Thủ tục mất thời gian, tốn công đi lại, hướng dẫn không rõ ràng khiến doanh nghiệp gặp khó.
Sự kiện đối thoại giữa Bộ Tài chính với doanh nghiệp (DN) phía Nam các vướng mắc về thuế, hải quan đã thành thông lệ hằng năm. Thế nhưng nhiều năm qua, DN vẫn không ngớt bị vướng mắc!
Chờ tàu 36 giờ, chờ giấy phép 72 giờ
Có mặt tại buổi đối thoại ngày 4-10, đại diện Công ty Nhựa và Hóa chất Phú Mỹ nêu ý kiến cần xem lại thủ tục xin giấy xác nhận khai báo hóa chất khi nhập khẩu, có giấy này DN mới được làm thủ tục hải quan. Hóa chất dạng lỏng được Công ty Phú Mỹ nhập từ Malaysia về Việt Nam bằng tàu, chỉ mất 36 giờ. Khi tàu đến, công ty bơm hóa chất lên, sau đó xuất hóa đơn rồi cầm hóa đơn đi xin cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất. Thế nhưng Phú Mỹ phải chờ đến ba ngày sau mới được cấp giấy này.
Trả lời DN, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng quy định này của Bộ Công Thương về lĩnh vực hóa chất chưa phù hợp với thực tế nhập khẩu. Do đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, trao đổi cùng các bộ, ngành liên quan để cải tiến quy trình cấp phép, xem thử có cấp qua mạng điện tử, giải quyết trực tuyến ngay để rút ngắn thời gian được không, hay là chuyển sang cấp tự động, cấp trước, kiểm tra sau để thuận tiện cho DN. “Quy định hiện hành vừa khó cho DN lẫn hải quan. Hải quan cũng đâu muốn lưu những hàng dễ cháy, nổ ở lại cảng tới 3-4 ngày”.
Thủ tục mỗi nơi một kiểu
Ở trường hợp khác, một DN xuất khẩu thủy sản cho biết họ phải đến cơ quan hải quan xin duyệt định mức sản xuất hàng thủy sản, sau khi được duyệt thì về DN làm tờ khai, rồi quay lại hải quan nộp tờ khai. Quy trình này rất mất thời gian.
Tuy nhiên, khi nghe phản ánh này, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết việc khai báo định mức được thực hiện dưới dạng thông báo điện tử, DN không cần mang đến tận cơ quan hải quan, cũng không phải chờ cơ quan hải quan “duyệt”. “Tôi sẽ kiểm tra lại xem đơn vị nào làm sai quy trình”.
Trong khi đó, Công ty Takako Việt Nam lúng túng vì không được hướng dẫn thủ tục đến nơi đến chốn. Takako từng mua một thiết bị trị giá 300.000 USD, mới dùng ba năm đã muốn thanh lý. Công ty này gõ cửa nhiều cơ quan quản lý hỏi thủ tục, nơi bảo rằng không được bán, nơi lại bảo được. Theo đại diện Tổng cục Hải quan, DN trong khu chế xuất muốn thanh lý tài sản thì trên nguyên tắc được hiểu là nhập khẩu vào thị trường nội địa. Tùy từng mặt hàng mà có quy định riêng cho mặt hàng đó.
Chuyện đơn giản, hỏi năm tháng không trả lời
Cũng tại hội nghị, đại diện HDBank cho biết đã gửi công văn xin ý kiến về vấn đề xuất hóa đơn hay xuất phiếu thu lãi nhưng 4-5 tháng qua chưa được Bộ Tài chính trả lời. Việc thu lãi vay là hoạt động phát sinh hằng ngày với lượng lớn, có cả hoạt động thu lãi tự động, vì vậy ngân hàng thường xuất phiếu thu lãi. Trong khi đó, quy định của Bộ Tài chính là phải xuất hóa đơn. Việc xuất hóa đơn lại rất phức tạp, tốn giấy tờ và mất sức lưu trữ. Do đó HDBank đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cho phép chỉ xuất phiếu thu để thuận lợi cho hoạt động của DN.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định chỉ cần xuất phiếu thu, không cần hóa đơn.
Bên cạnh đó, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Bộ Tài chính xem lại quy định về khấu hao tài sản. Công ty này có hàng trăm loại công cụ, dụng cụ dùng trong nhiều năm nên muốn chia chi phí mua sắm ra nhiều năm. Mặt khác, công ty phải dùng phần mềm quản lý được áp dụng cho toàn bộ tập đoàn. Thế nhưng Bộ Tài chính quy định chỉ được tính trong vòng hai năm đầu khi mới mua sắm. Sự chênh nhau giữa quy định của Bộ Tài chính và cách tính toán của tập đoàn đã gây khó cho công ty.
Đại diện Bộ Tài chính nói có thể có văn bản cho công ty được tính chi phí công cụ, dụng cụ trong nhiều năm, tuy nhiên công ty phải không đang trong diện ưu đãi về thuế.
Sẽ tính thủ tục bảo lãnh thuận tiện cho DN
Nhiều DN phản ánh khó khăn về việc phải nộp tiền bảo lãnh khi nhập khẩu hàng. Hiện nay có phương án không tính tiền phạt chậm nộp thuế, xem như tháo gỡ một phần khó khăn cho DN trong vấn đề bảo lãnh thuế. Các ngân hàng cũng đang xem xét thủ tục bảo lãnh này. Bộ Tài chính đã tính toán thử, ví dụ một lô hàng có thuế 300 triệu đồng thì phí bảo lãnh cho chín tháng chỉ 2,2 triệu đồng hoặc 4,4 triệu đồng. Khoản phí này DN phải chịu nhưng không cao lắm! Bộ sẽ tiếp tục tìm cách thuận lợi nhất cho DN khi làm thủ tục bảo lãnh. Ông ĐỖ HOÀNG ANH TUẤN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bí thủ tục nhập… tóc thật Một DN làm tóc giả xuất khẩu có nhu cầu nhập khẩu tóc thật về để sản xuất ra tóc giả. DN này băn khoăn không rõ thủ tục nhập khẩu ra sao, có cần kiểm dịch hay không, đã hỏi cơ quan hải quan địa phương mà chưa được hướng dẫn. Tổng cục Hải quan cũng chỉ ghi nhận và sẽ trao đổi với các bộ, ngành liên quan vì hiện chưa có quy định, hướng dẫn nào về việc nhập tóc thật. |
QUỲNH NHƯ
Theo: http://phapluattp.vn