Công ty luật – Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC bổ sung Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP

4
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 02/2010/NQ-HĐTP Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2010

NGHỊ QUYẾT

BỔ SUNG MỘT SỐ HƯỚNG DẪN CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 01/2007/NQ-HĐTP NGÀY 02-10-2007 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 02/2007/NQ-HĐTP NGÀY 02-10-2007 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện tr­ưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Điều 1. Bổ sung Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt

1. Bổ sung hướng dẫn về mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù tại điểm b tiểu mục 3.2 mục 3 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao như sau:

b) Người bị kết án phạt tù từ 30 năm trở xuống thì mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến ba năm. Trường hợp được giảm ba năm phải là người bị kết án phạt tù có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, cải tạo và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế giam giữ.

Trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù, có đủ các điều kiện được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và phần hình phạt tù còn lại mà họ phải chấp hành là dưới 3 tháng thì mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù có thể bằng thời hạn tù còn lại nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai hình phạt đã tuyên theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 58 của Bộ luật hình sự.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn A bị kết án 5 năm tù, A đã chấp hành được 4 năm 10 tháng tù và có đủ các điều kiện để được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP. Trong trường hợp này, A có thể được giảm phần hình phạt tù còn lại (2 tháng).

Ví dụ 2: Trần Văn T bị kết án 3 tháng tù, T đã chấp hành được một phần ba hình phạt (1 tháng tù) và có đủ các điều kiện khác để được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP. Trong trường hợp này, T chỉ có thể được giảm đến 1 tháng 15 ngày tù vì theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Bộ luật hình sự thì T phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên (tức là 1 tháng 15 ngày tù).

2. Bổ sung mục 1a hướng dẫn về tổng hợp hình phạt tù chung thân hoặc tử hình mà bị cáo đã bị kết án bởi một bản án khác đã có hiệu lực pháp luật vào Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao như sau:

Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Toà án nhân dân cấp tỉnh để Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh.

Điều 2. Bổ sung Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ năm “Thi hành bản án và quyết định của Toà án” của Bộ luật tố tụng hình sự

1. Bổ sung mục 10 phần IV Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về quyết định của Hội đồng xét miễn, giảm như sau:

10. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét miễn, giảm có quyền:

a) Chấp nhận toàn bộ đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn thời gian thử thách của án treo;

b) Chấp nhận một phần đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn thời gian thử thách của án treo;

c) Không chấp nhận đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn thời gian thử thách của án treo;

d) Đối với người được đề nghị xét giảm, nếu sau khi được chấp nhận toàn bộ đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với họ, mà thời hạn chấp hành hình phạt còn lại không quá 1 tháng thì Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm toàn bộ phần hình phạt còn lại.

2. Bổ sung mục 13 Phần IV Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về hiệu lực thi hành của quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn thời gian thử thách của án treo như sau:

13. Quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn thời gian thử thách của án treo có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên là mười lăm ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định. Quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn thời gian thử thách của án treo có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian được giảm bằng với thời hạn tù còn lại mà họ phải chấp hành thì quyết định của Toà án về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù được thi hành ngay, mặc dù quyết định đó có thể bị Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

3. Bổ sung mục 3a hướng dẫn về thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ vào Phần III Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao như sau:

Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ phải được tuyên trong phần quyết định của bản án.

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị xử phạt 1 năm cải tạo không giam giữ về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật hình sự. Đối với trường hợp này, trong phần quyết định của bản án cần ghi rõ: “… xử phạt Nguyễn Văn A 1 năm cải tạo không giam giữ về tội Trộm cắp tài sản; thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án”.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 23 tháng 9 năm 2010 và có hiệu lực thi hành sau bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày ký ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN

Trương Hoà Bình