Công ty luật – Kỹ năng của Luật sư trong việc xác định tộ danh xâm phạm tính mạng sức khỏe con người

11

Công cuộc cải cách tư pháp mà trọng điểm là cải cách trong hoạt động xét xử của tòa án là nội dung quan trọng trong Nghị quyết 49 của Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (6-2005). Với tinh thần đó, trong bài viết này chỉ đề cập đến một số nội dung về quy định của pháp luật hình sự trong một số tội phạm để luật sư hiểu rõ thêm làm cơ sở lý luận trong việc tranh tụng, nhằm xác định đúng tội danh của người phạm tội.

Công ty Luật – Những kỹ năng cần quan tâm khi hành nghề luật sư

1 . Cần phân biệt tội phạm giết người chưa đạt – có hậu quả thương tích xảy ra ( Điều 93 BLHS) và trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS).

Trong thực tiễn, trường hợp xâm phạm đến thân thể người khác gây thương tích đáng kể thì có thể kết tội cố ý gây thương tích hoặc giết người chưa đạt. Và tư duy của luật sư bào chữa trong trường hợp này cần xem xét theo hướng tội danh cố ý gây thương tích ( Điều 104 BLHS). Đây là trường hợp về hành vi khách quan có thể tương tự nhau, về hậu quả thực tế xảy ra cũng giống nhau ( có thương tích xảy ra ) nhưng có thể được định tội danh khác nhau.

Về cơ sở khoa học, khi kết luận về trường hợp giết người chưa đạt phải có căn cứ chứng minh được người phạm tội mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng hậu quả chết người không xảy ra ( mà hậu quả chỉ là thương tích) do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn. Những yếu tố khách quan đó có thể do người bị phạm tội bị bắt, bị ngăn chặn kịp thời, hoặc công cụ phương tiện không phát huy tác dụng mà người phạm tội mong muốn hoặc do người bị hại tránh được nên hậu quả chết người không xảy ra v.v…Cũng có trường hợp người phạm tội tuy đã thực hiện hết những hành vi mà người phạm tội cho là cần thiết để gây ra hậu quả chết người, nhưng hậu quả chết người vẫn không xảy ra do các yếu tố khách quan. Những trường hợp trên đều có cơ sở kết luận là phạm tội giết người chưa đạt. Điều quan trọng trong trường hợp này là phải có căn cứ chứng minh mặt chủ quan của người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp, tức là ý chí của người phạm tội mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng hậu quả đã không xảy ra do các nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Đối với trường hợp được coi là phạm tội cố ý gây thương tích thì người phạm tội chỉ mong muốn hậu quả thương tích xảy ra, mục đích của người phạm tội chỉ nhằm gây thương tích cho nạn nhân. Đồng thời, trong trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mà thái độ chủ quan của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp, tức là “bỏ mặc” cho hậu quả xảy ra, chấp nhận các trường hợp hậu quả có thể xảy ra, chết người cũng được, thương tích xảy ra cũng được, thực tế nếu hậu quả chết người xảy ra mới định tội là chết người . Nếu hậu quả là thương tích, thì chỉ định tội là cố ý gây thương tích mà không coi là giết người chưa đạt. Cơ sở xác định tội danh như vậy hoàn toàn phù hợp  với nguyên tắc tội phạm là thể thống nhất giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Nếu thái độ chủ quan của người phạm tội không mong muốn hậu quả chết người xảy ra và “bỏ mặc” sẵn sàng chấp nhận mọi trường hợp hậu quả xảy ra ( tâm lý thụ động với hậu quả ) mà thực tế hậu quả chỉ là thương tích, nếu kết luận họ giết người chưa đạt rõ ràng là không hợp lý. Bởi không thể nói họ chưa đạt cái mà họ không mong muốn, cái mà trong thái độ chủ quan của người phạm tội không hướng tới và thụ động chấp nhận. Như vậy, nếu kết luận giết người chưa đạt trong trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp thì thiếu sự thống nhất giữa yếu tố khách quan (hậu quả thương tích xảy ra ) với yếu tố chủ quan (ý chí của người phạm tội). Ví dụ vụ án thực tế sau đây: Vào khoảng 12 giờ đêm, anh A là công an của thôn X đi tuần tra ở đoạn đường vắng ít người qua lại để kiểm tra H hạ gánh đồ vật xuống và cầm đòn gánh đứng vào ven đường. Khi anh A đang tập trung soi đèn pin để kiểm tra số đồ vật, thì bất ngờ H dùng đòn gánh nhằm vào đầu A bổ một nhát và A ngã xuống đường. Còn H thì vội vàng ném luôn đòn gánh xuống vệ đường cách đó 2m rồi bỏ chạy. 3 ngày sau, H bị bắt H khai với cơ quan công an: “Tôi đánh A là nhằm để chạy trốn, tránh sự bắt giữ của anh A”.

