1. LẬP DỰ ÁN ĐẦU TƯ:
– Lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư:
Căn cứ chủ trương lập dự án đầu tư được người có thẩm quyền phê duyệt và các quy định pháp luật có liên quan, Chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư đảm bảo các yêu cầu sau đây:
– Nhà thầu tư vấn phải có chức năng, có đủ năng lực theo quy định của pháp luật và phù hợp với quy mô, tính chất của dự án đầu tư.
– Nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư có thể là một nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ khảo sát, thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công) và dự án đầu tư (hoặc Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình); Hoặc gồm các nhà thầu khác nhau thực hiện một hay một số công việc trong quá trình lập dự án đầu tư nêu trên.
– Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu (trong giai đoạn hiện nay ở tỉnh Nghệ An – khi chưa có Luật Đấu thầu). Chủ đầu tư quyết định chỉ định thầu đối với trường hợp công tác tư vấn có giá trị dưới 100 triệu đồng; UBND các cấp (cấp có thẩm quyền) quyết định chỉ định thầu đối với trường hợp công tác tư vấn có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. (Theo yêu cầu hồ sơ tại Thông tư số 44/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính V/v Hướng dẫn Quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước).
Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nếu Chủ đầu tư chưa có đầy đủ thông tin để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu tư vấn, thì có thể phát văn bản xin ý kiến của Sở có liên quan (gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải, Công nghiệp) trước khi quyết định hoặc lựa chọn để đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chỉ định thầu.
– Sau khi có quyết định chỉ định thầu, Chủ đầu tư và nhà thầu ký kết hợp đồng thực hiện công tác tư vấn lập dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về Hợp đồng kinh tế, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và chủ trương lập dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Lập dự án đầu tư:
– Nhà thầu tư vấn phải thực hiện đầy đủ các công việc lập dự án đầu tư, gồm: khảo sát, thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công) và dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình) theo nội dung hợp đồng đã ký kết với Chủ đầu tư, quy trình quy định về lập dự án đầu tư và quản lý chất lượng công trình xây dựng. Trong các bước khảo sát, thiết kế và lập dự án đầu tư nhà thầu tư vấn đều phải lập nhiệm vụ và phương án kỹ thuật của các công đoạn trên và phải được Chủ đầu tư phê duyệt trước khi thực hiện.
– Chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ quy trình quy định về giám sát và nghiệm thu các công đoạn thực hiện của nhà thầu tư vấn lập dự án.
Trường hợp không có đủ điều kiện năng lực thì Chủ đầu tư phải thuê tư vấn độc lập thực hiện giám sát và nghiệm thu các công đoạn thực hiện của nhà thầu tư vấn lập dự án theo quy định.
– Sau khi nhà thầu tư vấn lập xong hồ sơ dự án đầu tư (bao gồm cả thiết kế cơ sở), Chủ đầu tư và nhà thầu tổ chức nghiệm thu giai đoạn chuẩn bị đầu tư để gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
2. THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ (HOẶC BC KT-KT):
Bước 1: Thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư (hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của báo cáo kinh tế – kỹ thuật) xây dựng công trình:
a) Trường hợp thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình có mức vốn đầu tư từ 500 triệu đồng trở lên (sử dụng vốn Ngân sách nhà nước):
– Chủ đầu tư lập Tờ trình đề nghị thẩm định thiết kế theo mẫu tại phụ lục kèm theo Thông tư số 08/2005/TT-BXD ngày 06/5/2005 của Bộ Xây dựng:
+ Phụ lục 1: Tờ trình thẩm định thẩm định thiết kế cơ sở;
+ Phụ lục 5: Tờ trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình (Nội dung “Tổng mức đầu tư” được ghi là “Tổng dự toán “.
– Gửi Tờ trình kèm theo hồ sơ (số lượng theo quy định) đến các cơ quan có chức năng thẩm định
Các cơ quan có chức năng thẩm định phải ban hành quy định cụ thể về yêu cầu hồ sơ, thủ tục để tiếp nhận thẩm định;
– Hồ sơ thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán sau khi hoàn chỉnh theo kết quả thẩm định, phải được đóng dấu “Đã thẩm định” trên tất cả các trang hoặc đóng giáp lai.
b) Trường hợp thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của Báo cáo kinh tế – kỹ thụât xây dựng công trình có mức vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng (sử dụng vốn Ngân sách nhà nước):
Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định theo các trường hợp tại điểm c, khoản 2, Điều 3 của bản quy định kèm theo Quyết định số 78/2005/QĐ-UB ngày 06/9/2005 của UBND tỉnh Nghệ An. Trong các trường hợp (Chủ đầu tư tự thẩm định, thuê tư vấn thẩm định hoặc thuê các Sở thẩm định) thì đều phải có Báo cáo kết quả thẩm định, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán được hoàn chỉnh theo kết quả thẩm định trước khi trình thẩm định Báo cáo KT-KT xây dựng công trình.
Bước 2: Thẩm định dự án đầu tư (hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật) xây dựng công trình:
a) Căn cứ kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư (hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của Báo cáo KT-KT) xây dựng công trình, Chủ đầu tư và cơ quan tư vấn bổ sung hoàn chỉnh phần thuyết minh dự án đầu tư (hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật) để gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (hoặc phòng Tài chính – Kế hoạch các cấp) để thẩm định.
b) Đối với các dự án đầu tư và báo cáo KT-KT xây dựng công trình do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt:
– Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có quy định “Yêu cầu nội dung và số lượng văn bản, tài liệu để tiếp nhận thẩm định”, có gửi kèm theo sau đây và được công khai rộng rãi tại bộ phận “Một cửa” để các tổ chức và công dân biết và thực hiện.
