Công ty luật hướng dẫn Kỹ năng đánh giá điều kiện khởi kiện vụ án hành chính về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai

3

LỜI MỞ ĐẦU

Luật Luật sư quy định “ Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Vai trò của luật sư ngày càng quan trọng trong các vụ việc đặc biệt là các vụ khiếu kiện về hành chính. Trong các vụ án hàn chính có những đặc thù riêng nên đòi hỏi luật sư phải có kỹ năng nhất định.

Kỹ năng đánh giá điều kiện khởi kiện vụ án hành chính nói chung và vụ án hành chính về đất đai nói riêng là kỹ năng cơ bản và quan trong khi luật sư tiếp xúc với hồ sơ và các yêu cầu của khách hàng, và luật sư phải xác định đươc, Khách hàng khởi kiện có được không? Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo yêu cầu của khách hàng có được thực hiện hay không? Và trên cơ sở đó luật sư mới tiếp tục tư vấn cho khách hàng là “Có thắng kiện được không?”. Và luật sư sẽ tạo được niềm tin cho khách hàng.

Những kỹ năng đó tôi xin đề cập trong bài tiểu luận dưới đây với chủ đề “Kỹ năng đánh giá điều kiện khởi kiện vụ án hành chính về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai”.

PHẦN NỘI DUNG

I. KỸ NĂNG XÁC ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ QUYỀN KHỞI KIỆN VÀ NĂNG LỰC CHỦ THỂ KHỞI KIỆN TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI

Luật sư cần yêu cầu người khởi kiện cung cấp chứng cứ như quyết định hành chính hoặc trình bày hành vi hành chính, bị khởi kiện; những văn bản pháp luật mà căn cứ vào đó người khởi kiện cho rằng các đối tượng bị khởi kiện trên được ban hành hay thực hiện là trái pháp luật; các tài liệu chứng tỏ người khởi kiện đã đáp ứng các điều kiện của giai đoạn tiền tố tụng; các chứng cứ tài liệu chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện; những chứng cứ chứng minh sự thiệt hại về vật chất, giá trị tài sản do việc áp dụng quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây nên. Sau khi nắm vững được nội dung vụ việc, nếu khách hàng quyết định khởi kiện thì Luật sư cần kiểm tra những vấn đề sau :

1. Quyền khởi kiện của cá nhân, cơ quan và tổ chức theo quy định của Hiến pháp và pháp luật đất đai

Điều 74 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định

Điều 105 Luật Đất đai, thì  Người sử dụng đất có các quyền chung như:

“1. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước về bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp;

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp;

5. Được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình;

6. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp

Điều 46 Luật Khiếu nại, tố cáo được sửa đổi bổ sung năm 2005 quy định, “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 43 của Luật Khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án

2. Những người tham gia trong vụ án hành chính

2.1 Người khởi kiện

Chủ thể có quyền khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi chính quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hoặc cán bộ nhà nước khi thực hiện công vụ trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai.

Cá nhân có quyền khởi kiện gồm cá nhân là người Việt Nam ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú theo Luật Cư trú. Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; nếu việc khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do cha, mẹ, người giám hộ của những người này ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp Viện kiểm sát khởi tố thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ nhiệm ký tên và đóng dấu. Kèm theo đơn khởi kiện, văn bản khởi tố phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện, việc khởi tố là có căn cứ và hợp pháp.”

Đối với hộ gia đình thì việc thực hiện quyền khởi kiện thông qua chủ hộ, hoặc người được các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên ủy quyền.

Mặc dù cơ chế của chúng ta hiện nay cho phép công dân (cá nhân, cơ quan, tổ chức) có quyền khởi kiện vụ án hành chính tức là có quyền yêu cầu cơ quan thẩm quyền tư pháp xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện thì các vấn đề về thủ tục khởi kiện, thụ lý vụ kiện, việc xác định thời hiệu khởi kiện, trình tự xét xử,… phải tuân theo pháp luật về thủ tục theo luật tố tụng  trong lĩnh vực đã khởi kiện.

2.2 Người bị kiện

Trong tranh chấp hành chính một bên là cá nhân hoặc tổ chức, còn bên kia bị kiện là cơ quan nhà nước – đã có quyết định, hành vi hành chính cụ thể.

Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính khi thực hiện công vụ trong hoạt động quản lý đất đai bị khiếu kiện.

Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Toà án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu trong hồ sơ giải quyết việc hành chính, hồ sơ xét kỷ luật mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc có hành vi hành chính

2.3 Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức, do có việc khởi kiện vụ án hành chính của người khởi kiện đối với người bị kiện mà việc giải quyết vụ án hành chính đó có liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của họ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền tham gia tố tụng với bên người khởi kiện, bên người bị kiện hoặc tham gia tố tụng độc lập, có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình

II. KỸ NĂNG XÁC ĐỊNH, PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ ĐỐI TƯỢNG KHỞI KIỆN TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Điều 7 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 có quy định “ Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính”. Về nguyên tắc chung, đối tượng xét xử của Tòa hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

1. Xác định, đánh giá các Quyết định hành chính là đối tượng xét xử của Tòa hành chính

Theo quy định tại Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2010 “ Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành còn đề cập đến các trường hợp đặc biệt như giải quyết tranh chấp đất đai, mặc dù là quyết định hành chính, nếu xâm hại quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức thì họ không khiếu kiện ra Tòa hành chính mà được giải quyết tại cơ quan hành chính. Các Quyết định thu hồi đất “treo” trong quản lý đất đai cũng không phải là đối tượng khởi kiện, nếu nó không chỉ đích danh những đối tượng áp dụng.

Tòa hành chính thụ lý và xét xử thì người khởi kiện phải thực hiện đúng quy định của Luật tố tụng hành chính: Quá trình tài phán hành chính phải trải qua giai đoạn tiền tố tụng và giai đoạn tố tụng, tức là người khởi kiện phải khiếu nại với cơ quan hành chính đã ban hành quyết định và nếu cơ quan hành chính không giải quyết hoặc giải quyết nhưng chưa thỏa đáng thì mới khởi kiện ra Tòa án hoặc khiếu nại lên cấp trên của cơ quan hành chính đó. Người khởi kiện phải thực hiện đúng quy định này thì Tòa án mới xem xét và giải quyết đối với quyết định hành chính bị khởi kiện.

2. Xác định, đánh giá các hành vi hành chính là đối tượng xét xử của Tòa hành chính

Đối tượng khiếu kiện hành chính còn là hành vi hành chính. Khoản 2, Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2010 quy định “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.

Trong quá trình thực hiện công vụ, người thực hiện có thể gây xâm hại đến quyền hoặc thiệt hại đến tài sản hợp pháp của công dân

Theo quy định tại Điều 6 của Luật Đất đai năm 2004 thì: “ Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai; Nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm:

a) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các văn bản đó;

b) Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính;

c) Khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất; lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất;

d) Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

đ) Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

e) Đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

g) Thống kê, kiểm kê đất đai;

h) Quản lý tài chính về đất đai;

i) Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản;

k) Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;

l) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;

m) Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai;

n) Quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai.

Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu kiện là hành vi của cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước khi giải quyết công việc chủ yếu thường liên quan đến các nhiệm vụ cơ bản như giao đất; cho thuê đất; thu hồi đất; trưng dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường; hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gia hạn thời gian sử dụng đất.

Hành vi hành chính của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai là đối tượng xét xử của Tòa hành chính là hành vi mà người khởi kiện cho rằng nó trái pháp luật, xâm hại trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ, hành vi  đó có thể được thực hiện ở dạng hành động hoặc không hành động của cơ quan hành chính hoặc cán bộ, công chức trong khi thực hiện hoạt động công vụ. Người có thẩm quyền được hiểu là cán bô hoặc công chức.

III . KỸ NĂNG PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ XÁC ĐỊNH THỜI HIỆU KHỞI KIỆN

Luật Đất đai 2003 quy định tại Điều 138

1. Người sử dụng đất có quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

2. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện như sau:

a) Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân hoặc tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong trường hợp khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng;

b) Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân;

c) Thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính đó. Trong thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân”.

Khoản 1, Điều 63 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2008 của Chính phủ quy định “ Trong thời hạn không quá (90) ngày, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện có quyết định hanh chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai quy định tại Điều 162 Nghị định 181/2004/NĐ-CP mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó thì có quyền nộp đơn khiếu nại đến UBND cấp huyện ”

Trong khi đó, khoản 1, điều 64, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2008 của Chính phủ lại quy định đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh thì thời hiệu khiếu nại là (30) ngày, kể từ ngày cơ quan này có quyết định đó mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý với quyết định hành chính đó hoặc hành vi hành chính đó thì có quyền nộp đơn khiếu nại đến UBND cấp tỉnh.

