Công ty luật – Vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

17

TRAO ĐỔI VỀ “ VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬNCHO NGƯỜI BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ”

Tạp chí tòa án nhân dân số 24 năm 2011 có đăng bài viết “ Vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” của tác giả Đinh Văn Vụ– Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng

Nội dung bài viết được toám tắt như sau:

Từ quy định của Điều 63 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004(BLTTDS) đã được sửa đổi bổ xung năm 2011  thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và đựơc Tòa án chấp nhận để tham gia vào các hoạt động tố tụng dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể là Luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc bất kể người nào khác có đủ điều kiện do pháp luật quy định.  Đồng thời theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 mục 3 phần III của nghị quyết số 01/2005/NQ-HDTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dân thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “ Những quy định chung” của BLTTDS năm 2004 thì “Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ, tài liệu, Thẩm phán  được phân công giải quyết vụ án phải xem xét giải quyết. nếu họ có đầy đủ điều kiện thì  cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để họ tham gia tố tụng. Nếu họ không đủ điều kiện thì thì không chấp nhận và thông báo bằng văn bản cho đương sự và người bị từ chối biết trong đó cần nói rõ lý do của việc không chấp nhận” Theo đó Tác giả cho rằng, với nội dung cuả quy định này rất khó thực hiện đúng tại Tòa án cấp phúc thẩm, bởi vì nhiều vụ án sau khi đương sự đã nộp đơn kháng cáo và thực hiện các thủ tục kháng cáo thì cũng đồng thời nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa phúc thẩm và ngay sau đó người được đương sự nhờ đã đến tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trong khi đó, hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo của đương sự chưa được chuyển lên cho Tòa án cấp phúc thẩm, có thể vì nhiều lý do khác nhau. Do đó, trường hợp trong khoảng thời gian(hồ sơ chưa được chuyển lên cấp phúc thẩm) mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự yêu cầu cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm cấp giấy chứng nhận và họ có đủ các điều kiện thì Tòa án cấp phúc thẩm chưa thể cấp giấy chứng nhận cho họ ngay được trong thời gian 3 ngày  làm việc vì chưa có hồ sơ vụ án. Từ lý do trên tác giả cho rằng Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể, bổ xung nhằm khắc phục nhứng khó khăn trong thực tế thi hành những quy định của BLTTDS để được đảm bảo quyền được bảo vệ hợp pháp của đương sự.

Về vấn đề này cá nhân tôi có ý kiến như sau:

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đượng sự cần “Được Tòa án chấp nhận” (Điều 63 BLTTDS) bằng việc Tòa án cấp “Giấy chứng nhận bảo vệ quyền đương sự”. Thực chất đây là một loại giấy phép con trong đó cả mục đích lẫn hiệu quả quản lý đều không rõ và không tương xứng với quyền của đương sự được yêu cầu người khác bảo vệ.

Tôi cho rằng, đòi hỏi của việc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền thực hiện triệt để dân chủ của người dân thì cần thiết hơn nữa là phải nâng cao năng lực hiểu biết pháp luật, trau dồi kinh nghiệm của những người tiến hành tố tụng cụ thể là cả ba cơ quan: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Đối với cơ quan Tòa án thì cần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ thẩm phán là người trực tiếp tham gia giải quyết các vụ án. Bởi lẽ, vướng mắc nêu trên được bắt nguồn từ yếu tố con người, nếu như thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình trong quá trình giải quyết vụ án và cả sau khi giải quyết vụ án là tiếp nhận kháng cáo và chuyển hồ sơ vụ án lên tòa án cấp phúc thẩm đúng thời hạn, đúng chức trách nhiệm vụ được giao xử lý công việc thì sẽ không có chuyện “Hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo của đương sự  chưa được Tòa án cấp sơ thẩm chuyển lên Tòa án cấp phúc thẩm  có thể vì nhiều lý do khác nhau”

