LỜI NÓI ĐẦU:
Tại phiên tòa, các kỹ năng của Luật sư được thể hiện rất rõ qua các thủ tục xét xử tại phiên tòa. Trong đó kỹ năng tranh luận của Luật sư có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc định tội danh cho bị cáo trong vụ án hình sự, cho việc xem xét tính hợp pháp, hợp lý của Quyết định hành chính trong Vụ án hành chính, việc giải quyết tranh chấp trong vụ án dân sự…
Chính vì vậy việc tìm hiểu về kỹ năng tranh luận của Luật sư tại phiên tòa Hành chính sơ thẩm có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Giúp thấy được vai trò của thủ tục này đồng thời định hướng được các công việc thực tế khi Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình.
Trong phạm vi đề tài “Kỹ năng tranh luận của Luật sư tại phiên tòa hành chính sơ thẩm” người viết mới chỉ tham xem xét một cách khái quát nhất trên cơ sở tham khảo các tài liệu nghiên cứu trước đó và các kiến thức đã học nên không tránh khỏi những hạn chế nhất định.
Kính mong các thầy, cô và các bạn xem xét và bổ sung để đề tài tiểu luận được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn!
PHẦN NỘI DUNG:
I. VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA TRANH LUẬN TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH:
1.Tham gia vụ án hành chính, vai trò của Luật sư có những nét đặc thù sau so với các vụ án thuộc các lĩnh vực khác như sau:
Những hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước là những hành vi đơn phương mà cơ quan quản lý nhà nước áp đặt đối với người bị quản lý. Quan hệ quản lý vốn là quan hệ không bình đẳng. Việc người dân đứng ra kiện trước Toà án những hành vi hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cũng là một quan hệ không bình đẳng.
2. Tòa án hành chính khác toàn án thường ở chỗ:
Các Toà án thường, khi xét xử về dân sự thì xác định các quyền dân sự của công dân; khi xét xử về hình sự thì xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo.
Toà án hành chính không làm những việc đó, mà chỉ phán quyết về tính hợp pháp của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc nhân viên nhà nước.
Người dân đi kiện không dễ dàng chứng minh được tính bất hợp pháp của hành vi hành chính. Sự giúp đỡ của luật sư là cần thiết.
3. Quyền của người dân đi kiện rất quan trọng về ý nghĩa và phạm vi. Cụ thể, người dân đi kiện cơ quan hoặc nhân viên nhà nước có quyền tự định đoạt rất lớn, bao gồm các quyền:
a) Đòi hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật, hoặc chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;
b) Sửa đổi yêu cầu.
c) Rút đơn kiện
d) Đòi cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
e) Đòi được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
f) Tham gia thẩm cứu, bằng cách đưa ra những chứng cứ, tài liệu, lý lẽ, giải trình để bảo vệ quyền lợi của mình.
g) Yêu cầu Toà án cho biết nội dung giải trình của bên bị kiện.
h) Tranh luận viết để đối đáp những luận cứ của bên bị kiện.
i) Yêu cầu Toà án xem xét tại chỗ.
j) Yêu cầu Toà án áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi của mình.Tranh luận miệng tại phiên tào với bên bị kiện.
k) Hơn nữa, người dân đi kiệncó quyền tham gia xét xử bằng cách đưa ra giải pháp hợp pháp cho vụ kiện, tức là đưa ra dự thảo bản án, phán quyết vụ kiện.
Giải pháp hợp pháp gồm 2 phần:
– Sửa đổi hoặc huỷ bỏ hành vi hành chính.
– Mức bồi thường thiệt hại.
Tính độc lập của Thẩm phán Toà án hành chính, khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật và không chịu bất cứ một áp lực nào, là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng đối với các vị quan toà nói chung và đặc biệt đối với quan toà xử cơ quan và nhân viên nhà nước. Nếu họ không độc lập xét xử thì quyền lợi chính đáng của người dân không được bảo vệ.
II.QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA LUẬT SƯ TRONG XÉT XỬ HÀNH CHÍNH:
Mục đích chủ yếu của Toà án hành chính là góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đồng thời bảo vệ pháp chế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.