– Hình thức tổ chức thẩm định và thời gian thẩm định: Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối chủ trì thẩm định. Đối với các trường hợp cụ thể của dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ áp dụng hình thức thẩm định thích hợp (gồm 1 trong các hình thức: Tự thẩm định, xin ý kiến các cơ quan liên quan và họp thẩm định dự án), nhưng phải đảm bảo quy định về thời gian tối đa thẩm định dự án là:
+ 15 ngày làm việc đối với dự án nhóm B;
+ 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm C và Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình.
c) Đối với các Báo cáo KT-KT xây dựng công trình do Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phê duyệt:
– UBND cấp huyện, cấp xã phải có quy định “Yêu cầu nội dung và số lượng văn bản, tài liệu để tiếp nhận thẩm định”, công khai rộng rãi để các tổ chức và công dân biết, thực hiện.
– Hình thức tổ chức thẩm định và thời gian thẩm định: Do cơ quan chủ trì thẩm định ở các cấp quyết định. Tuy nhiên, phải đảm bảo yêu cầu về nội dung, chất lượng thẩm định và không vượt quy định thời gian tối đa thẩm định dự án nhóm C và Báo cáo kinh tế – kỹ thuật (không quá 10 ngày làm việc).
Bước 3: Phê duyệt dự án đầu tư (hoặc Báo cáo KT-KT) xây dựng công trình:
– Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc người được uỷ quyền) xem xét phê duyệt dự án đầu tư (hoặc BC KT-KT) trên cơ sở Báo cáo kết quả thẩm định dự án của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kèm theo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán), hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình.
– Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã (hoặc người được uỷ quyền) xem xét, phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật trên cơ sở Báo cáo kết quả thẩm định BC KT-KT của phòng Tài chính – Kế hoạch các cấp (hoặc bộ phận giúp việc, tổ chức tư vấn có chức năng và đủ điều kiện năng lực), kèm theo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, hồ sơ báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình.
III. LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT HỒ SƠ THIẾT KẾ VÀ TỔNG DỰ TOÁN (dự toán) XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THUỘC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ:
1. Đối với Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình:
Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đã được thẩm định và phê duyệt trong Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình. Chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án sau khi có điều kiện đảm bảo về nguồn vốn đầu tư (được bố trí vốn trong kế hoạch hoặc có cơ chế huy động vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
2. Đối với dự án đầu tư các nhóm A, B, C:
– Căn cứ hồ sơ thiết kế cơ sở đã được thẩm định và phê duyệt trong quyết định đầu tư dự án, Chủ đầu tư tổ chức lựa chọn và ký kết hợp đồng tư vấn lập hồ sơ thiết kế và dự toán công trình (thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu).
– Chủ đầu tư nghiệm thu các bước khảo sát và thiết kế theo quy định; tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế trước khi đưa ra thi công công trình. Trường hợp không có chức năng hoặc không đủ năng lực thẩm định thì thuê các tổ chức (hoặc cá nhân) tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra thiết kế và dự toán công trình làm cơ sở cho việc phê duyệt.
– Thiết kế kỹ thuật phải đảm bảo phù hợp thiết kế cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt tại quyết định đầu tư. Giá trị tổng dự toán không được vượt tổng mức đầu tư dự án được duyệt. Nếu vượt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định (áp dụng đối với trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư).
IV. ĐĂNG KÝ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ:
Điều kiện ghi kế hoạch đầu tư hàng năm:
– Các dự án được ghi vào kế hoạch chuẩn bị thực hiện đầu tư hoặc thực hiện đầu tư phải có quyết định đầu tư phù hợp các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng ở thời điểm tháng 10 trước năm kế hoạch (hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký là ngày 31/10 hàng năm).
– Những dự án thuộc nhóm A, B nếu chưa có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt, nhưng trong quyết định đầu tư đã quy định mức vốn của từng hạng mục và có thiết kế, dự toán hạng mục thi công trong năm thì được ghi kế hoạch đầu tư; các dự án nhóm C phải có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt.
V. THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ:
Khái quát về quy trình thực hiện các dự án đầu tư như sau:
1. Xin giao đất hoặc thuê đất (đối với dự án có sử dụng đất);
2. Xin giấy phép xây dựng (trừ các dự án đã được cơ quan nhà nước thẩm định thiết kế cơ sở và phê duyệt dự án đầu tư) và giấy phép khai thác tài nguyên (nếu có);
3. Thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện kế hoạch tái định cư và phục hồi (nếu có), chuẩn bị mặt bằng xây dựng;
4. Mua sắm hàng hoá và xây lắp các hạng mục thuộc dự án. Việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện các nội dung thuộc quá trình thực hiện dự án phải được thực hiện theo quy định trong quyết định đầu tư và Quy chế Đấu thầu hiện hành (sắp tới là Luật Đấu thầu và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu) .
5. Ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng mua sắm hàng hoá, xây lắp của các gói thầu thuộc dự án đầu tư;
6. Quản lý kỹ thuật, chất lượng hàng hoá và chất lượng xây dựng công trình theo đúng tiến độ trong hợp đồng đã ký kết;
7. Vận hành thử, nghiệm thu, quyết toán vốn đầu tư, bàn giao và thực hiện bảo hành sản phẩm.