Trong phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử các cựu quan chức huyện Tiên Lãng chiều nay, 8/4, bị hại Đoàn Văn Vươn đề nghị HĐXX xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho ông Nguyễn Văn Khanh – nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng.
Chiều nay 8/4, 5 cựu quan chức huyện Tiên Lãng tiếp tục hầu tòa. Các bị cáo bị truy tố tội “Hủy hoại tài sản” gồm: Nguyễn Văn Khanh (SN 1961, cựu Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng); Phạm Xuân Hoa (SN 1955, cựu Trưởng phòng tài nguyên và môi trường); Lê Thanh Liêm (SN 1963, cựu Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng); Phạm Đăng Hoan (SN 1960, cựu Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng). Riêng ông Lê Văn Hiền (SN 1958, cựu Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Khanh cho rằng ông Lê Văn Hiền với cương vị Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng khi đó phải chịu trách nhiệm chính việc phá nhà ông Vươn.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Khanh khai nhận đến chiều ngày 5/1/2012, ông mới có mặt ở khu vực đầm 21 ha và không biết việc phá nhà. Bị cáo Khanh cũng nói, việc thuê máy xúc là do xã thuê. Theo bị cáo Khanh, chủ trương phá nhà ông Quý được đưa ra tại 2 cuộc họp ngày 12/12/2011 do ông Lê Văn Hiền chủ trì và ngày 22/12/2011 bản thân ông Khanh chủ trì.
Ông Khanh cũng thanh minh, khi cuộc họp đưa ra nội dung tháo dỡ, ông đã không đồng tình nhưng do đây là nghị quyết của tập thể nên bị cáo phải chấp hành. Bị cáo Khanh khai tại tòa rằng ý kiến không đồng tình của bị cáo đã được ghi vào biên bản.
Về việc gọi điện cho chủ đầm tên Kết, ông Khanh cho biết là do bị cáo Hoan nhờ và chỉ nói mang máy xúc tới chứ không nói là để phá nhà.
Bị cáo Lê Văn Hiền khai không hề hay biết và không được báo cáo việc tổ cưỡng chế phá nhà ông Vươn.
Bị cáo Khanh cũng khẳng định tại tòa, việc hủy hoại tài sản tại gia đình ông Vươn, bị cáo Lê Văn Hiền với cương vị Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng khi đó phải chịu trách nhiệm chính.
Tuy nhiên, đến phần minh, bị cáo Lê Văn Hiền đã “phản pháo” lời khai của bị cáo Khanh. Trong khi bị cáo Khanh khai UBND huyện Tiên Lãng có tổ chức 1 cuộc họp do bị cáo Hiền chủ trì có đề cập việc phá nhà, bị cáo Hiền khẳng định điều đó sai sự thật.
“Cuối ngày 5/1/2013, bị cáo chủ trì 2 cuộc họp. Cả hai cuộc đều không đề cập nội dung phá nhà. Trong tất cả các quyết định bị cáo đã ký đều không có nội dung tháo dỡ nhà của gia đình ông Vươn mà chỉ tổ chức thu hồi toàn bộ diện tích nằm trong diện có quyết định cưỡng chế để giao về cho UBND huyện”, bị cáo Hiền nói.
Bị cáo Hiền cũng khẳng định bị cáo Khanh chưa bao giờ báo cáo chính thức việc phá nhà của gia đình ông Vươn với mình. Thậm chí, ngay cả thông báo 225 được cho là phòng Tài nguyên môi trường huyện Tiên Lãng đã đưa ra trong các cuộc họp của UBND huyện thì ông Hiền nói không được nhận. Bị cáo cho rằng, ông Khanh phải chịu trách nhiệm về nội dung phá dỡ lều nhà ông Vươn và nhà ông Quý.
Trong phần xét hỏi, ông Hiền cũng thừa nhận đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, đôn đốc việc cưỡng chế dẫn đến tổ công tác đã hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn, vốn không thuộc khu vực phải cưỡng chế.
Chủ đầm Vũ Văn Kết khai gặp các bị cáo Khanh, Hoan, Liêm tại đầm ông Vươn và được nhà thuê máy ủi.
Tại phiên tòa, nhiều nhân chứng cũng được xét hỏi để làm rõ ai là người gọi điện cho chủ đầm Kết nhờ thuê máy ủi phá nhà ông Vươn. Nhân chứng Mai Công Nhìu cho biết, chiều 5/1, ông Khanh là người phát lệnh và trực tiếp chỉ huy các tổ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Ông Phạm Xuân Hoa là người đôn đốc việc phá dỡ.
Chủ đầm Vũ Văn Kết khai, chiều 5/1 nhận được điện của bị cáo Hoan nói ban cưỡng chế của đầm ông Vươn nhờ 1 việc. Kết đã ra đầm gặp Khanh, Hoan và Liêm. Ba bị cáo đã nhờ Kết gọi hộ 1 chiếc máy xúc để giải phóng mặt bằng nhà ông Vươn.
Nhân chứng Vũ Văn Đoàn, người cho thuê máy ủi xác nhận việc dùng máy xúc của mình phá nhà ông Vươn là do có ông Khanh, Liêm và Hoa trong ban cưỡng chế thuê. Ông Đoàn cũng đề nghị cơ quan chức năng chóng trả lại gia đình chiếc máy xúc đang bị cơ quan điều tra tạm giữ hơn 1 năm nay.
Về số tiền đền bù thiệt hại tài sản bị phá hủy do hội đồng định giá TP Hải Phòng kết luận hơn 295 triệu đồng, ông Đoàn Văn Vươn, dự tòa với tư cách người bị hại, không đồng ý. Ông Vươn cho biết tại phiên tòa hôm nay mới biết được mức bồi thường như vậy. Nếu biết trước, ông đã làm đơn khiếu nại.
Ông Đoàn Văn Vươn đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ với bị cáo Nguyễn Văn Khanh.
Ông Vươn cho biết phải đầu tư 8 năm vào khu đầm thì gia đình mới có thể đưa vào sản xuất. Giá trị đầu tư rất lớn, nhiều giai đoạn, không thể tính được. Theo bị hại Vươn, giá trị thực tế đầu tư hiện nay lên tới khoảng 60 tỷ. Hiện gia đình bị hại còn đang nợ khoản nợ lên tới 5 tỷ đồng. “Thông báo dừng đầu tư của UBND huyện Tiên Lãng khiến gia đình tôi không dám đầu tư thêm bất cứ gì. Nếu như tính thiệt hại hàng năm phải lên tới hàng tỷ đồng, còn cụ thể không tính toán được” – ông Vươn nói.
Một tình tiết gây chú ý, ông Đoàn Văn Vươn đề nghị HĐXX xem xép áp dụng các tình tiết giảm nhẹ với bị cáo Nguyễn Văn Khanh – nguyên phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng. Với các bị cáo khác, ông Vươn đề nghị cần phải tăng nặng hình phạt. Theo ông Vươn, bị cáo Hiền là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc hủy hoại tài sản gia đình ông.
Chiều nay, phiên tòa xét xử 5 cựu quan chức huyện Tiên Lãng đã kết thúc phần xét hỏi. Đúng 8h sáng mai, tòa sẽ chuyển sang phần tranh tụng.