Luật sư có trách nhiệm vụ tích cực góp phần vào việc thực hiện mục đích đó trên cơ sở quan điểm đặt lợi ích nhà nước và lợi ích bảo vệ pháp chế lên trên hết, trung thực, chí công, vô tư, tôn trọng sự thật, bảo đảm công lý.
Do đó, luật sư có những quyền hạn và nghĩa vụ như sau: Mỗi quyền hạn đồng thời là một nghĩa vụ, cũng như mỗi nghĩa vụ đồng thời là một quyền hạn mà luật sư phải thực hiện với tất cả lương tâm và trách nhiệm của một luật sư chân chính:
– Quyền đại diện cho đương sự trong tố tụng xét xử hành chính.
– Quyền bình đẳng với cơ quan hoặc nhân viên nhà nước bị kiện trong quá trình tố tụng xét xử hành chính.
– Quyền đòi:
+ Huỷ bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính trái phápluật.
+ Chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật.
+ Cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
+ Khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân đứng kiện.
– Quyền tham gia thẩm cứu và tham gia xét xử như đã trình bày ở trên.
– Quyền được biết các luận cứ và giải trình của bên bị kiện.
– Quyền tranh luận viết và tranh luận miệng trong quá trình thẩm cứu và xét xử của Toà án hành chính.
1. Vấn đề quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng hành chính.
Quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng hành chính, đặc biệt là của các bên trong tố tụng hành chính, là một trong những nội dung cơ bản của quan hệ pháp luật tố tụng hành chính. Quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong tố tụng hành chính thực chất là xác định địa vị pháp lý của họ trong tố tụng hành chính, phải xuất phát từ đặc thù của tố tụng hành chính so với các thủ tục tố tụng hình sự, tố tụng dân sự… Có thể nói, đặc thù cơ bản nhất của tố tụng hành chính là tố tụng tiến hành chủ yếu ở Toà án,và kết quả của nó là một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước hoặc hành vi hành chính của nhân viên cơ quan nhà nước được phán xét có đúng pháp luật hay không. Một đặc điểm nữa của tố tụng hành chính cũng cần phải thấy là, trước khi vụ kiện hành chính được đưa ra Toà án hành chính, nó đã được giải quyết theo thủ tục khiếu nại hành chính nhưng đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại.
Từ đó, việc xác định phạm vi các quyền và nghĩa vụ của cá bên trong tố tụng hành chính phải được đáp ứng hai yêu cầu sau đây:
– Bảo đảm để đương sự có điều kiện bảo vệ quyền mà học cho là bị xâm hại.
– Bảo đảm để tố tụng được tiến hành nhanh chóng, có hiệu lực và hiệu quả.
1. Về quyền và nghĩa vụ của bên bị kiện:
Trước hết cần khẳng định một số diểm có tính nguyên tắc là côn dân, tổ chức bị thiệt hại do quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của nhân viên nhà nưúơc gây ra có quyền phát đơn kiện trước Toà án hành chính. Có khẳng định đây là một quyền chính yếu của bên bị hại (bên kiện) thì mới quy định được nghĩa vụ thụ lý đơn kiện để giải quyết, thì bên bị hại có quyền được thừa nhận là bên kiện trong vụ kiện hành chính. Việc này làm phát sinh nghĩa vụ của Toà án phải ra quyết định về việc cá nhân hoặc tổ chức có đơn kiệnlà bên kiện trong vụ án hành chính. Chỉ có cá nhân hoặc tổ chức được Toà án thừa nhận là bên kiện trong vụ kiện hành chính mới có các quyền do pháp luật về tố tụng hành chính quy định.
Bên kiện có quyền được tham gia phiên toà xét xử. Việc khẳng định quyền tham gia phiên toà xét xử vụ kiện hành chính của bên kiện đòi hỏi phải quy định nghĩa vụ của Toà án bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền này như phải triệu tập, thông báo nội dung và quyết định vụ kiện ra xét xử cũng như phải cân nhắc việc có hoãn phiên toà hay không trong trường hợp đương sự vắng mặt có lý do chính đáng….
Bên kiện có quyền yêu cầu thay đổi Thẩm phán, thư ký phiên toà và một số người khác như giám định viên, người phiên dịch nếu có căn cứ do luật định. Để bảo về quyền lợi của mình bị xâm hại, bên kiện có quyền đưa ra chứng cứ, trình bày lý lẽ và tranh luận với bên bị kiện, và trong một số trường hợp có quyền yêu cầu Toà án áp dụng những biện phá khẩn cấp tạm thời.
Một vấn đề đặt ra là công dân ở độ tuổi bao nhiêu thì có quyền tự mình tham gia tố tụng hành chính. Về vấn đề này có quan điểm cho rằng công dân phải đủ 18 tuổi mới có quyền tự mình tham gia tố tụng hành chính, còn dưới tuổi đó (hay còn gọi là người chưa thành niên) thì phải có người đại diện hợp pháp thay mặt mình tham gia tố tụng. Chúng tôi cho rằng, việc giới hạn mức tuổi như vậy là không hợp lý, phần nào đã vi phạm quyền dân chủ của công dân, đặc biệt là quyền khiếu nại. Theo Bộ luật lao động thì công dân từ 15 tuổi đã có thể giao kết hợp đồng lao động. Nếu họ bị cơ quan sử dụng lao động xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp thì có quyền yêu cầu Toà án hành chính bảo vệ hay không? Theo chúng tôi, họ có toàn quyền như vậy mà không phải thông qua một người nào khác. Tất nhiên, do họ là người chưa thành niên nên họ có thể nhờ người đạidiện hợp pháp thay mặt mình tham gia tố tụng hành chính, nhưng không nhất thiết phải thông qua người đại diện hợp pháp mới được khởi kiện vụ kiện hành chính. Nói một cách khác, đây là vấn đề thuộc quyền lựa chọn của người chưa thành niên: Họ có thể tự mình hoặc nhờ người đại diện hợp pháp thay mình tham gia tố tụng hành chính. Trường hợp khác phổ biến hơn là việc khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì người từ 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hành chính đặc biệt là trong lứa tuổi từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng đã phải chịu trách nhiệm đối với mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Như vậy, nếu ở tuổi dưới 18 mà bịcơ quan nhà nước phạt hành chính thì có quyền yêu cầu Toà án hành chính xem xét tính hợp pháp của quyết định xử phạt hay không, hay nhất thiết phải thông qua người đại diện hợp pháp. Theo chúng tôi, họ có quyền tự mình khởi kiện vụ kiện hành chính trước Toà án hành chính.
Về nghĩa vụ của bên kiện, theo chúng tôi, bên kiện phải cung cấp các thông tin tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu của mình. Việc có mặt theo giấy triệu tập của Toà án có phải là nghĩa vụ của bên kiện không? Có ý kiến cho rằng đây là nghĩa vụ của bên kiện vì các bên trong tố tụng hành chính (không kể là bên kiện hay bên bị kiện) đều phải tuân theo yêu cầu của Toà án. Khi Toà án có giấy triệu tập, các bên có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy đó. Chúng tôi cho rằng, tham gia phiên toà là quyền của bên kiện, do đó việc phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án không phảilà nghĩa vụ của bên kiện mà chỉ là nghĩa vụ của bên bị kiện. Trong trường hợp bên kiện không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án thì Toà án có thể hoãn phiên toà nếu sự vắng mặt của bên kiện là có lý do chính đáng thì Toà án có thể quyết định đình chỉ vụ việc, tức là không giải quyết yêu cầu của bên kiện.
2. Về quyền và nghĩa vụ của bên bị kiện:
Bên bị kiện có những quyền của một bên tham gia tố tụng hành chính. Theo nghĩ thì quyền đầu tiên của bên bị kiện là quyền được biết mình bị kiện về việc gì và người kiện mình là ai. Có khẳng định quyền này của bên bị kiện thì mới quy định đưa vụ kiện ra xét xử và nội dung vụ kiện. Mặt khác, bên bị kiện có được biết mình bị kiện về việc gì và bao giờ Toà án mới xét xử thì họ mới có điều kiện chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ và lý lẽ chứng minh tính đúng đắn của quyết định hành chính của mình (thu thập tài liệu, chứng cứ, nhờ luật sư giúp đỡ).
Bên bị kiện có quyền xuất trình chứng cứ, đưa ra lý lẽ và tranh luận trước Toà để bác bỏ yêu cẩu của bên kiện, chứng minh tính hợp pháp của quyết định hoặc hành vi hành chính của mình.
