Sáng nay 15/4, giá vàng SJC tiếp tục giảm mạnh tới 800.000 đồng/lượng, xuống mức 41 triệu đồng/lượng sau khi nguồn cung tăng mạnh qua các phiên đấu thầu liên tiếp và xu hướng giảm mạnh của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch vẫn cao, lên đến 5,3 triệu đồng/lượng.
Mở cửa thị trường vàng trong nước phiên sáng nay 15/4, lúc gần 9h, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Công ty CP SJC Hà Nội giao dịch ở mức 41,2 triệu đồng/lượng (mua vào) – 41,85 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm mạnh mỗi chiều 700.000 đồng/lượng và 350.000 đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước.
Cũng tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC qua niêm yết giao dịch của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý ở mức 41,5 triệu đồng/lượng – 41,93 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 400.000 đồng/lượng và 220.000 đồng/lượng.
Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty VBĐQ Sài Gòn cũng giảm sâu mỗi chiều 600.000 đồng và 400.000 đồng/lượng, hiện giao dịch ở mức 41,3 triệu đồng/lượng – 41,8 triệu đồng/lượng.
Và đến gần 9h30 cùng ngày, giá vàng SJC tại hà Nội giảm tiếp xuống 41,1 triệu đồng/lượng – 41,7 triệu đồng/lượng, tức giảm 800.000 đồng/lượng và 500.000 đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần qua và vàng SJC tại TPHCM còn 41 triệu đồng/lượng – 41,6 triệu đồng/lượng.
Trải qua hai phiên giảm liên tiếp (phiên giao dịch cuối tuần trước và sáng nay), giá vàng miếng trong nước hiện còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 5,3 triệu đồng/lượng.
Theo đánh giá của Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý, yếu tố đầu tiên hỗ trợ sự giảm giá của vàng trong nước đến từ thị trường vàng quốc tế khi liên tục trong tuần qua, những thông tin kinh tế không hỗ trợ đà tăng của vàng khiến nhiều nhà đầu tư trên thế giới lo ngại dẫn đến sự bán tháo ồ ạt và làm mất đi vai trò phòng hộ an toàn của vàng. Ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, vàng trong nước vì vậy cũng không đứng ngoài xu hướng giảm giá này.
Tuy nhiên, tốc độ giảm giá của vàng “nội” còn khá “dè dặt”, điều này khiến cho khoảng cách giữa hai thị trường vàng vẫn tiếp tục được duy trì ở mức cao. Vào phiên giao dịch cuối tuần qua, khoảng cách chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và thế giới có thời điểm được duy trì trong khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Yếu tố quan trọng tiếp theo hỗ trợ đà giảm của vàng trong nước tuần qua chính là 3 phiên đấu thầu vàng miếng diễn ra giữa Ngân hàng Nhà và các doanh nghiệp/tổ chức tín dụng. Trong 3 ngày 9/4 – 10/4 và 12/4, với việc đưa ra mức giá sàn thấp hơn giá niêm yết của các doanh nghiệp tại cùng thời điểm, đã có tổng cộng 104.800/118.000 lượng vàng được các đơn vị tham gia đấu thầu mua vào.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước thì việc này về cơ bản sẽ tăng cung vàng miếng, góp phần cân bằng cung – cầu trên thị trường và từng bước giúp ổn định thị trường vàng.
Trên thị trường thế giới, lúc 8h45 sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com giao dịch ở mức 1.482,8 USD/ounce, với biên độ tăng gần 6 USD.
Còn chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng giao ngay giảm 84 USD so với phiên trước đó, xuống mức 1.477 USD/ounce. Thị trường vàng thế giới tuần qua giảm hơn giảm 6,6%, đánh dấu tuần giảm sâu nhất kể từ tháng 12/2011. Với đà giảm mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, vàng thế giới chính thức rơi vào thị trường giá xuống (bear-market) bởi so với đỉnh cao 1.920,3 USD/ounce hồi tháng 9/2011, giá vàng hiện đã mất 23%.
Nhận định về giá vàng tuần này, ngay cả các chuyên gia cũng rất chia rẽ về đường đi của giá. Trong số 21 chuyên gia tham gia khảo sát của Kitco, có 10 người nhận định giá sẽ quay đầu tăng, đúng bằng số ý kiến tin vào điều ngược lại. Chỉ 1 chuyên gia cho rằng giá vàng tuần tới sẽ ít biến động.
Đề cập đến việc giá vàng giảm mạnh trong tuần qua, giới chuyên gia cho rằng, việc chính quyền đảo Síp dự định bán ra một lượng vàng để giải quyết khủng hoảng tài chính cộng với việc các quỹ tín thác đầu tư vàng giảm lượng nắm giữ khiến giá đi xuống.
theo dân trí