Anh A được cấp cứu kịp thời và thương tích bị gãy xương vai, qua giám định, hậu quả gây tổn hại 25% sức khỏe. Cơ quan Viện kiểm sát (VKS) truy tố H về tội giết người chưa đạt, theo Điểm d Khoản 1 Điều 93 giết người đang thi hành công vụ.

Là luật sư quan điểm về vụ án này phải đánh giá rằng: Với những tình tiết cụ thể trong vụ án này cho thấy, H nhận thức được hành vi của mình dùng đòn gánh đánh vào đầu nạn nhân có thể dẫn đến hậu quả chết người hoặc gây hậu quả thương tích. Vấn đề đặt ra là H có mong muốn hậu quả chết người xảy ra hay không? Hay thái độ tâm lý của H là “bỏ mặc” cho hậu quả xảy ra? Nội dung này luật sư cần làm rõ, vì có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề xác định tội danh của H.

Với các tình tiết cụ thể của vụ án cho thấy, không có đủ cơ sở xác định H mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Bởi nếu mong muốn giết anh A thì H hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện hành vi dùng đòn gánh đập tiếp nhiều nhát nữa khi A đã ngã xuống đường. Trong điều kiện khách quan là đêm tối, không có ai qua lại, H hoàn toàn có khả năng thực hiện tiếp hành vi phạm tội. Nhưng H đã không làm như vậy, mà vội vàng ném đòn gánh và bỏ chạy. Điều này, phù hợp với lời khai của H là đánh A chỉ nhằm trốn tránh sự bắt giữ. Cho nên, với diễn biến cụ thể của vụ án thì định tội cho hành vi của H là tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS là phù hợp.

Giả định rằng dù H chỉ đập một nhát, nhưng đòn gánh đã trúng đầu A và A chết, thì tội danh của H phải là tội giết người. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lý của H là với mục đích trốn tránh sự bắt giữ nên H dùng đòn gánh đập A một nhát muốn ra sao cũng được, miễn là chạy thoát. Thái độ tâm lý thể hiện rõ “bỏ mặc” cho hậu quả xảy ra, chấp nhận mọi trường hợp hậu quả có thể xảy ra. Vì vậy, hậu quả chết người xảy ra thì định tội là giết người, hậu quả thương tích xảy ra thì định tội là cố ý gây thương tích. Với cơ sở lý luận đó, vụ án nêu trên, theo quan điểm của luật sư thì truy tố H về tội cố ý gây thương tích là đúng đắn.

2 . Phân biệt trường hợp giết người đã hoàn thành (Điều 93 BLHS) với trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết người ( Khoản 3 Điều 103 BLHS).

Trường hợp tội giết người đã hoàn thành và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người có nhiều điểm giống nhau về hành vi khách quan, về hậu quả chết người đã xảy ra. Tư duy của luật sư hướng bào chữa với tội danh nhẹ hơn là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người ( Khoản 3 Điều 104 BLDS).

