Khoản 2 Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; hoặc người chưa có gia đình mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Người vi phạm quy định nói trên, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng được áp dụng đối với người có hành vi “đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài hình thức phạt tiền trên, người vi phạm còn bị buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Đối với người bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi của người đó có dấu hiệu vi phạm hành chính; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là ba tháng kể từ ngày có quyết định đình chỉ.
Trong thời hạn trên nếu người vi phạm thực hiện vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt không được áp dụng. Thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm người vi phạm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
* Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự
Khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự quy định về tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng” như sau: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.
Theo quy định trên, người có hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 Bộ luật hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
– Chưa bị xử phạt hành chính nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định tại mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC thì người bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nếu trước đó người nào đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự nói trên nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi đó hoặc thực hiện một hành vi khác được quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự.
Thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) là một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng “gây hậu quả nghiêm trọng” là có thể làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát…
Ngoài ra, khoản 2 Điều 147 Bộ luật hình sự cũng quy định: “Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Theo hướng dẫn tại mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…
Trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương nơi vợ bạn và người đàn ông đó đang chung sống như vợ chồng can thiệp, xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng và chấm dứt việc sống đó.
Nếu việc vợ bạn và người đàn ông kia chung sống với nhau đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thuộc vào trường hợp đã “gây hậu quả nghiêm trọng” thì bạn có thể đề nghị cơ quan công an nơi vợ bạn và người đàn ông kia chung sống xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thạc sỹ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Hồng Hà