A/ PHẦN MỞ ĐẦU
Luật Hôn nhân gia đình là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đối tượng của Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam là những quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân gia đình bao gồm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân giữa vợ, chồng, cha mẹ và các con, giữa những người thân thiết ruột thịt khác. Một trong những quan hệ tài sản cơ bản và quan trọng được Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh chính là quan hệ sở hữu giữa vợ chồng. Tài sản của vợ chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng, tài sản chung của vợ chồng thì vợ chồng có chung quyền sở hữu, tài sản riêng của vợ, chồng thì do vợ, chồng làm chủ sở hữu và định đoạt tài sản đó.
Tuy nhiên pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cũng đã co quy định nhằm hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng (khoản 5 điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000).
B/ NỘI DUNG
I. Một số vấn đề chung về tài sản riêng của vợ chồng
1) Quyền sở hữu tài sản của công dân
Quyền sở hữu tài sản của công dân là quyền của công dân (chủ sở hữu) đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Quyền sở hữu tài sản bao gồm:
– Quyền chiếm hữu là quyền trực tiếp nắm giữ, quản lí tài sản.
– Quyền sử dụng là quyền khai thác giá trị sử dụng của tài sản và hưởng lợi từ các giá trị sử dụng tài sản đó.
– Quyền định đoạt là quyền quyết định đối với tài sản như mua bán, tặng cho, đệ̉ lại thừa kế, phá hủy, vứt bỏ ….
Ba quyền năng này có mối liên hệ mật thiết với nhau nhưng mỗi quyền lại mang một ý nghĩa khác nhau, trong đó quyền định đoạt tài sản xác định ý nghĩa pháp lí quan trọng nhất của chủ sở hữu.
2) Quyền sở hữu tài sản riêng của vợ chồng
Trước đây, Luật hôn nhân gia đình năm 1959 của Nhà nước ta đã quy định chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn sản, toàn bộ tài sản do vợ, chồng có được hoặc tạo ra từ trước khi kết hôn hay trong thời kì hôn nhân đều thuộc tài sản chung của vợ chồng. Điều 15 Luật hôn nhân gia đình năm 1959 quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Quy định này tồn tại mấy chục năm và gần như đã trở thành tập quán trong đời sống xã hội và ý thức của nhân dân. Luật hôn nhân gia đình năm 1986 do được ban hành vào thời kì đầu của sự nghiệp đổi mới, lần đầu ghi nhận vợ, chồng có tài sản riêng. Điều 16 Luật hôn nhân gia đình năm 1986 quy định: “ Đối với tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kì hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng”. Quy định này có tính chất “mở”, “tùy nghi”, cho phép vợ, chồng lựa chọn trong việc nhập hay không nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng. Việc thực hiện và áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 ghi nhận quyền sở hữu riêng của vợ, chồng ở nước ta sau hơn 10 năm đã tạo ra được trong nhân dân sự nhận thức và ý thức tôn trọng tài sản riêng của vợ, chồng. Do đó, điều 32 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 đã quy định chế độ sở hữu riêng của vợ chồng một cách cụ thể hơn và tạo được cơ sở pháp lí thống nhất trong thực tiễn áp dụng:
1.Vợ chồng có quyền có tài sản riêng.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kì hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo qui định tại khoản 1 điều 29 và điều 30 của Luật này; đồ dùng tư trang cá nhân.
2. Vợ, chồng có quyền không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”.
3) Căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng
So với điều 16 Luật Hôn nhân gia đình năm 1986, Điều 32 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đã quy định cụ thể, có nội dung “mới” về căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ, chồng. Tài sản riêng của vợ, chồng được xác lập dựa vào thời điểm tài sản đó phát sinh trước khi kết hôn; dựa vào sự định đoạt của chủ sở hữu tài sản đã chuyển dịch tài sản của mình cho mỗi bên vợ, chồng trên sự kiện chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kì hôn nhân.
+ Tài sản riêng của vợ chồng là tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn.
+ Tài sản riêng của vợ chồng bao gồm tài sản mà vợ chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kì hôn nhân.
+ Tài sản riêng của vợ chồng gồm đồ dùng, tư trang cá nhân.
+ Tài sản riêng của vợ chồng gồm những tài sản mà vợ, chồng được chia khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
+ Tài sản riêng của vợ, chồng còn (có thể) bao gồm những tài sản mà vợ, chồng thỏa thuận là tài sản riêng của một bên.
4) Quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng với tài sản riêng
* Quyền của vợ, chồng với tài sản riêng
Khoản 1 điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 điều này”.Với tư cách là chủ sở hữu tài sản của mình, vợ, chồng có toàn quyền sở hữu đối với tì sản riêng, không phụ thuộc vào ý chí của bên người vợ, chồng kia. Trong trường hợp vì lí do công tác hoặc bệnh tật mà vợ, chồng không thể trực tiếp quản lí được tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lí thì người kia có quyền quản lí tài sản đó(khoản 2 điều 33). Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 cũng như Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đều có quy định vợ, chồng có quyền “nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”. Do vậy việc quy định vợ, chồng có tài sản riêng không làm ảnh hưởng tới tính chất của quan hệ hôn nhân và cũng không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Trong thực tế, khi vợ chồng chung sống hòa thuận, hạnh phúc thì họ có thể thỏa thuận để người có tài sản riêng nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng. Việc vợ chồng nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản, có chữ kí của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Quy định này của pháp luật là phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn khi giải quyết vấn đề tranh chấp tài sản giữa vợ, chồng khi li hôn và cũng là đểngăn chặn những mục đích không lành mạnh của vợ, chồng khi nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng, cũng là để bảo dảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan, khoản 2 điều 13 Nghi định số 70/2001/NĐ-CP còn quy định:
“Việc nhập tài sản riêng của một bên vào khối tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ riêng của bên đó về tài sản thì vô hiệu theo quy định tại điều 11 của nghị định này”.
* Nghĩa vụ của vợ, chồng với tài sản riêng
Theo khoản 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó”.Nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng( còn gọi là nợ riêng của vợ, chồng )phát sinh từ các khoản nợ mà vợ, chồng vay của người khác, sử dụng vào mục đích cá nhân, mà không vì lợi ích chung của gia đình; hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của vợ, chồng hay các loại nghĩa vụ khác do luật định( nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình như cha, mẹ, vợ, chồng, con mà vợ, chồng phải thực hiện).Các quy định về nghĩa vụ của vợ chồng được thực hiện bằng tài sản riêng của vợ, chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã được dự liệu cụ thể hơn so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 trước đây. Những quy định này là cơ sở pháp lí cho việc xác định nghĩa vụ của vợ,chồng được thực hiện bằng tài sản riêng do thỏa thuận trong thực tiễn.
II. Vấn đề hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành
1) Nội dung của vấn đề hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành
Ngoài việc quy định về quyền quản lý, quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng, khoản 5 điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đã quy định một vấn đề mới, đó là hạn chế quyền sở hữu của vợ chồng với tài sản riêng vì lợi ích chung của gia đình: “Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng”.
Trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng không đủ để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bên vợ, chồng có tài sản riêng phải đóng góp, sử dụng tài sản riêng vì các nhu cầu thiết yếu đó.Mặt khác, tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đã được đưa vào sử dụng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó thì việc đinh đoạt tài sản riêng đó phải được sự đồng ý, thỏa thuận của cả hai vợ chồng. Quy định này dựa trên truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, luôn có sự đoàn kết, yêu thương, chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Mặc dù theo luật đinh, vợ chồng có quyền có tài sản riêng, nhưng trên thực tế cuộc sống chung của vợ chồng thường không phân biệt các tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng, tài sản riêng của vợ, chồng nếu đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lơi, lợi tức thu được từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải có sự thỏa thuận, thống nhất giữa hai vợ chồng nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống chung của vợ, chồng; nghĩa vụ chăm sóc lẫn nhau giữa vợ, chồng; nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục các con. Như vậy cũng là bảo đảm lợi ích chung của toàn bộ xã hội, vì gia đình là tế bào của xã hội gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Sự tồn tại bền vững của gia đình là cơ sở tạo cho xã hội ổn định, phát triển.
2) Những vướng mắc về vấn đề hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng
Vấn đề đặt ra là: quy định tại khoản 5 điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về hạn chế quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng có mâu thuẫn với quyền cá nhân? Chủ sở hữu khi thực hiên quyền định đoạt của mình lại phải được sự đồng ý của người khác?