Về mặt lý luận, khi có hậu quả chết người xảy ra nếu định tội là giết người thì người phạm tội có lỗi cố ý, có thể là mong muốn hậu quả chết người xảy ra ( cố ý trực tiếp) hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra ( lỗi cố ý gián tiếp). Đối với người phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người xảy ra thì thái độ chủ quan là do vô ý, tức là trường hợp người phạm tội không thể thấy trước hậu quả chết người xảy ra hoặc cho rằng hậu quả chết người không thể xảy ra khi thực hiện hành vi phạm tội.

Việc xác định thái độ chủ quan của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp hoặc do vô ý với hậu quả chết người…có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định tội danh, vì vậy, luật sư cần nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách đầy đủ ,toàn diện, tỉ mỉ, trong đó cần chú trọng đánh giá các nội dung, diễn biến của các yếu tố sau đây:

– Mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội, nhất là mâu thuẫn giữa đôi bên sâu sắc ở mức nào, liệu có đến mức giết nạn nhân không.

– Động cơ nào đã thúc đẩy con người phạm tội .

– Mức độ mãnh liệt của hành vi tấn công, cường độ tấn công của hành vi phạm tội.

– Tính năng, tác dụng của loại phương tiện mà người phạm tội sử dụng, cách thức tiến hành trên thực tế.

– Vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân, vị trí đó có chứa đựng khả năng chết người hay không.

– Hoàn cảnh cụ thể mà người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhất là đánh giá trong điều kiện cụ thể người đó có khả năng lựa chọn công cụ, phương tiện, lựa chọn vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân hay không.

– Thái độ của người phạm tội thể hiện trước và sau khi sự việc đã xảy ra v.v…

Qua nghiên cứu kỹ những chứng cứ được phản ánh trong hồ sơ vụ án và luật sư tiếp xúc với bị can, bị cáo, người làm chứng …có thể tìm ra những căn cứ để đánh giá ý thức chủ quan của người phạm tội. Từ đó, làm cơ sở để luật sư có thể tranh luận trong việc xác định tội danh một cách chính xác, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

3. Phân biệt tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ( Điều 96 BLHS) và trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ( Điều 95 BLHS).

Trong thực tiễn có thể xảy ra trường hợp người phạm tội  giết người vừa có yếu tố vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng ( PVCĐ) vừa có yếu tố tinh thần bị kích động ( TTBKĐ) mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Hướng bào chữa của luật sư trong trường hợp này là tội giết người do vượt quá giới hạn PVCĐ ( Điều 96 BLHS) là tội danh nhẹ hơn tội giết người trong trạng thái TTBKĐ mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân ( Điều 95 BLHS). Hai tội phạm nêu trên cần phân biệt dựa vào các yếu tố sau đây:

– Về phía người bị hại: Trường hợp tội giết người trong trạng thái TTBKĐ mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của bạn nhân thì nạn nhân phải chính là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc lợi ích hợp pháp của những người thân thích của người phạm tội.

Hành vi trái pháp luật của nạn nhân có thể là hành vi mang tính nhỏ nhặt nhưng có tác động trong một thời gian dài gây kích động, dồn nén, âm ỉ và bùng phát ở một thời điểm nào đó gây kích động mạnh về tinh thần của người phạm tội. Ví dụ như hành vi hành hạ, làm nhục người lệ thuộc thường xuyên…Hành vi trái pháp luật có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có thể lặp đi lặp lại trong thời gian dài…Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng thể là hành vi tội phạm hoặc có thể là các vi phạm pháp luật khác như dân sự, hôn nhân gia đình như quan hệ với vợ người khác v.v…

Thông thường, hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã dừng lại, không còn tiếp tục xâm hại đến các lợi ích hợp pháp. Do đó, thời điểm này người phạm tội không còn quyền phòng vệ chính đáng. Hơn nữa, điều luật đã quy định và thực tiễn xảy ra chỉ xâm phạm đến lợi ích của chính người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội như vợ, chồng, cha, mẹ, con … mới có khả năng kích động mạnh về tinh thần.

– Về phía người bị hại: Trong trường hợp phạm tội giết người do vượt quá giới hạn PVCĐ cũng có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng xâm phạm các lợi ích của Nhà nước, tổ chức, lợi ích hợp pháp của người phạm tội hay lợi ích chính đáng của người khác như lợi ích của người thân thích, của bạn bè hay của bất kỳ người nào khác…Điểm khác với người bị hại của tội phạm giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh…là trong trường hợp phạm tội do vượt quá giới hạn PVCĐ…thì hành vi của người bị hại chưa kết thúc và đang tiếp tục gây thiệt hại, đang diễn ra trên thực tế hoặc có thể trong tình trạng đe dọa tức khắc xâm phạm các lợi ích hợp pháp, nên người phạm tội là người đang được quyền PVCĐ.

– Về chủ thể của tội giết người trong trạng trái TTBKĐ mạnh thì nguyên nhân đưa đến việc giết người là do ức chế, phẫn uất về mặt tâm lý xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đưa đến. Trong trạng thái tâm lý này người phạm tội không tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình, tính tự chủ và khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi bị hạn chế ở mức độ cao, từ đó đã có hành vi giết người.

– Còn chủ thể của tội giết người do vượt quá giới hạn PVCĐ xuất phát từ động cơ vì mong muốn thực hiện việc chống trả, ngăn ngừa hành vi gây thiệt hại của người bị hại. Thời điểm này hành vi của người bị hại đang diễn ra trên thực tế nên làm phát sinh quyền PVCĐ. Người phạm tội được phép thực hiện quyền PVCĐ nhưng đã thực hiện quá mức cần thiết, vượt quá giới hạn cho phép nên đã dẫn đến hậu quả chết người.

Người phạm tội do vượt quá giới hạn PVCĐ có thể cũng có trạng thái tâm lý bị kích động do hành vi trái pháp luật của nạn nhân nhưng nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện hành vi giết người  là do thực hiện biện pháp phòng vệ quá mức cần thiết, không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Khác với trường hợp giết người trong trạng trái TTBKĐ mạnh, nguyên nhân dẫn đến hành vi giết người là do người phạm tội không thể kiềm chế và họ bị tác động bởi hành vi trái pháp luật  nghiêm trọng của nạn nhân.

Như vậy, điểm khác nhau cơ bản quan trọng qua lý luận và phân tích trong các vụ án thực tế cho thấy, luật sư muốn chứng minh người phạm tội do vượt quá giới hạn PVCĐ thì điều cần thiết là phải thu thập các chứng cứ chứng minh người này đang có quyền PVCĐ, tức là phải chứng minh được hành vi của người bị hại đang gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp đang đe dọa tức khắc gây ra thiệt hại nhất định và hành vi của người phạm tội là nhằm ngăn ngừa hành vi gây thiệt hại chứ không phải do ức chế về tâm lý, do uất ức không thể kiềm chế mà thực hiện hành vi giết người. Nếu đồng thời có cả hai yếu tố PVCĐ và trạng thái TTBKĐ thì phải xem xét tội danh theo hướng có lợi cho bị cáo, đó là tội giết người do vượt quá giới hạn PVCĐ. Vụ án sau đây là một ví dụ:

Nguyễn Thanh H. bị truy tố về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95 BLHS). Nội dung vụ án theo cáo trạng của cơ quan VKS như sau:

Vào buổi sáng 10-9-2005, khi H đi vắng, ở nhà chỉ có một mình Th ( vợ của H ở nhà ) thì Hồ Văn L uống rượu và đến chọc ghẹo, đòi giao cấu với Th nhưng Th không đồng ý, L lôi Th vào buồng định cưỡng ép giao cấu, nhưng chị Th la lên. Rất may bà K (mẹ H) đang ở bên nhà ông Ng chạy về nhà kịp thời và đuổi L về.

