoạt động giám sát của nhân dân đối với Cơ quan điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
2. Nhân dân – chủ thể của quyền giám sát trong mọi hoạt động của Cơ quan điều tra
Chúng ta biết rằng, ở bất kỳ một hoạt động quản lý nhà nước nào cũng có nội dung giám sát như là một khâu không thể thiếu. Nhà nước ta đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của toàn thể nhân dân quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cho nên Nhà nước không những ban hành pháp luật, ban hành các văn bản pháp quy quy định mọi vấn đề có liên quan đến hoạt động của Cơ quan điều tra, mà còn bảo đảm quyền giám sát của nhân dân đối với Cơ quan điều tra.
Xuất phát từ yêu cầu và đòi hỏi khách quan đó, nhằm phát huy và tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của nhân dân, trong báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005 đã khẳng định: “…Bảo đảm các quyền dân chủ của công dân,..nâng cao việc giám sát của công dân đối với việc hoạt động của các cơ quan nhà nước. Xử lý nghiêm minh những cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực không phân biệt vị trí cấp bậc…” và tại “Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới ” cũng xác định: “ Huy động sự tham gia rộng rãi và tích cực của nhân dân vào công tác tư pháp, nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các tổ chức xã hội và nhân dân đối với cơ quan tư pháp ”.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng, không phải đến thời điểm này Đảng và Nhà nước ta mới nêu cao vai trò của hoạt động giám sát đối với hệ thống các cơ quan tư pháp nói chung và Cơ quan điều tra nói riêng, mà từ trước đến nay Đảng và Nhà nước ta cũng đã rất chú trọng đến vấn đề này và trên thực tế đã ban hành một hệ thống các quy định pháp luật các chức năng, thẩm quyền và thủ tục về hoạt động giám sát. Hệ thống này tạo thành một cơ chế thống nhất, bảo đảm cho việc thực hiện có hiệu quả quyền dân chủ, lợi ích hợp pháp và chức năng giám sát của các tổ chức và công dân; bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động giám sát đối với các cơ quan tư pháp nói chung và Cơ quan điều tra nói riêng. Do vậy, khi nói đến vai trò giám sát của “nhân dân” đối với Cơ quan điều tra, chúng ta hiểu rằng đó là sự giám sát của các nhóm chủ thể cơ bản sau đây:
Nhóm thứ nhất: Giám sát của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan quyền lực nhà nước; của Chủ tịch nước; của cơ quan hành chính Nhà nước; của cơ quan kiểm sát và xét xử; của cơ quan Nhà nước địa phương;
Nhóm thứ hai: Giám sát của các tổ chức (Mặt trận tổ quốc, Công đoàn, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, các tổ chức xã hội khác), của người tham gia tố tụng và của công dân.
Nhóm thứ ba: Giám sát của các cơ quan ngôn luận, báo chí.
Theo quy định của pháp luật, nội dung giám sát của các chủ thể trên đối với hoạt động của Cơ quan điều tra được thể hiện như sau: