Một trong những bất cập sau 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) là nhiều quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức còn chung chung dẫn đến khó thực hiện, nhất là việc công khai trong mua sắm công, xây dựng cơ bản… những lĩnh vực mà được coi là “mảnh đất dễ phát sinh tham nhũng”.
Biếm họa Internet |
Lĩnh vực “nhạy cảm”… chưa buộc phải công khai
Hiện nay, Luật PCTN đã có những quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị. Sau 5 năm thực hiện Luật, các quy định này dần từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nhất định trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và kiềm chế tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước.
Kết quả ban đầu như vậy, tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, Luật quy định còn chung chung, khó thực hiện; có lĩnh vực còn chưa quy định về công khai, minh bạch, nhất là công khai, minh bạch trong mua sắm công, xây dựng cơ bản, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các khoản thu từ thuế, các khoản thu từ việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân, thực hiện chính sách dân tộc… Đây là những lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng lớn về mặt chính trị, xã hội và cũng là những lĩnh vực dễ gây thất thoát, lãng phí cần phải được công khai, minh bạch hóa để phòng ngừa tham nhũng.
Thêm vào đó, có tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung công khai, minh bạch, điển hình trong việc xác định giá, đấu giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và công khai báo cáo tài chính trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước; công khai việc giải phóng mặt bằng, giá bồi thường khi thu hồi đất; công khai công tác cán bộ; công khai hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết luận thanh tra… Những điều này đã ảnh hưởng đến kết quả công tác đấu tranh PCTN trong giai đoạn hiện nay.
Cần khắc phục tính hình thức trong công khai
Ngoài các lĩnh vực được quy định trong Luật PCTN hiện hành, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã bổ sung thêm một số lĩnh vực cần phải công khai Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc bổ sung này là cần thiết. Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban này cho thấy, quá trình thực hiện quy định về công khai trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là ở các địa phương còn lúng túng, một số nơi còn hình thức và còn bỏ sót rất nhiều nội dung cần phải được công khai.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là là Luật chưa quy định rõ hoạt động nào cần phải công khai, thời gian công khai, công tác thanh kiểm tra cũng như xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị không công khai hoặc công khai không đúng… Do đó, cùng với việc mở rộng các lĩnh vực, hoạt động cần công khai như đề nghị thì cần bổ sung những nội dung này.
Bên cạnh đó, dự án Luật cũng quy định 7 hình thức công khai nhưng lại vẫn giữ quy định giao quyền lựa chọn hình thức công khai cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy người đứng đầu thường chọn hình thức công khai dễ nhất là tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kể cả những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và do đó chưa khắc phục được tính hình thức, hiệu quả thấp trong hoạt động này.
Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị đối với một số lĩnh vực hoạt động, nhất là các nội dung liên quan tới quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp phải có hình thức công khai bắt buộc, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người đứng đầu.
Năm 2012, công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục được đẩy mạnh: có 8.634 tổ chức, đơn vị được kiểm tra, phát hiện 125 tổ chức, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch hoạt động.
(Nguồn: Báo cáo về công tác PCTN năm 2012 của Chính phủ) |
Hà Anh
Nguồn: http://phapluatvn.vn