Vào khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày H đi chơi về gặp Ph đến rủ H uống rượu tại nhà H. Đến khoảng 13 giờ, H, Ph, Thu ( vợ H) đang ngồi trên chiếc giường uống nước thì Hồ Văn L đến thấy L say rượu, kêu L uống nước, L không uống nước mà đến nằm lên chiếc giường, đồng thời đưa chân gác lên đùi của Thu ( Thu đang ngồi cùng H ở giường đối diện), L nói : “ Thu, mày cho tao hôn một cái”. H mới nói: “Mày làm gì kỳ vậy, nó là vợ tao…” và H nói tiếp: “Sao hồi sáng mày đến mày dê vợ tao và lôi nó vào buồng?”, L hỏi ai nói, H trả lời : Thu nói. Thế là L nhào tới dùng tay tát vào mặt Thu, dùng chân đá vào bụng Thu, H can ngăn thì L đánh luôn H, hai bên xô xát nhau H chạy ra ngoài sân, L rượt theo đánh tiếp, H nói : “ Tao còn bà già chứ không tao chơi với mày lâu rồi”. Khi bà K (mẹ H) từ nhà ông Ng (hàng xóm) về tới, hỏi L : “ Con tao làm gì mà mày đánh con tao” thì L xô bà K ngã. Ông Ng can ngăn và kêu L về nhà nghỉ, nhưng L không về mà tiếp tục xô đẩy đánh bà K. Lúc này H chạy vào nhà lấy cây dao (loại dao dùng để phát cỏ) chém một nhát vào vùng gáy bên cổ trái của L. Ông Ng đứng dậy ngăn H nhưng H tiếp tục chém thêm một nhát nữa trúng vào đầu của L. Ông Ng hoảng sợ chạy về bên nhà. Còn H tiếp tục chém thêm nhiều nhát vào cơ thể của L và dùng dao cắt đứt cổ  L sau đó H cầm dao đến công an xã tự thú và giao nộp cây dao gây án.

Vụ án Nguyễn Thanh H nêu trên vừa có dấu hiệu phạm tội trong tình trạng TTBKĐ mạnh, vừa có dấu hiệu phạm tội do vượt quá giới hạn PVCĐ. Nếu luật sư muốn bào chữa cho H về tội danh (giết người do vượt quá giới hạn PVCĐ” thì điều quan trọng luật sư phải chứng minh được H đang có quyền PVCĐ. Vụ án cụ thể này, bằng các chứng cứ luật sư phải chứng minh hành vi của nạn nhân Hồ Văn L, đang tiếp tục đánh H, đang tấn công bà K (  mẹ của H) tại  nhà của mình và vì để can ngăn hành vi của L đánh bà mẹ, bảo vệ chính bản thân mình mà H đã dùng dao chém L và hành vi chém L là hành vi vượt quá giới hạn mà luật pháp cho phép phòng vệ. Trong vụ án này, luật sư có thể đề nghị Hội đồng xét xử xem xét coi tình tiết vượt quá giới hạn PVCĐ là tình tiết định tội “ giết người do vượt quá giới hạn PVCĐ”. Vì nó phù hợp với quy định tại Điều 15 và Điều 96 BLHS. Đồng thời, H có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó cần nhấn mạnh đến tình tiết phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại là tình tiết giảm nhẹ ( theo Điểm đ Khoản 1 Điều 46 ) đối với H.

Qua vụ án trên đây, việc luật sư đề nghị chuyển tội danh của H từ “tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” ( Điều 95 BLHS) sang tội danh “ giết người do vượt quá giới hạn PVCĐ” ( Điều 96 BLHS) là có căn cứ, phù hợp với các quy định của pháp luật hình sự.

Trong bài viết này, tác giả mong muốn cung cấp thêm một số cơ sở lý luận mà luật sư cần quan tâm, nghiên cứu khi thực hiện bào chữa, tranh tụng tại phiên tòa trong nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác, góp phần thực hiện nguyên tắc pháp chế, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.

ThS. LÊ ĐĂNG DOANH