Cốt lõi của vấn đề vướng mắc nêu trên là chưa có những chế tài xử phạt cụ thể đối với những thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án, thậm chí có nhiều chồng tréo trong việc phân công nhiệm vụ cụ thể, sự phối hợp công việc giữa các cấp, các ngành còn hời hợt, chưa tao được sự liên thông trong giải quyết công việc qua đó dẫn đến việc còn tùy tiện kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Những vướng mắc cho việc cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ là bề nổi của tảng băng chìm cho việc chậm trễ giải quyết vụ án của nhiều cấp tòa án gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Bộ luật tố tụng dân sự quy định, đương sự có quyền kháng cáo đối với bản án trong thời hạn 15 ngày và đối với quyết định của tòa án là 7 ngày kể từ ngày đương sự nhận được bản án hoặc quyết định giải quyết vụ việc đó. Bất cập là ở chỗ nếu đương sự chỉ chậm trễ có thể chỉ 01 ngày thôi thì tòa án sẵn sàng không chấp nhận đơn kháng cáo đó, điều đó có thể thiệt hại rất lớn đến quyền của đương sự, nhưng ngược lại tòa án có thể kéo dài trên 3 ngày khi cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà không vì lý do gì…điều đó là hoàn toàn không công bằng khi tiến tới xây dựng một xã hội dân sự thực sự.

Đồng thời nếu các cá nhân, thẩm phán ở cấp phúc thẩm khi nhận được hồ sơ vụ án và đơn kháng cáo của đương sự mà nghiêm túc thực hiện công việc theo đúng chức năng nhiệm cụ của mình được giao, tâm huyết với công việc thì mọi vướng mắc khi giải quyết công việc mà cụ thể là khi giải quyết việc cấp giấy chứng nhận baỏ vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự sẽ được giải quyết triệt để có tình có lý.

Phân tích như vậy để thấy được rằng, mọi vướng mắc đều xuất phát từ vấn đề con người, về trình độ nhận thức pháp lý, sự tận tâm nhiệt huyết với công việc, giải quyết công việc trên tinh thần trách nhiệm cao thì mọi vướng mắc đều được hóa giải mà không cần phải máy móc dựa vào các hướng dẫn của các cơ quan giải thích pháp luật, hay các quy định của chính phủ mang tính thống nhất cao nữa.

Thực tế cả Quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, liệt kê tại điều 64 của BLTTDS, thực chất chỉ là một bộ phận quyền của đương sự. Theo điều 64 BLTTDS thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền:

  1. Xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho Tòa án
  2. Ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
  3. Tham gia hòa giải
  4. Tham gia phiên tòa (Nếu không có mặt tại phiên tòa thì có thể gửi văn bản bảo vệ)
  5. Tham gia tranh luận
  6. Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác
  7. Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm nếu Tòa án xét thấy cần thiết.

Và như vậy quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ không nhiều hơn quyền và nghĩa vụ của đương sự bao nhiêu để xứng đáng với ý nghĩa là người được đương sự nhờ.

Chúng ta thấy rằng, chỉ khi đương sự không có khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì mới đi mời người khác bảo vệ, nhưng chớ trêu thay quyền của người bảo vệ cho đương sự  cũng rất hạn hẹp vậy thì liệu chăng có bảo vệ được cho đương sự hay không ? đó là vấn đề lớn hơn mà chúng ta cần tập trung giải đáp.

Trong quá trình tham gia tố tụng thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải xuất trình tài liệu…rất nhiêu khê. Không khó để nhận ra những công bộc của dân là Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tìm đủ mọi cách để ‘hành” đương sự hay là Luật sư, Người bảo vệ quyền lợi cho đương sự…

Về vấn đề này giới luật sư cho rằng:

Việc quy định, và những vướng mắc như tác giả nêu đã đặt người bảo vệ quyền lợi của đương sự vào một địa vị pháp lý luôn thấp hơn so với những người tiến hành tố tụng khác vì phải xuất trình những giấy tờ cần thiết chứng minh mình là người được khách hàng yêu cầu, các tài liệu bổ trợ khác… thì mới được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng.

