Hướng dẫn cách đặt tên cho doanh nghiệp |
(Quy định tại Điều 31, 32, 33, 34 Luật Doanh nghiệp; Điều 13,14,15,16
Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp) TÊN DOANH NGHIỆP là hình ảnh, đồng thời là tài sản tạo nên thương hiệu công ty, giúp đối tác có thể tìm kiếm dễ dàng và chính xác, thúc đẩy công việc kinh doanh phát triển, do đó, bạn cần chú ý khi đặt tên tránh sai phạm, nhầm lẫn, và tranh chấp phát sinh về sau. Trước khi quyết định đặt tên nào đó cho doanh nghiệp, cần kiểm tra tên doanh nghiệp dự kiến có trùng hoặc dễ gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký. Quy tắc đặt tên: Tên doanh nghiệp bằng tiếng việt: + TÊN DOANH NGHIỆP phải viết được bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố: loại hình doanh nghiệp và tên riêng. TÊN DOANH NGHIỆP = “Loại hình doanh nghiệp” + “Tên riêng của doanh nghiệp” Ví dụ: Có thể đặt tên doanh nghiệp như sau: “Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Hoàng Anh”; “Công ty TNHH New Life 123” + Chỉ được sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề đó hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó. Ví dụ: Có thể đặt tên doanh nghiệp như sau: “Công ty cổ phần Du lịch lữ hành Quốc Thái” nếu doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh “Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh lữ hành du lịch”. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt: + Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài được dịch từ tên tiếng Việt tương ứng. Tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài. Ví dụ: “Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Hy Vọng” có thể sử dụng tên tiếng Anh là: “Hope Investment Consulting and Construction Designing Company Limited” hoặc “Hy Vong Investment Consulting and Construction Designing Company Limited” + Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài. Ví dụ: “Hope Investment Consulting and Construction Designing Company Limited” có thể viết tắt là “Hope Co.,Ltd ”. Hoặc “Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Hy Vọng”có thể viết tắt là “Công ty TNHH Hy Vọng”. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn 1. Tên trùng là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. 2. Các trường hợp sau đây được coi là gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác: a) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký; Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Linh và Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Lynh b) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”; ký hiệu “-” ; chữ “và”; Ví dụ: Công ty TNHH Thương mại AB và Công ty TNHH Thương mại A&B c) Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp khác đã đăng ký; d) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp khác đã đăng ký; đ) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi một hoặc một số số tự nhiên, số thứ tự hoặc một hoặc một số chữ cái tiếng Việt (A, B, C,…) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký; Ví dụ: Công ty TNHH Bình Minh và Công ty cổ phần Bình Minh 1 e) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước, hoặc “mới” ngay sau tên của doanh nghiệp đã đăng ký; Ví dụ: Công ty cổ phần Đầu tư Phương Đông và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phương Đông mới Hoặc Doanh nghiệp tư nhân Hoàn Cầu và Công ty TNHH Tân Hoàn Cầu g) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc các từ có ý nghĩa tương tự; trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký; Ví dụ: Công ty TNHH một thành viên Sản xuất Hoa Sen và Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Hoa Sen Miền Nam h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký. Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Xây dựng Ánh Dương và Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Ánh Dương |
*) Lưu ý:
1. “Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền quyết định chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng”
(Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP)
2. Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
Ví dụ: Không đặt tên như sau: ”Công ty TNHH Hội Cựu chiến binh Việt Nam” nếu chưa có sự chấp thuận của Hội Cựu chiến binh Việt Nam
3. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.
Ví dụ: Không đặt tên như sau: Công ty cổ phần Nguyễn Du
Nguồn: Webstie Sở kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh:
http://www.dpi.hochiminhcity.gov.vn/TinTuc/dkdn/lists/posts/post.aspx?CategoryId=4&ItemID=79&PublishedDate=2012-07-23T10:05:00Z