“Thời điểm 1/7 bắt đầu phạt xe không chính chủ là phi thực tế,ép dân vì các quy định hiện nay về sang tên, đổi chủ, trước bạ chưa được chỉnh sửa”,ông Nguyễn Mạnh Hùng,Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam chia sẻ.
– Dù dư luận phản đối nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn dự kiến ngày 1/7 sẽ áp dụng Nghị định sửa đổi này. Là đại diện của Hiệp hội Vận tải ôtô, ông đánh giá thế nào về việc thời điểm này?
– Áp dụng Nghị định từ 1/7 là phi thực tế vì Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an sửa đổi Thông tư 36 để tạo điều kiện cho người dân đi sang tên đổi chủ, song hiện cơ quan này vẫn chưa ban hành. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu giảm phí trước bạ cho ôtô khi sang tên đổi chủ, song Bộ Tài chính chưa chỉnh sửa.
Về phí bảo trì đường bộ, HĐND các tỉnh, thành phố chưa quyết định mức phí phải nộp với xe máy. Do vậy, tôi nghĩ đến thời điểm 1/7, hàng triệu ôtô, xe máy trên cả nước chưa thể hoàn tất việc sang tên đổi chủ và nộp phí bảo trì đường bộ. Nếu xử phạt từ thời điểm này sẽ là ép dân, sẽ gây phản ứng trong nhân dân.
Việc sang tên đổi chủ hàng triệu phương tiện trong cả nước hoàn thành nhanh cũng phải mất vài năm, có rất nhiều trường hợp như chủ cũ chết, ra nước ngoài… rất phức tạp để chuyển tên. Theo tôi, cần có thời gian dài đủ để người dân hoàn tất việc chuyển tên thì mới nên bắt đầu việc phạt.
– Ông nghĩ sao về mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng với chủ xe máy và từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với cá nhân chủ xe ôtô không sang tên hoặc không nộp phí bảo trì?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: “Chưa có tài liệu nào chính thức thống kê được số xe không chính chủ, song theo điều tra xã hội học của Ủy ban, con số này không nhỏ, thậm chí lên tới 40%. Có những phương tiện đã qua hàng chục đời chủ mà không biết người chủ đầu tiên là ai, thậm chí chủ trước đã chết. Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý”. |
– Tôi cho rằng hợp lý vì mức phạt này thấp hơn so với mức cũ ở Nghị định 71. Song, quan trọng hơn là phải bổ sung mức phạt như quy định người chủ xe phải đi sang tên đổi chủ hoặc truy thu lại mức phí bảo trì mà chủ xe chưa nộp.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt vi phạm hành chính quá thấp nên người dân không chấp hành. Song, tôi cho rằng, mức phạt phụ thuộc vào thu nhập của người dân, nếu phạt cao quá thì người vi phạm sẽ tiêu cực với cảnh sát hoặc có cách tiêu cực nào đó để bù lại số tiền đã bỏ ra. Quan trọng là cảnh sát giao thông phải xử phạt nghiêm minh, công khai, không tiêu cực thì sẽ có sức răn đe.
– Nhiều ý kiến cho rằng không nên giao cảnh sát xử phạt người phạt xe không chính chủ vì lực lượng này sẽ quá tải. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
– Tôi cho rằng, không nên giao cho cảnh sát giao thông phạt xe không chính chủ vì ngành công an đã quá tải xử phạt các hành vi vi phạm trong giao thông nên việc phạt hành vi xe không sang tên đổi chủ, không nộp phí bảo trì đường bộ phải giao cho các cơ quan khác. Ví dụ, cơ quan đăng kiểm phát hiện ôtô không nộp phí bảo trì thì không đăng kiểm hoặc báo cho cơ quan khác xử phạt. Các ngành khác cũng phải giải quyết việc này chứ không phải mọi việc xử phạt dồn vào ngành công an.
Dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:
– Phạt tiền 100.000 – 200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe môtô, xe gắn máy; 200.000 – 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy; Phạt tiền 2 – 4 triệu đồng đối với cá nhân là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô, từ 4 – 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô vi phạm một trong các hành vi sau đây: Không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện; Không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải mua hoặc nộp phí theo quy định. |
(vnexpress.net)