Công ty luật: Vì sao ACB bốc hơi hơn 100.000 tỷ tài sản?

5

Chủ yếu do quyết liệt xử lý hậu quả vụ lỗ hoạt động kinh doanh và ngoại hối.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm Quý IV/2012, theo đó tổng tài sản ngân hàng này giảm 104.000 tỷ đồng (tương đương 37%) so với cuối năm 2011.

Số tài sản này giảm vì đâu, có thể nhìn một cách rõ ràng hơn từ phía công nợ, sau đây là những điểm đáng chú nhất.

Nguyên nhân giảm tài sản đầu tiên là do chủ trương ngừng huy động và cho vay bằng vàng của Ngân hàng Nhà nước.

Trong nửa cuối năm 2012, ACB đã thanh toán hơn 32.000 tỷ chứng chỉ tiền gửi vàng cho người gửi, nhưng tới cuối năm số dư khoản mục này vẫn còn 15.500 tỷ (chủ yếu là loại kỳ hạn dưới 12 tháng). Tính tổng cộng, số dư chứng chỉ tiền gửi vàng giảm 28.000 tỷ trong năm 2012.

Bên cạnh đó, tiền gửi của khách hàng bằng vàng và ngoại tệ cũng giảm 8.000 tỷ, chủ yếu là ngay trong Quý III/2012, tức cùng thời điểm với vụ bầu Kiên bị bắt.

Theo lời TGĐ ACB Đỗ Minh Toàn, tới cuối tháng 1/2013, ACB đã đóng trạng thái và dứt hoàn toàn nghiệp vụ huy động vàng. Tuy vậy, hiện dư nợ cho vay vàng tại ACB còn hơn 100.000 lượng, và theo ông Toàn, phải mất bình quân 3,5-4 năm nữa dư nợ này mới chấm dứt.

Cũng liên quan tới vàng, có vẻ như ACB đã cắt giảm toàn bộ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ qua tài khoản ký quỹ.

Bằng chứng là nếu như cuối năm 2011, ngân hàng này vẫn còn số dư “phải trả khác” hơn 25.000 tỷ, bao gồm hơn 11.000 tỷ vàng đang giữ hộ khách hàng và 12.500 tỷ phải trả đối tác nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, thì tới cuối năm chỉ còn gần 2.700 tỷ, tức giảm gần 22.000 tỷ.

Tính tổng cộng, để khép lại phần nào câu chuyện buồn mang tên “vàng”, giá trị bảng cân đối kế toán của ACB đã giảm 58.000 tỷ đồng.

Ngược lại với nhiều ồn ào trên báo chí, ảnh hưởng tiêu cực của vụ “bầu Kiên” chỉ ở mức hạn chế nếu so với tác động của “câu chuyện vàng” kể trên.

Ngay trong Quý III/2012, khách hàng đã rút hơn 23.000 tỷ tiền gửi từ ACB, nhưng nếu tính trong cả năm và loại trừ khoản mục tiền gửi vàng và ngoại tệ đã tính ở trên, thì tiền gửi bằng VNĐ của khách hàng tại ACB chỉ giảm gần 10.000 tỷ, và có dấu hiệu tăng trở lại trong Quý IV.

Trong thuyết minh BCTC năm 2011, cơ quan kiểm toán từng chú thích số dư tiền gửi khách hàng của ACB bao gồm hơn 23.000 tỷ tiền ký quỹ hoặc phong tỏa để đảm bảo các khoản phải thu liên quan đến vàng. Không thấy thuyết minh nào về khoản mục kể trên trong BCTC mới nhất.

Tuy các TCTD khác đã rút khỏi ACB hơn 24.000 tỷ trong năm qua, nhưng có lẽ phần nhiều là do thanh khoản trên thị trường khó khăn nên các ngân hàng khác rút tiền về phòng thủ. Bằng chứng là hầu hết tiền đều rút về trong Quý I và Quý IV/2012, riêng với Quý III (thời điểm xảy ra vụ bầu Kiên), số dư này còn tăng.

Bản thân ACB năm vừa rồi cũng rút gần 60.000 tỷ khỏi các TCTD khác trong đó có 25.000 tỷ được rút ra ngay trong Quý I/2012. Trong 6 tháng cuối năm, ngân hàng này lại rút tiếp 36.000 tỷ, có lẽ phần nhiều là để phục vụ mục đích mua vàng trả cho người gửi.

Động thái thận trọng kể trên của ACB có lẽ còn là do thị trường liên ngân hàng 2012 đã chứng kiến một số vụ “nợ xấu”, thậm chí là lừa đảo như vụ Huyền Như. Khả năng thu hồi 718 tỷ của ACB trong vụ này “tùy thuộc vào quyết định của Tòa án”, như chú thích trong BCTC Quý IV/2012 của ACB.

Một điểm đáng lưu ý nữa trên bảng cân đối kế toán ACB là tới giữa năm 2012, vẫn còn khoản tài sản có “khác” trị giá khoảng 45.000 tỷ, nhưng tới cuối năm chỉ còn gần 9.000 tỷ.

Theo thuyết minh BCTC hợp nhất năm 2011, con số 45.000 tỷ này bao gồm phải thu từ các đối tác trong nước liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng (hơn 3.300 tỷ), phải thu từ đối tác nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng tài khoản (hơn 13.000 tỷ), và khoản ký quỹ cho các đối tác trong nước đảm bảo việc thực hiện giao dịch hợp đồng vàng kỳ hạn (hơn 23.000 tỷ).

Minh Tuấn

Theo TTVN