Bên bị kiện có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Toà án, thực hiện các yêu cầu của Toà án như cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung vụ kiện.
Trong trường hợp bên bị kiện không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án có thể hoãn phiên toà nếu sự vắng mặt đó là có lý do chính đáng; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì tuỳ trường hợp, Toà án có thể xét xử vắng mặt hoặc ra lệnh bên bị kiện phải đến tham gia phiên toà. Có quy định như vậy mới hy vọng góp phần khắc phục tình trạng vi phạm quyền dân chủ của công dân. Bởi vì, bên bị kiện là cơ quan hành chính đòi ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính vi phạm quyền của công dân, nay Toà án yêu cầu đến Toà án để giải trình về tính hợp pháp của quyết định hoặc hành vi hành chính đó thì họ phải đến Toà, gây khó khăn cho Toà án giải quyết việc khôi phục quyền dân chủ của công dân.
KỸ NĂNG TRANH LUẬN CỦA LUẬT SƯ TẠI PHIÊN TÒA:
* Về những người tham gia tranh luận:
Trong quá trình tranh luận, thẩm phán là người trọng tài “cầm cân công lý” để phân xử giữa hai bên tham gia tranh luận, duy trì trật tự phiên tòa và quá trình tranh luận giữa hai bên, hướng quá trình tranh luận vào việc giải quyết các yêu cầu của các đương sự, các căn cứ thực tiễn và pháp lý của các yêu cầu đó cũng như các tình tiết khác nhau về quan hệ pháp luật dân sự mà từ đó phát sinh tranh chấp giữa các đương sự.
Về phạm vi tranh luận:
Khi tiến hành tranh luận thì vấn đề cơ bản là phải xác định chính xác nội dung những vấn đề các đương sự tranh luận tại phiên tòa hay nói cách khác là phải xác định phạm vi tranh luận.
Đương sự là người có nghĩa vụ phải trả lời các yêu cầu tự nhận thấy yêu cầu, các chứng cứ mà đương sự phía bên kia đưa ra là hoàn toàn đúng đắn, có cơ sở và họ thừa nhận những chứng cứ, những yêu cầu đó. Việc thừa nhận này sẽ giải phóng cho đương sự phía bên kia khỏi nghĩa vụ chứng minh. Tuy nhiên có những yêu cầu mà các bên hoặc một bên đương sự không chấp nhận và những thông tin, tài liệu mà các bên không đồng ý là chứng cứ hoặc một bên không đồng ý là chứng cứ. Khi phiên tòa diễn ra, sau khi các đương sự trình bày xong các yêu cầu, đề nghị và đã xuất trình đầy đủ chứng cứ thì phiên tòa chỉ tập trung vào những vấn đề các bên hoặc một bên từ chối không công nhận, còn những vấn đề các bên không từ chối thì coi như là đã được giải quyết và những chứng cứ nào các bên đã thừa nhận thì cũng không tranh luận nữa.
Về cơ sở của việc tranh luận:
Trong tố tụng Hành chính đương sự có trách nhiệm chứng minh, có trách nhiệm làm sáng tỏ vấn đề, chứng tỏ cho tòa án và những người tham gia tố tụng khác thấy được sự đúng đắn trong yêu cầu, phẩn yêu cầu của mình, đồng thời chứng minh rằng đương sự phía bên kia phải có nghĩa vụ đối với yêu cầu của mình. Để thực hiện trách nhiệm chứng minh các đương sự phải tìm kiếm, thu thập mọi chứng cứ cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình như chứng cứ viết, đề xuất để tòa án triệu tập những người làm chứng cần thiết, các vật chứng… và cung cấp các chứng cứ đó cho tòa án và thông báo cho bên kia biết những chứng cứ đó. Đồng thời với việc xuất trình các chứng cứ cho tòa án thì các đương sự phải được tranh luận về chứng cứ, khẳng định giá trị chứng minh của chứng cứ mà mình xuất trình trước hội đồng xét xử, trình bày quan điểm, lập luận của mình về các tình tiết của vụ án, về kết luận giám định, đưa ra các căn cứ pháp lý, lý lẽ để chứng minh rằng yêu cầu của mình hoặc để phản đối yêu cầu của đối phương là có căn cứ, hợp pháp. Với việc tranh luận này của các đương sự, hội đồng xét xử sẽ nhận thức được một cách toàn diện các vấn đề của vụ án từ các yêu cầu của đương sự, quan hệ pháp luật dân sự giữa các đương sự cần giải quyết, chứng cứ, tài liệu được sử dụng để giải quyết vụ án, pháp luật áp dụng cần giải quyết vụ án, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đương sự trong vụ án theo quy định của pháp luật.
