Ngày 28/9/2007, Bộ Khoa học và Công nghệ ký Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ban hành Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy. Quy định này quy định về hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy.
Chứng nhận hợp chuẩn là hoạt động tự nguyện đối với mọi tổ chức, cá nhân; Chứng nhận hợp quy là hoạt động bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình yêu cầu quản lý về môi trường là đối tượng áp dụng của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
1. Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận hợp chuẩn và hợp quy:
– Tổ chức chứng nhận hợp chuẩn phải có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động chứng nhận hợp chuẩn đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế cho mỗi loại hình tương ứng sau đây: TCVN 7457:2004 hoặc ISO/IEC Guide 65:1996 và các hướng dẫn liên quan của Diễn đàn Công nhận Quốc tế (IAF – International Accreditation Forum) đối với hoạt động chứng nhận sản phẩm, hàng hóa; TCVN 5956:1995 hoặc ISO/IEC 17021:2006 và các hướng dẫn liên quan của Diễn đàn Công nhận Quốc tế (IAF) đối với hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; TCVN 7458:2004 hoặc ISO/IEC 17021:2006 và các hướng dẫn liên quan của Diễn đàn Công nhận Quốc tế (IAF) đối với hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý môi trường.
Trong trường hợp các tiêu chuẩn, hướng dẫn quy định tại Điều này có sự sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo văn bản đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
– Tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng các yêu cầu quy định nêu trên có nhu cầu thực hiện chứng nhận hợp chuẩn phải lập hồ sơ đăng ký hoạt động chứng nhận hợp chuẩn và gửi về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
2. Hồ sơ đăng ký hoạt động chứng nhận hợp chuẩn gồm:
– Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận hợp chuẩn theo mẫu quy định;
– Bản sao Quyết định thành lập (nếu có), Giấy đăng ký kinh doanh;
– Các tài liệu chứng minh năng lực hoạt động chứng nhận hợp chuẩn phù hợp với các yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận hợp chuẩn;
– Mẫu Giấy chứng nhận hợp chuẩn và Dấu chứng nhận hợp chuẩn;
– Kết quả hoạt động chứng nhận hợp chuẩn đã thực hiện trong lĩnh vực đăng ký (nếu có).
* Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành xem xét hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận hợp chuẩn theo mẫu quy định cho tổ chức chứng nhận hợp chuẩn nếu tổ chức đăng ký chứng nhận hợp chuẩn đáp ứng các yêu cầu quy định; Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký hoạt động chứng nhận hợp chuẩn và nêu rõ lý do.
Tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoạt động chứng nhận hợp chuẩn khi có nhu cầu thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động chứng nhận hợp chuẩn phải thực hiện việc đăng ký thay đổi, bổ sung theo quy định. Giấy đề nghị thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động chứng nhận hợp chuẩn theo mẫu quy định. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành xem xét hồ sơ và đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận hợp chuẩn theo mẫu quy định cho tổ chức chứng nhận hợp chuẩn và thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.
3. Đối tượng và căn cứ chứng nhận hợp quy: Đối tượng của hoạt động chứng nhận hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương tương ứng; Căn cứ để chứng nhận hợp quy được quy định cụ thể trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương tương ứng.
4. Trình tự, thủ tục đăng ký và chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy:
a) Tổ chức chứng nhận sự phù hợp có nhu cầu tham gia hoạt động chứng nhận hợp quy trong lĩnh vực cụ thể phải lập hồ sơ đăng ký và gửi về cơ quan tương ứng sau đây:
– Cơ quan đầu mối quản lý lĩnh vực chuyên ngành do Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ định.
– Cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.
b) Hồ sơ đăng ký gồm:
– Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận hợp quy theo mẫu quy định;
– Bản sao Quyết định thành lập (nếu có), Giấy đăng ký kinh doanh;
– Các tài liệu chứng minh năng lực hoạt động chứng nhận phù hợp với các yêu cầu quy định;
– Mẫu Giấy chứng nhận hợp quy;
– Kết quả hoạt động chứng nhận hợp chuẩn đã thực hiện trong lĩnh vực đăng ký (nếu có).
* Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét hồ sơ và ra quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy theo mẫu quy định nếu tổ chức đăng ký chứng nhận hợp quy đáp ứng các yêu cầu quy định. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký hoạt động chứng nhận hợp quy và nêu rõ lý do.
Tổ chức chứng nhận đã được chỉ định thực hiện hoạt động chứng nhận hợp quy khi có nhu cầu thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động chứng nhận hợp quy phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung theo quy định; Giấy đề nghị thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động chứng nhận hợp quy theo mẫu quy định. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xem xét hồ sơ và ra quyết định về việc thay đổi bổ sung lĩnh vực, đối tượng chứng nhận hợp quy theo mẫu quy định.
5. Chi phí chứng nhận:
Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy trả chi phí cho việc chứng nhận theo thỏa thuận với tổ chức chứng nhận. Chi phí đánh giá chứng nhận, thử nghiệm phải được thông báo công khai, minh bạch và bảo đảm không phân biệt./.
Thanh Thủy