Theo điều 65 của nghị định trên thì thời hạn giải quyết khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai không thuộc trường hợp quy định tại Điều 63 và Điều 64 Nghị định này thì được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Thời hiệu khởi kiện liên quan đến đất đai hiện nay vẫn  chưa có quy định thống nhất. Cụ thể như sau:

Nghi định 84/2007/NĐ-CP quy định thởi hiệu khởi kiện là (45) ngày tính từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó

Điều 46 Luật Khiếu nại, tố cáo được sửa đổi bổ sung năm 2005 quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 43 của Luật Khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án

Điều 104 Luật tố tụng hành chính năm 2010 quy định về thời hiệu cụ thể như sau :

a) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

b) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Luật sư luôn lưu ý đến các quy định về những trường hợp mà pháp luật coi là “trở ngại khách quan” trong việc xác định thời hiệu khiếu nại, thời hiệu khởi kiện. Nếu

thời hiệu khởi kiện đã hết thì có thể khuyến cáo khách hàng giải quyết theo các cách không bằng con đường tố tụng hành chính.

IV. KỸ NĂNG XÁC ĐỊNH THẨM QUYỀN CỦA TÒA HÀNH CHÍNH

Mặc dù cơ chế của chúng ta hiện nay cho phép công dân có quyền khởi kiện vụ án hành chính tức là có quyền yêu cầu cơ quan thẩm quyền tư pháp xem xét lại quyết định của cơ quan hành chính nhưng có hai yêu cầu sau đây:

Một là,trong hoạt động khiếu kiện hành chính về đất đai người dân phải lựa chọn sau khi được giải quyết lần đầu, hoặc là khởi kiện ra Toà hoặc khiếu nại lên cấp trên. Nếu đã lựa chọn tiếp tục khiếu nại hành chính thì mất quyền khởi kiện và khi đó cơ quan hành chính sẽ ra quyết định có hiệu lực thi hành, quyết định này không thể bị xem xét lại bởi cơ quan tư pháp;

Hai là, trong lĩnh vực khiếu kiện hành chính về đất đai, bản thân Toà án cũng chỉ có thẩm quyền đối với một số vụ việc chứ không phải tất cả các khiếu kiện hành chính. Như thế có nghĩa là đối với nhiều vụ việc người khiếu nại không có cơ hội được đưa ra Toà án xét xử.

Điều 28 Luật tố tụng hành chính có quy định rõ về thẩm quyền giải quyêt của Tòa án

Xác định thẩm quyền của tòa án theo cấp tòa

Điều 29, Điều 30 Luật tố tụng hành chính năm 2010 quy định chi tiết về thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Luật sư cần tư vấn cho khách hàng những nội dung liên quan và cần thiết để có thể hướng dẫn cho khách hàng nộp đúng đơn khởi kiện đến tòa có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra luật sư cũng cần lưu ý đến trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện . Điều 31 Luật tố tụng hành chính  quy định :

“  Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện.

Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định tại Điều này.”

V. KỸ NĂNG ĐÁNH GIÁ THỦ TỤC KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Trong tranh chấp hành chính một bên là cá nhân hoặc tổ chức, còn bên kia bị kiện là cơ quan nhà nước – đã có quyết định, hành vi hành chính cụ thể.

Thủ tục khởi kiện vụ án hành chính: rất khác với thủ tục dân sự, hình sự… Người khởi kiện trước khi kiện ra tòa hành chính cần phải qua một thủ tục là đã khiếu nại tại chính cơ quan đã ra quyết định hành chính, hành vi hành chính lần đầu.

Khi có đơn kiện tại tòa hành chính, ở cấp sơ thẩm, thì tòa này phải xác minh rõ có thuộc thẩm quyền không và điểm khác biệt với các loại án khác là tòa án cấp sơ thẩm phải xem họ đã làm đúng thủ tục “tiền tố tụng” chưa (tức là khiếu nại cơ quan hành chính ra quyết định, hành vi hành chính lần đầu theo luật khiếu nại tố cáo). Sau đó có đủ điều kiện mới thụ lý vụ án hành chính.

Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện vụ án hành chính cho khách hàng

Sau khi trao đổi tiếp xúc và kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng, nếu khách hàng quyết định khởi kiện, luật sư cần giúp họ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện bao gồm những công việc sau đây:

Chuẩn bị đơn khởi kiện: Về nguyên tắc đơn khởi kiên vụ án hành chính nói chung và  vụ án hành chính về đất đai nói riêng cũng cần phải có đầy đủ nội dung được quy định tại Điều 105 Luật tố tụng hành chính năm 2010

Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

1. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;

c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện;

d) Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;

đ) Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);

e) Các yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;

g) Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

2. Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

PHẦN KẾT LUẬN

Trên đây là toàn bộ những đánh giá về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai

Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính có ý nghĩa rất quan trọng cho các bước tiếp theo trong việc giải quyết các vụ án hành chính . Luật tố tụng hành chính đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 góp phần quan trọng vào việc giải quyết tốt hơn các án hành chính còn tồn đọng trong những năm qua và những năm sắp tới.

Sưu tầm