Kỹ năng trong tranh luận tại phiên toà Hành chính sơ thẩm:
Trong khi tham gia tranh luận tại phiên tòa hành chính, Luật sư cần chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ, luận cứ bào chữa, chuẩn bị nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để tham gia phiên tòa.
Luật sư cần đưa ra các chứng cứ chính xác, sát thực, có lợi cho thân chủ của mình. Các chứng cứ này được thu thập trên cơ sở phù hợp với pháp luật.
Với các luận điểm của mình để đối đáp lại quan điểm của Luật sư bên đối kiện, của Viện Kiểm sát cần rõ ràng, chính xác, lời lẽ dứt khoát, mạch lạc.
Khi đưa ra các quan điểm của mình cần trên cơ sở các căn cứ thực tế, căn cứ pháp luật phù hợp.
Kỹ năng tranh tụng của luật sư trong giai đoạn tham gia phiên toà là kết quả của kỹ năng tranh tụng được chuẩn bị chu đáo từ giai đoạn trước. Có thể nói, không có quá nhiều vấn đề về kỹ năng tranh tụng của luật sư cần bàn đến trong giai đoạn này bởi vì chủ yếu luật sư phải giải quyết tốt công việc của mình theo một trình tự tố tụng tại Toà án được pháp luật quy định.
Vấn đề hoãn phiên toà. Chúng tôi cho rằng kỹ năng tranh tụng của luật sư giỏi không nằm ở việc có thể tìm biện pháp để đưa ra nhiều lý do vắng mặt của đương sự, của luật sư….để xin hoãn phiên toà, vì sớm muộn thì phiên toà vẫn được tiến hành theo quy định pháp luật và quyền lợi của thân chủ mình vẫn được thể hiện bằng việc tuyên án của Toà án. Vấn đề hoãn phiên toà sẽ gây tốn kém thời gian, vật chất, công sức cho rất nhiều chủ thể trong đó có luật sư chúng ta. Do vậy, chúng tôi muốn các luật sư trẻ ý thức hơn về vấn đề này để phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng làm sao cho phiên toà sớm được tiến hành, không phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Đây là trách nhiệm của luật sư chúng ta và trong bối cảnh đổi mới của đất nước hôm nay, mong rằng vấn đề này sẽ được giới luật sư chúng ta ghi nhận khi thực hiện kỹ năng tranh tụng của mình trong giai đoạn tham gia phiên toà.
Vấn đề tranh luận tại phiên toà. Như đã đề cập trên đây về vấn đề phải loại bỏ tư duy sai lầm của luật sư về vấn đề “án tại hồ sơ” khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nay xin trở lại với vấn đề đó bởi giữa việc nghiên cứu và đánh giá chứng cứ trong hồ sơ với kỹ năng tranh luận tại phiên toà có mối liên hệ rất mật thiết. Nói như vậy không có nghĩa coi việc nghiên cứu quy định pháp luật, nghiên cứu hồ sơ vụ án là phụ mà chúng tôi chỉ muốn đề cập tới vấn đề làm sao để các luật sư đừng quá lệ thuộc vào hồ sơ vụ án, không chuẩn bị tốt cho mình kỹ năng phần tranh luận công khai tại phiên toà. Xu hướng tranh tụng gần đây và đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO buộc chúng ta phải tuân thủ các cam kết quốc tế và pháp luật quốc tế, chắc chắn vấn đề tranh tụng công khai tại phiên toà sẽ là con đường xác định sự công bằng, lẽ phải để tuyên án. Do vậy, các luật sư trẻ cần phải tích cực tham gia, tham dự các phiên toà nhiều hơn để đúc kết kinh nghiệm cho mình; đồng thời ngoài việc lập sẵn cho mình kế hoạch xét hỏi, cần biết dự đoán các vấn đề cần tranh tụng công khai tại phiên toà trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ kết hợp với quan điểm bào chữa/bảo vệ của luật sư. Để làm được điều này, các luật sư trẻ cần phải giành thời gian để tự hùng biện quan điểm bào chữa hay bảo vệ của mình đối với yêu cầu của thân chủ. Kỹ năng nói, tốc độ nói, giọng nói, phong thái, tư thế đi lại tại phiên toà là những vấn đề bắt buộc luật sư phải quan tâm và xử lý tốt mới giúp luật sư tự tin. Xu hướng hiên nay, các luật sư phải đặc biệt quan tâm nhiều hơn kỹ năng của mình đối với phần tranh luận công khai tại phiên toà. Do vậy bài bào chữa hay bản luận cứ nên để dưới dạng “mở” có thể thay đổi linh hoạt cho phù hợp với diễn biến phiên toà chứ không nên theo cách chuẩn bị cổ điển “đóng” bằng cách viết sẵn để đọc và trình bày trước Hội đồng xét xử. Luật sư của các nước theo pháp luật Common Law mặc dù chịu sự điều chỉnh rất lớn của các “án lệ” trước đó, nhưng không vì thế mà họ không thể hiện tốt kỹ năng tranh luận để bảo vệ tối đa cho thân chủ mình, trái lại tại các phần tranh luận luật sư luôn là người chủ động, điều khiển phần tranh luận theo đúng mục tiêu cần đạt tới của mình. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với việc thuyết phục Hội đồng xét xử tuyên một bản án có lợi cho thân chủ mình hơn là việc ngồi để hoàn chỉnh Bài bào chữa/Bài bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Về Bài luận cứ bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Xã hội hôm nay là xã hội pháp quyền, do vậy pháp luật vẫn là mục tiêu tối thượng buộc các chủ thể tố tụng phải hướng tới và tuân thủ. Xu hướng trình bày luận cứ bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ hiện nay nên được luật sư trình bày đơn giản, ngắn gọn, mạch lạc dựa trên các căn cứ pháp luật, chứng cứ của hồ sơ vụ án, các tình tiết mới cũng như kết quả tranh luận tại phiên toà. Do vậy luật sư không nên đề cập qua nhiều tới phạm trù đạo đức, tình cảm con người để lấy đó làm lý lẽ gỡ tội hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình. Luật sư vẫn quan tâm tới việc chia xẻ với khách hàng nhưng không thể coi đó là cơ sở lập luận gỡ tội hay bảo vệ khách hàng. Để làm được điều này đòi hỏi các luật sư phải ý thức được vấn đề quyết định để gỡ tội hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình là các cơ sở pháp lý chứ không tranh tụng theo hướng “tình cảm” con người.
Cuối cùng, về văn phong diễn đạt của luật sư trình bày tại phiên toà. Đây cũng là một vấn đề tuy nhỏ những khá ảnh hưởng tới uy tín tranh tụng của luật sư. Nhà văn Ciceron khi biên tập cuốn sách “những bài viết hay nhất” được Nhà xuất bản xã hội tại Paris, Pháp xuất bản năm 1925 có đưa ra các yêu cầu về văn phong là 05 tiêu chuẩn: trong sáng, ngắn gọn, phù hợp, rõ ràng và dễ chấp nhận. Văn phong pháp lý của luật sư chúng ta trước tiên phải đảm bảo các yêu cầu chung đó bên cạnh các yêu cầu đặc thù của nghề luật như không dùng câu từ trìu tượng, không dùng ngôn ngữ đời thường hay dung văn phong cảm thán, khoa trương.
KẾT LUẬN:
Nghiên cứu về kỹ năng tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa Hành chính sơ thẩm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia bảo vệ quyền lợi cho đương sự của mình. Thấy được các bước, quá trình tranh tụng khi đối đáp với Viện Kiểm sát, Luật sư bên đối tụng để chủ động được bảo vệ quyền lợi của thân chủ mình.
Quá trình tranh tụng tại phiên tòa áp dụng rất nhiều các kỹ năng của Luật sư. Luật sư cần kết hợp và chuẩn bị kỹ để đảm bảo tranh tụng tốt bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho thân chủ của mình.
Sưu tầm