Quyền sở hữu tài sản của công dân được quy định tại Điều 58 Hiến pháp 1992(sửa đổi bổ sung năm 2001) quy định: “ Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác
Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”.
Quyền sở hữu của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Công dân có quyền quyết định số phận tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, không ai có quyền định đoạt tài sản ngoài chủ sở hữu của tài sản đó. Theo khoản 5 điều 33 Luật hôn nhân gia đình, vơ, chồng là chủ sở hữu tài sản riêng và cũng đồng thời là chủ sở hữu của hoa lơi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mình nhưng khi hoa lợi, lợi tức đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó cần thiết phải có sự đồng ý của cả hai bên vợ, chồng. Như vậy là quyền định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng trong trường hợp này bị hạn chế, có phần không thống nhất với quy định về quyền sở hữu của công dân(hay quyền tự định đoạt tài sản của công dân).
Đây chính là vướng mắc của vấn đề hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành.
Thực ra khoản 5 điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định như vậy là phù hợp cả về mặt lí luận và thực tiễn.Cuộc sống chung giữa vợ chồng đòi hỏi sự gắn kết lâu dài, bền vững, hạnh phúc theo mục đích của quan hệ hôn nhân được xác lập. Trách nhiệm vun đắp, xây dựng hạnh phúc gia đình, trách nhiệm chăm sóc lẫn nhau, nuôi dưỡng, giáo dục các con vì lợi ích của xã hội thuộc về cả hai vợ chồng.Nếu tài sản chung của vợ chồng không đủ đáp ứng các nhu cầu cần thiết của gia đình (ăn, ở, mặc, học hành, chữa bệnh… cho vợ, chồng, các con…), mà người vợ, chồng có tài sản riêng không lẽ lại phó mặc, lợi ích chung của gia đình muốn ra sao cũng được! Xét cả về chuẩn mực đạo đức xã hội và yêu cầu của pháp luật, vợ, chồng phải sử dụng tài sản riêng của mình, bảo đảm cho cuộc sống chung của gia đình là hợp lí.
Những hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản riêng của vợ, chồng đã được đưa vào sử dụng chung là nguồn sống duy nhất của gia đình, tức là những thu nhập đó cần phải có để cuộc sống của gia đình tồn tại, “nuôi sống gia đình”; nếu “cắt bỏ” những hoa lợi, lợi tức đó thì cuộc sống của vợ, chồng, các con không thể duy trì được. Vậy nên, người vợ, chồng có tài sản riêng đó phải suy xét nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình. Cũng có nghĩa rằng khi vợ, chồng định đoạt tài sản riêng đó, cần phải có sự thỏa thuận của người chồng, vợ kia là hợp lí. Quy định này còn xuất phát từ cách thức điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình: các chủ thể khi thực hiện quyền của mình phải xuất phất từ lợi ích chung của gia đình; tạo điều kiện để gia đình thực hiện tốt các chức năng xã hội.
3) Hướng hoàn thiện về vấn đề hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại về vấn đề hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình theo quy đinh của pháp luật hiện hành, theo em Luật Hôn nhân gia đình cần tập trung quy định một cách rõ ràng hơn những nghĩa vụ và quyền định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng
áp dụng chung nhất cho mọi trường hợp đồng thời phải đi kèm với biện pháp bảo đảm thực hiện. Cần làm rõ về khái niệm “nguồn sống duy nhất của gia đình”, nếu trong trường hợp hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản riêng của vợ chồng không phải là nguồn sống duy nhất nhưng là nguồn sống chủ yếu, nguồn sống quyết định trong các nguồn sống thì pháp luật về hôn nhân gia đình sẽ điều chỉnh như thế nào. Giải quyết hợp lí các vấn đề đó sẽ giúp cho sự thỏa thuận của vợ chồng trong việc định đoạt tài sản sẽ không là trái với quy định về quyền sở hữu của cá nhân, nó sẽ củng cố mối quan hệ gia đình một cách vững chắc hơn trên tinh thần tự nguyện.
C/ KẾT LUẬN
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định về vấn đề hạn chế quyền tự định đoạt tài sản của vợ chồng trên cơ sở thực tiễn nhằm xây dựng một gia đình no ấm hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ. Tuy nhiên vẫn còn đó những hạn chế cần được khắc phục để quy định ngày một hoàn thiện hơn và được áp dụng một cách có hiệu quả vào thực tế.