Luật chưa đặt vị trí của người bảo vệ quyền lợi của đương sự là một yếu tố không thể thiếu được trong các quan hệ tố tụng, yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền để đảm bảo việc xét xử được khách quan, dân chủ, công bằng.

Nếu nhận thức vì lợi ích chung chứ không riêng gì lợi ích của đương sự cụ thể thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ phối hợp với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy luật cần phải xác định lại địa vị pháp lý của họ trong quan hệ với những người tiến hành tố tụng để cùng có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế.

Thực tiễn, trong quá trình áp dụng Luật luật sư trong 05 năm qua cũng cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng điển hình là cơ quan điều tra thường xuyên vi phạm việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Các vụ án dân sự cơ quan Tòa án có ít vi phạm hơn, nhưng cũng còn gây nhiều nhiêu khê và thường vẫn thiếu thiện chí khi hợp tác với luật sư, cụ thể :Không bao giờ đúng thời hạn cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư là 03 ngày chưa nói tới một số cá nhân tiến hành tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng còn đòi hỏi, người bảo vệ quyền và lợi ích ủa đương sự, luật sư xuất trình thêm các giấy tờ ngoài quy định của Luật luật sư đó là xuất trình thêm chứng chỉ hành nghề luật sư, hợp đồng dịch vụ pháp lý của luật sư với khách hàng….

Tại sao lại có hiện tượng đó, bởi vì Người tiến hành tố tụng vẫn xuất phát từ tư duy là quyền lực đang nằm trong tay họ, thì họ có thể cho, có thể cấp và có thể không cấp chứ họ chưa ý thức được việc phối hợp với người bảo vệ quyền lợi của đương sự là nghĩa vụ, là trách nhiệm của hoạt động tố tụng, là đòi hỏi của việc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Vì đây không phải là quan hệ xin cho giữa cá nhân và cá nhân. Nếu điều đó vẫn còn tồn tại, ai là người thiệt thòi nhất trong các quan hệ pháp lý đó, chính là dân chịu, khách hành chịu, cộng đồng xã hội gánh.

Trong khi tuyên ngôn về chủ thể quyền lực của nhà nước ta đã khẳng định trong Hiến pháp 1992 tại điều 2 “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của do dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ….”. Vì vậy nhân dân mới là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Chính vì lẽ đó, các quy định của BLTTDS và các quy định khác của pháp luật đều cần phải phù hợp và theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm, bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình (theo Điều 132 Hiến pháp).

Quyền của Người bảo vệ quyền ợi của đương sự, Luật sư tham gia vào các vụ án cần phải trở thành là một trong các yếu tố không thể thiếu được của các hoạt động tố tụng để đảm bảo về quyền lợi hợp pháp của công dân vì vậy cần phải loại bỏ tư duy xin cho cấp phép.

Kiến nghị

  1. Cần nâng cao năng lực và trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ thẩm phán, người tiến hành tố tụng và không ngừng tuyển truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân và cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng… xây dựng tư duy pháp lý bền vững, có tâm có lý, có tình.
  2. Cần sửa đổi, bổ xung pháp luật sao cho thống nhất theo hướng nâng cao quyền lực của người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Luật sư. Quyền bảo vệ, bào chữa đó đó được xác định phải là trách nhiệm tham gia của hoạt động tố tụng, là đòi hỏi của hoạt động cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế XHCN.
  3. Cần có chế tài xử phạt cụ thể đối với ngươì tiến hành tố tụng khi mà vi phạm về thời hạn tố tụng như (Chưa chuyển hồ sơ, đơn kháng cáo của đương sự cho Tòa án cấp phấp thẩm) làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ịch hợp pháp của đương sự đồng thời sẽ hạn chế được lượng công việc tồn đọng hàng năm.
  4. Cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế một của liên thông theo đúng nghĩa của nó để tránh phiền hà, bức xúc cho người dân.

Sưu tầm

Đinh Văn Vụ